Cần chính sách trợ lực cho doanh nghiệp phát triển theo hướng tuần hoàn
Áp dụng kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh phải là động lực kinh tế, chứ không chỉ hô hào chung chung; cần có "lực đẩy" về kinh tế như giảm thuế, ưu đãi về phí và sự đồng bộ trong chính sách…
Ngày 10/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, Viện Chiến lược và Chính sách Tài nguyên Môi trường và Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với các đối tác quốc tế tổ chức "Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn lần thứ 3" năm 2024.
NHIỀU ĐIỂM NGHẼN CHƯA THÁO GỠ
Tại diễn đàn, các chuyên gia nhận định kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu. Nếu trước đây nói kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững thường mang tính khuyến nghị, nhưng nay đã dần trở thành yêu cầu bắt buộc.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Lâm Du An, Phó Tổng giám đốc phụ trách sản xuất và công nghệ, Sabeco cho biết thực hiện kinh tế tuần hoá Sabeco tập trung vào 3 mục tiêu bao trùm trong ngành sản xuất bia. Đó là quản lý bao bì bền vững; quản lý nguồn nước; sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, các chất thải và chất ảnh hưởng tới môi trường. Những hành động này giúp lan toả tính tuần hoàn trong ngành bia, giảm khí thải ra môi trường, duy trì nguồn năng lượng cho cộng đồng và xã hội.
Phát triển bền vững, chiến lược kinh tế tuần hoàn là xuyên suốt trong quá trình hoạt động của Sabeco. Theo đó Sabeco phân ra làm 2 đơn vị: các đơn vị bên trong và bên ngoài (trong chuỗi cung ứng). Cả hai đơn vị đều phải tuân thủ kinh tế tuần hoàn.
Trong nội khối, Sabeco xây dựng các mô hình đảm bảo chiến lược phát triển bền vững như có kế hoạch siết chặt về nguồn nước sử dụng, nguồn năng lượng. Vì vậy, trong 5 năm Sabeco đã tiết giảm được 60% lượng nước sử dụng trong sản xuất, tiết giảm 43% lượng điện tiêu thụ tương đương 60 ngàn tấn CO2 phát thải ra bên ngoài.
Với các đơn vị bên ngoài, Sabeco đưa vào các cam kết trong hợp đồng để đánh giá nhà cung cấp. Nguyên liệu Sabeco là gạo và men, nên yêu cầu các đơn vị cung cấp gạo phải sử dụng các loại bao bì không phát thải, như vận chuyển bằng các container để thu hồi chứ không sử dụng các loại bao 50kg. Đó cũng là yếu tố đánh giá để ưu tiên trong lựa chọn các nhà cung cấp.
Ngoài ra, Sabeco muốn hợp tác với các nhà vận chuyển sử dụng nguồn khí sạch nhưng do kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam còn mới lạ, nên các nhà vận tải chưa đáp ứng được điều này. Vì vậy, giai đoạn hiện nay Sabeco hạn chế tối đa những nhà cung cấp không đảm bảo được vấn đề xả thải.
Song trong quá trình thực hiện nền kinh tế tuần hoàn, ông Lâm Du An cho rằng doanh nghiệp nói chung, Sabeco nói riêng đang gặp khó khăn nhất trong vấn đề xử lý các văn bản hành chính. Ví dụ, hiện nay một số doanh nghiệp đang sử dụng lò đốt dầu là nguồn năng lượng hoá thạch, giờ muốn chuyển qua đốt trấu – năng lượng biomass thì rất khó khăn về giấy phép.
Hay vấn đề bùn thải bia, doanh nghiệp mang đi nghiên cứu ở nhiều nơi và có giấy chứng nhận là vô hại, an toàn và hữu dụng cho cây trồng nhưng chính sách vẫn áp đặt đây là chất thải công nghiệp độc hại.
Đồng tình, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định thời gian qua chính sách ưu đãi cho phát triển xanh chưa đủ mạnh, chưa là trợ lực cho doanh nghiệp phát triển theo hướng tuần hoàn.
"Chúng ta đã bắt đầu có quy định về hạn ngạch phát thải, nhưng mới giới hạn ở một số ngành hàng. Song cái khó là mỗi ngành hàng khác nhau lại có quy định riêng. Nên khi Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các bộ, ngành phối hợp xây dựng định mức của ngành mình, các bộ ngành chuyên môn rất lúng túng”, ông Tuấn nêu.
Bên cạnh đó, hiện nay một số Nghị định về phát thải khí nhà kính trao trách nhiệm này cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, sự hiểu biết của các sở ngành địa phương về lĩnh vực mới này còn rất hạn chế, khó khăn.
THỐNG NHẤT CHÍNH SÁCH TỪ TRUNG ƯƠNG TỚI ĐỊA PHƯƠNG
Để đẩy mạnh phát triển nền kinh tế tuần hoàn, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng cần có sự liên thông giữa các bộ ngành về chính sách, cần có một chương trình chung của Chính phủ và có sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế.
Hơn nữa, hệ thống tiêu chí kinh tế tuần hoàn cần đi kèm với hệ thống kê khai và hệ thống kiểm toán, đòi hỏi doanh nghiệp phải có đủ nhân lực để kê khai.
Điều ưu tiên cấp bách trong thời gian tới là phải làm sao để chính quyền các địa phương am hiểu, hiểu rõ và có kỹ năng cũng như trình độ về vấn đề này. “Có lẽ đây là đề án về tăng cường năng lực của bộ máy chính quyền địa phương, từ việc xây dựng chính sách đến thực thi chính sách là vấn đề hết sức quan trọng”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Kinh tế tuần hoàn cần bắt đầu từ những vấn đề cụ thể. Lấy ví dụ như những quy định về thiết kế sản phẩm. Thị trường EU vừa ban hành quy định về thiết kế sinh thái. Những quy định này rất cụ thể đặc biệt với sản phẩm dệt may phải dễ tái chế, tiết kiệm năng lượng, tối ưu hoá tuổi thọ...
Vì thế, vai trò của chính sách với vận hành kinh tế tuần hoàn vô cùng quan trọng. Chúng ta cần có những quy định trong từng mặt hàng nhất định, dễ phân loại, dễ tháo rời, đồng bộ để quy trình tái chế dễ dàng nhất, tách rời kim loại - thuỷ tinh, vật liệu tái chế có khả năng phân huỷ sinh học … tiết kiệm thời gian và chi phí nhất. “Có thể chúng ta không làm được tất cả các mặt hàng cùng một lúc, nhưng nên bắt đầu từ lĩnh vực đồ nhựa, may mặc…”, ông Tuấn gợi ý.
Còn theo ông Lâm Du An, chính sách cho phát triển bền vững, phát triển nền kinh tế tuần hoàn cần điều chỉnh thống nhất từ trung ương tới địa phương. Có chính sách thúc đẩy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Hơn nữa, kinh tế tuần hoàn phải đi đôi với ứng dụng khoa học kỹ thuật. Mà đã ứng dụng khoa học kỹ thuật thì phải đầu tư chi phí. Chính phủ nên có chính sách giống như Quỹ khoa học phát triển để giúp kinh tế tuần hoàn tốt hơn. Lợi nhuận trước thuế doanh nghiệp được giữ lại và sử dụng để nghiên cứu đầu tư thiết bị giúp thực hiện chiến lược kinh tế tuần hoàn.