08:51 17/12/2007

Giá thép cao: “Ảo, nhưng không có đầu cơ”

Nguyễn Mạnh

Giá thép đang tăng kỷ lục, nhưng Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam khẳng định đó là giá ảo

"Tính đến thời điểm giữa tháng 12, giá thép xuất xưởng của các đơn vị sản xuất chưa vượt quá 12 triệu đồng/tấn (chưa tính chiết khấu vận tải và 5% VAT)".
"Tính đến thời điểm giữa tháng 12, giá thép xuất xưởng của các đơn vị sản xuất chưa vượt quá 12 triệu đồng/tấn (chưa tính chiết khấu vận tải và 5% VAT)".
Theo một số doanh nghiệp ngành thép, giá thép đang tăng kỷ lục, thép cuộn xấp xỉ 15 triệu đồng/tấn, thép cây 14 là 165 nghìn đồng/cây, 16 là 214 nghìn đồng/cây... nhưng Hiệp hội Thép khẳng định đó là giá ảo. Vậy đâu là giá thật?

Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi của chúng tôi với ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam.

Hiện nay, giá thép xây dựng đã lên tới 15 triệu đồng/tấn, đạt mức tăng cao kỷ lục từ trước tới nay. Vậy, trên thực tế có đúng như vậy không, thưa ông?

Tôi được biết dư luận gần đây cho rằng giá thép tăng cao, đặc biệt là thép cuộn tăng đến mức 15 triệu đồng/tấn. Đó là điều không lành mạnh của thị trường, giá mà các cửa hàng kinh doanh đưa ra là giá ảo để bắt ép người tiêu dùng.

Trên thực tế, Hiệp hội Thép đã yêu cầu các doanh nghiệp thép tham gia bình ổn thị trường theo chủ trương của nhà nước. Tính đến thời điểm giữa tháng 12, giá thép xuất xưởng của các đơn vị sản xuất chưa vượt quá 12 triệu đồng/tấn (chưa tính chiết khấu vận tải và 5% VAT).

Đến ngày 15/12, giá thép mới sẽ được áp dụng tại Tp.HCM, theo đó, giá cao nhất là thép cuộn của Công ty Thép Việt cũng chỉ là 11.600 đồng/kg, thép cây vẫn ở mức 11.270 đồng – 11.280 đồng/kg, nếu như cộng cả thuế VAT 5% thì cũng chưa đến 12 triệu đồng/tấn. Vậy mà nhiều cửa hàng đã bán tới 15 triệu đồng/tấn là điều khó chấp nhận, bắt ép người tiêu dùng và cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.

Dư luận cho rằng, giá thép trong nước tăng còn do một phần ở hệ thống phân phối vòng vèo, nhiều trung gian và có tình trạng găm hàng đầu cơ. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi khẳng định, không có chuyện đầu cơ tích trữ và găm hàng, vì hiện tại cung đang vượt cầu, công suất sản xuất khoảng 6,5 triệu tấn trong khi tiêu thụ chỉ có hơn 4 triệu tấn, các công ty đều tranh thủ để bán được hàng. Hiện tại, nhà máy nào cũng sản xuất được 400 – 500 tấn/ngày, thậm chí là 1.000 tấn hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu thì lấy đâu ra chuyện khan hàng.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn có một hệ thống giám sát và các công ty vẫn thường xuyên kiểm tra chéo lẫn nhau nên không thể có chuyện tăng giá bán bất hợp lý được, có chăng chỉ là một vài cửa hàng cố tình “làm khó” cho khách hàng mà thôi.

Nhiều người cho rằng, so với trong khu vực, chi phí gia công thép trong nước còn cao và đó là nguyên nhân giá thép trong nước cao hơn so với họ. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Tôi cho rằng, giá thép của Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á không có sự chênh lệch nhiều, bởi chính các nước này cũng phải đi nhập phôi và chịu sức ép từ thép Trung Quốc. Họ chỉ có lợi thế hơn ta là bớt được khấu hao vì đi vào sản xuất trước, nhưng họ lại phải chịu cước vận tải, do vậy, nếu tính ra giá thành sản phẩm là như nhau.

Hiện tại, tổng cầu phôi phụ thuộc gần 50% nhập khẩu và đó được coi là sự phát triển thiếu bền vững của ngành thép Việt Nam. Hiệp hội đã có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

Theo dự kiến đến hết năm nay, thép sản xuất trong nước sẽ đạt từ 4,2 đến 4,3 triệu tấn thép thanh và thép cuộn. Trong đó, phôi thép chỉ phải nhập 50% (khoảng 2 triệu tấn), như vậy, lượng phôi sản xuất trong nước đã đáp ứng tới 50% tổng nhu cầu phôi cả nước (4 triệu tấn).

Từ tháng 7/2007 Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu thép thành phẩm trong đó có cả phôi, không những thế thuế xuất cũng được đẩy lên cao, áp dụng cấp cota vào xuất khẩu chứ không tự do như trước nên lượng phôi nhập khẩu vào Việt Nam cũng giảm xuống.

Để khắc phục tình trạng thiếu cân đối như hiện nay, ngoài việc nhập phôi từ Trung Quốc, thì hiện tại Việt Nam còn nhập phôi từ các nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Malaysia, Đài Loan với giá rẻ hơn của Trung Quốc khoảng 30 USD/tấn, vì vậy, giá nhập khẩu bình quân trong tháng 11/2007 chỉ có 572 USD/tấn, trong khi đó, giá bán của Trung Quốc là 630 đến 640 USD/tấn trong hai tháng qua.

Vậy theo ông, giải pháp khắc phục tình trạng giá ảo là gì?

Theo tôi cách tốt nhất là ngoài việc nhập phôi thép từ Trung Quốc thì chúng ta cần phải tìm đến với các thị trường khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Malaysia... để giữ ở mức cân đối và không bị ép giá. Cùng với đó, cần phải nâng cao năng lực sản xuất và chủ động hơn về nguồn phôi trong thời gian tới.