09:15 05/06/2008

Giá thuốc có ổn định sau tháng 6?

Nguyễn Kim

Ngay từ thời điểm này, trên thị trường dược đã ghi nhận nhiều trường hợp tăng giá bán lên nhiều so với giá thuốc đã kê khai

Giá thuốc đang nóng lên từng ngày tại các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM.
Giá thuốc đang nóng lên từng ngày tại các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM.
Chính phủ đang xây dựng phương án sau nhằm đảm bảo ổn định đời sống của người dân sau khi sẽ có nhiều mặt hàng tăng giá sau tháng 6.

>>Ngành dược thời giá tăng

Tuy nhiên, ngay từ thời điểm này, trên thị trường dược đã ghi nhận nhiều trường hợp tăng giá bán lên nhiều so với giá thuốc đã kê khai.

Giá thuốc tăng theo ngày

Tại trung tâm bán buôn dược phẩm Ngọc Khánh (Hà Nội), nhiều người bán hàng cho biết, giá thuốc đã tăng ít một từ cuối tháng 2 và cuối tháng 4, đến tháng 5 mới bắt đầu tăng mạnh hơn. Mức tăng ở khâu bán buôn từ 0,5 - 10% tùy theo từng mặt hàng nhưng tăng nhiều ở nhóm kháng sinh ngoại với mức tăng 5-10%.

Điển hình là công ty Zuellig Pharma có tới 18 mặt hàng tăng giá đợt này gồm: Pumicort (trị hen suyễn), Antibio (men tiêu hóa), Losec (trị dạ dày) với mức tăng từ 0,5%. Ngoài ra, một số thuốc trị cảm cúm như thuốc Panadol extra tăng từ 80.000 đồng lên 85.000 đồng/hộp, Panadol từ 75.000 đồng lên 80.000 đồng/hộp...

Giá thuốc đang nóng lên từng ngày tại các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM bất chấp Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các Sở Y tế tạm ngừng xem xét đề nghị điều chỉnh tăng giá thuốc của các cơ sở xản xuất, kinh doanh dược phẩm đến hết tháng 6/2008 và hạn chế tối đa việc điều chỉnh tăng giá thuốc bán ra.

Đặc biệt, qua kết quả thanh tra chi nhánh Công ty Cổ phần Dược phẩm Trà Vinh tại TP.HCM, Sở Y tế Tp.HCM phát hiện chi nhánh này đã tự động điều chỉnh tăng giá so với giá kê khai của 11 mặt hàng thuốc.

Sự việc của Công ty Cổ phần Dược phẩm Trà Vinh chưa lắng, thì mới đây, Cục Quản lý dược Việt Nam lại đưa ra hình thức xử lý đối với công ty Hawon Pharmaceutical Corporation (Hàn Quốc) về việc vi phạm về giá thuốc...

Phụ thuộc giá thế giới

Tuy nhiên, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Yên cho rằng, đến thời điểm này rất khó kìm hãm sự tăng giá của thuốc tân dược khi có đến 90% nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp dược trong nước và 50% giá trị thuốc thành phẩm vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài trong bối cảnh giá dầu tăng phi mã, các loại hóa chất để sản xuất dược phẩm đều tăng. ở trong nước, áp lực lạm phát, lãi suất ngân hàng..., buộc các doanh nghiệp dược phẩm phải tăng giá để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Trương Quốc Cường cho biết, muốn ổn định được thị trường dược phẩm trong nước, giảm phụ thuộc vào thị trường dược phẩm thế giới thì phải cân bằng được cung cầu. Tuy nhiên, làm được điều này lại không dễ dàng vì hiện trong 20.000 mặt hàng thuốc lưu hành trên thị trường có đến 14.000 mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài.

Do vậy, theo ông, thị trường dược phẩm trong nước từ nay đến cuối năm 2008 có ổn định hay không phải lệ thuộc nhiều vào thị trường thế giới.

Một vấn đề khác được giới chuyên môn đặt ra là nỗi lo ngại sẽ có những cú sốc về giá dược phẩm sau tháng 6/2008, khi mà thời điểm giữ giá để kiềm chế lạm phát đã hết. Theo một số chuyên gia, việc "trói" giá trong thời gian dài có thể tạo ra những cơn sốt về giá đối với nhiều mặt hàng chứ không riêng gì dược phẩm.

Đánh giá về vấn đề khả năng tăng giá thuốc trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Yên cho rằng, ngày 30/6 không phải là thời hạn để xoá bỏ việc kiểm soát giá và các doanh nghiệp không thể tự ý tăng giá trước khi sự đồng ý của cơ quan chức năng. Doanh nghiệp nào muốn tăng giá phải nộp hồ sơ kê khai lại giá thuốc cho Sở Y tế hoặc Cục Quản lý dược để chứng minh tính hợp lý giữa chi phí, giá thành, giá bán trên thị trường thì mới được điều chỉnh.

Nhằm bình ổn giá thuốc và để tránh tình trạng người dân phải mua thuốc cao hơn giá thuốc của những nước trong khu vực, tới đây Bộ Y tế sẽ tham khảo giá thuốc tại một số nước như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Campuchia làm căn cứ kê khai giá thuốc nhập khẩu (giá CIF) tại Việt Nam.

Như vậy, những cơ sở sản xuất thuốc ở nước ngoài hoặc được uỷ quyền đăng ký thuốc hoặc nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký tại Việt Nam sẽ phải cung cấp giá CIF thực tế tại các nước này.