07:00 23/05/2023

Xây dựng chuỗi giá trị cà phê và hồ tiêu bền vững

Chu Khôi

Nhiều giải pháp kỹ thuật canh tác mới được đưa vào hàng trăm vườn cà phê, hồ tiêu đã góp phần nâng cao sinh kế cho các hộ nông dân nông và giảm suy thoái môi trường dựa trên phương pháp tiếp cận theo hệ thống...

Trồng cà phê ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới giúp bền vững hơn, lợi nhuận cao hơn.
Trồng cà phê ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới giúp bền vững hơn, lợi nhuận cao hơn.

Trong các ngày 21-22/5/2023 tại tỉnh Đắk Lắk, Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) tại Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội thảo: Xây dựng chuỗi giá trị cà phê và hồ tiêu bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.

CẢI THIỆN SINH KẾ CHO NÔNG DÂN VÀ GIẢM SUY THOÁI MÔI TRƯỜNG

Ông Trần Nam Anh, Phó Trưởng đại diện Tổ chức ACIAR tại Việt Nam nhận định: Việt Nam là nước sản xuất cà phê Robusta và tiêu đen lớn nhất thế giới, hai mặt hàng này chủ yếu để xuất khẩu. Hai loại cây trồng này tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên, mang lại sinh kế trực tiếp và gián tiếp cho hơn 1 triệu nông dân.

Tuy nhiên, với sự phát triển ồ ạt của các vườn cà phê, hồ tiêu và hiện nay là cây ăn quả, Tây Nguyên đang đối mặt với tình trạng suy thoái môi trường trên diện rộng, sử dụng đất kém hiệu quả.

Theo ông Nam Anh, người dân áp dụng các biện pháp thâm canh trên diện rộng, bao gồm việc sử dụng quá mức phân bón, nước tưới và các loại thuốc trừ sâu tổng hợp. Các hoạt động này làm suy thoái đất và gia tăng các loại sâu bệnh sinh ra từ đất – điều này lại khiến vòng lặp tiếp tục, người dân càng sử dụng nhiều hơn các loại hóa chất làm hại đất.

Bên cạnh đó, tình trạng rửa trôi chất dinh dưỡng và thuốc trừ sâu tổng hợp vào tầng đất sâu cũng gây nguy hiểm cho nguồn nước ngầm. Hậu quả khiến Tây Nguyên hiện là một trong những khu vực chịu suy thoái môi trường nghiêm trọng nhất ở Việt Nam.

 

Theo một nghiên cứu của Viện Quản lý Nước Quốc tế (IWMI) và Viện WASI,  lượng nước hiện tại được sử dụng để tưới cà phê Robusta ở các vườn của nông dân là 700 lít/cây/lượt. Trong khi nghiên cứu cho thấy, chỉ nên sử dụng tối đa 400 lít/cây/ lượt đối với cây cà phê trưởng thành.

Dự án “Tăng cường tính bền vững, năng suất và giá trị kinh tế của các hệ thống canh tác và chuỗi giá trị cà phê và hồ tiêu ở Tây Nguyên” (Dự án VSCOPE) do ACIAR tài trợ; Tổ chức Nghiên cứu Nông Lâm Quốc Tế (ICRAF) chủ trì phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) thực hiện trong thời gian từ năm 2021-2025.

Dự án sẽ góp phần cải thiện sinh kế cho nông dân và giảm suy thoái môi trường dựa trên phương pháp tiếp cận theo hệ thống. Cụ thể, giảm chi phí sản xuất (giảm sử dụng phân bón và tưới tiêu); tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên (cải thiện sức khỏe và độ phì nhiêu của đất thông qua các mô hình xen canh/nông lâm kết hợp); ngăn ngừa suy thoái môi trường và nâng cao an toàn thực phẩm; tận dụng các cơ hội trong chuỗi giá trị; và tích hợp hệ thống vào các chương trình đổi mới nông thôn khác.

TS Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) cho hay Tây Nguyên đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu và các hoạt động sản xuất nông nghiệp không bền vững. Đơn cử, trong đợt hạn hán lịch sử năm 2016, hàng trăm hồ chứa nước cạn kiệt khiến hơn 165.000 ha cà phê bị ảnh hưởng, trong đó nông dân Tây Nguyên mất trắng khoảng 40.000 ha.

WASI đã thực hiện 4 thí nghiệm về đo lường rửa trôi dinh dưỡng trong canh tác cà phê và hồ tiêu, kết quả nghiên cứu này sẽ là cơ sở để đề xuất phân bón cho cây trồng hợp lý nhằm tiết kiệm đầu vào, bảo vệ môi trường. Viện WASI cũng đã tiến hành 30 thử nghiệm về phục hồi đất bằng việc sử dụng vôi và than sinh học trong canh tác cà phê và hồ tiêu. Bước đầu cho thấy vôi và than sinh học có ảnh hưởng tốt đến sinh trưởng và phát triển của cà phê và hồ tiêu.

THÚC ĐẨY CÁC THỰC HÀNH NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG

ThS Châu Thị Minh Long, Phó Trưởng Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp thuộc Viện WASI, cho biết Dự án VSCOPE đã thử nghiệm, đánh giá và thúc đẩy các thực hành nông nghiệp bền vững, trong đó có các hệ thống tưới tiêu thông minh thích ứng với điều kiện khí hậu. Trong các mô hình thực tế đã được triển khai tại các hộ nông dân, cho thấy rằng cây cà phê non chỉ cần khoảng 100 lít nước tưới mỗi tháng và cây cà phê trưởng thành khoảng 200 lít mỗi tháng.

 

Nhờ sự che bóng của các cây lớn, cũng khiến lượng nước trong đất bốc hơi chậm hơn, dẫn đến tiết kiệm nước tưới. Mặt khác, cây cà phê thải ra lượng khí nhà kính lớn, trong khi những cây bơ, cây mắc ca có khả năng hấp thụ khí carbon cao, sẽ làm giảm phát thải từ sản xuất cà phê.

Trong năm đầu tiên của dự án, nhóm chuyên gia đã thiết kế và thử nghiệm một quy trình tưới tiêu mới và tiếp tục điều chỉnh trong những năm tiếp theo dựa trên số liệu về tốc độ thấm nước của đất, sự thoát hơi nước ở cây và sản lượng cà phê. Cụ thể, dự án đang tiến hành thử nghiệm hệ thống đo lưu lượng dòng chảy trong thân cây (sap flow), bao gồm các thiết bị cảm biến để đo lượng thoát hơi nước của cây theo thời gian thực nhằm cung cấp thông tin về lượng nước tiêu thụ thực tế.

Cùng với đó, các thiết bị cảm biến đo độ ẩm đất ở các độ sâu khác nhau để cung cấp thông tin về lượng nước sẵn có. Khi thu hoạch cà phê, từ các số liệu đo lường năng suất và chất lượng, chúng ta có thể thấy được mối tương quan của lượng nước tưới tiêu và hiệu quả sản xuất.

Từ năm 2022, nhóm nghiên cứu đã thực hiện trên mô hình xen canh cà phê với hồ tiêu và cây ăn quả. Cây cà phê cần phải có cây che bóng để giảm cường độ ánh nắng thì cây cà phê mới phát triển tốt.

Đại diện Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam cho rằng năng suất cà phê không nên chỉ “đóng gói” bằng bao nhiêu tấn/ha, mà phải quy ra giá trị doanh thu và lợi là bao nhiêu trên mỗi ha. Vì vậy, mới có thuật ngữ rất hay: Chuỗi giá trị. Tôi nghĩ nên bắt đầu đưa ra đo đường về phát thải trong chuỗi giá trị cà phê và cần phải bổ sung thêm tiêu chí này vào Dự án. Cần phải tính toán được việc trồng cà phê phát thải lượng carbon là bao nhiêu, từ đó đưa ra các giải pháp canh tác để giảm phát thải.

 
GS.TS Nguyễn Văn Bộ, Nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Văn Bộ, Nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

Những nghiên cứu về chuỗi ngành hàng cà phê ở Việt Nam cho thấy người nông dân mới chỉ được hưởng dưới 10% trong tổng giá trị lợi nhuận của toàn chuỗi cà phê, mức hưởng lợi này rất thấp.

Trên thế giới người ta bán một ly cà phê Starbucks với giá ngang bằng nông dân Việt Nam bán 1 yến cà phê. Người ta thương mại cà phê với các thương hiệu lớn của thế giới, trong khi người mua không biết rằng đấy là cà phê của Việt Nam.

Trước đây, sản xuất thương mại cà phê ở nước ta bị tách rời, nông dân trồng cà phê riêng, người thu gom riêng và doanh nghiệp xuất khẩu không có sự liên kết với nhau, dẫn đến lợi nhuận được thương lái và doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hưởng nhiều, mà không được phân phối lại cho nông dân. Bây giờ kết nối người nông dân thông qua các hợp tác xã, các doanh nghiệp, các nhà máy chế biến, đã bắt đầu phối hợp với nhau để giá trị tăng thêm ấy được phân phối trở lại. Người trồng cà phê phải được hưởng lợi nhiều hơn thì họ mới yên tâm sản xuất.

Tối thấy trong Dự án VSCOPE, không chỉ thiết lập chuỗi giá trị cà phê, mà trong dự án này có gói kỹ thuật canh tác mang tính bền vững, giúp bảo vệ được đất và tài nguyên. Nhằm thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, chúng ta mong muốn sản xuất cà phê không chỉ là vấn đề giá thành, mà đòi hỏi phải chú trọng đến lượng phát thải khí nhà kính cho mỗi tấn cà phê là bao nhiêu? Giải pháp trồng cây cà phê xen với cây bơ, cây mắc ca là rất thiết thực.