Giá vàng thế giới lao dốc chóng mặt, trong nước tăng
Đồng USD tăng giá mạnh sau cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), khiến giá vàng thế giới giảm mạnh phiên thứ hai liên tiếp và không giữ được mốc 1.800 USD/oz. Chênh giá vàng trong nước-thế giới sáng nay vượt 13 triệu đồng/lượng...
Lúc hơn 9h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á theo dữ liệu từ Kitco đứng ở 1.799,4 USD/oz, tăng 1,3 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại New York.
Trong phiên Mỹ ngày thứ Năm, giá vàng giao ngay giảm 22,3 USD/oz, tương đương giảm hơn 1,2%, còn 1.798,1 USD/oz. Trước đó, trong phiên ngày thứ Tư, giá vàng đã giảm hơn 1,5%.
Hai phiên giảm mạnh liên nhau đưa giá vàng thế giới xuống mức thấp nhất trong 2 tuần. Áp lực giảm giá vàng đến từ việc Fed phát tín hiệu mạnh mẽ về khả năng tăng lãi suất trong tháng 3. Đây sẽ là lần nâng lãi suất đầu tiên của Fed kể từ cuối năm 2018. Chủ tịch Fed Jerome Powell khiến giới đầu lo lắng khi nói rằng Fed có “khá nhiều dư địa” để nâng lãi suất trước khi mức lãi suất có thể ảnh hưởng đến thị trường lao động.
Theo chiến lược gia Philip Streible của Blue Line Futures, vàng tiếp tục bị bán tháo khi nhà đầu tư nghiền ngẫm về những gì ông Powell nói. Vàng là một tài sản không mang lãi suất nên chịu sức ép giảm trong môi trường lãi suất tăng và ngược lại.
Đồng USD tăng giá mạnh sau cuộc họp của Fed, khiến áp lực giảm giá lên vàng càng thêm lớn. Chỉ số Dollar Index sáng nay đã lên mức 97,2 điểm, từ mức 96,6 điểm vào sáng qua và mức dưới 96 điểm trước cuộc họp của Fed. Đây là mức cao nhất của chỉ số này kể từ tháng 7/2020.
Số liệu khả quan về tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ cũng không có lợi cho giá vàng – một tài sản an toàn. Theo thống kê từ Bộ Thương mại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý 4/2021 tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức dự báo tăng 5,5% mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Theo một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, giá vàng sẽ giảm trong năm nay và năm 2023 khi các ngân hàng trung ương nâng lãi suất, khiến lợi suất trái phiếu tăng lên và những tài sản không mang lãi suất như vàng trở nên kém hấp dẫn hơn.
Giá vàng hiện đã giảm hơn 3% kể từ khi đạt đỉnh 10 tuần vào hôm thứ Ba. Đỉnh giá đó được thiết lập nhờ lực mua vàng phòng ngừa rủi ro trong xung đột Nga-Ukraine.
“Bất kỳ sự tăng giá nào của vàng, nếu không có hậu thuẫn từ nhu cầu phòng ngừa rủi ro, sẽ đều vấp phải kháng cự, dù sớm dù muộn, nếu nền kinh tế tiếp tục hồi phục”, nhà phân tích Julius Baer của Carsten Menke nhận định.
Theo dự báo của ông Menke, sẽ không có chuyện giới đầu tư ồ ạt mua vàng phòng ngừa rủi ro, mà thay vào đó sẽ là mua có chọn lọc chừng nào tình hình kinh tế không xấu đi nghiêm trọng.
Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới tăng mạnh sáng nay, khi giá vàng miếng không những giảm mà còn tăng so với hôm qua.
Giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại Vietcombank hiện là 49,4 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng/lượng so với sáng qua. Trong vòng 2 ngày, giá vàng thế giới quy đổi đã giảm 1,2 triệu đồng/lượng.
Lúc gần 10h sáng, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 61,85 triệu đồng/lượng (mua vào) và 62,55 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 150.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 250.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 52,9 triệu đồng/lượng và 53,6 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 61,85 triệu đồng/lượng và 62,55 triệu đồng/lượng, tăng tương ứng 150.000 đồng/lượng và 250.000 đồng/lượng.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng bán lẻ đang cao hơn 13,15 triệu đồng/lượng, từ mức chênh 12,5 triệu đồng/lượng vào sáng qua.
Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.350 đồng (mua vào) và 23.450 đồng (bán ra).
Tại Vietcombank, báo giá USD sáng nay là 22.500 đồng và 22.780 đồng, tương ứng giá mua và bán.