Giá vàng xanh nhẹ sau bán tháo, chờ dữ liệu PCE của Mỹ tuần này
Giới phân tích cho rằng giá vàng đang đối mặt rủi ro đáng kể vì một báo cáo lạm phát quan trọng của Mỹ sẽ được công bố trong tuần này...
Giá vàng thế giới khởi động tuần giao dịch mới trong trạng thái tăng nhẹ vào sáng nay (22/7), sau hai phiên bán tháo mạnh về sát mốc 2.400 USD/oz trong tuần vừa rồi. Giới phân tích cho rằng giá vàng đang đối mặt rủi ro đáng kể vì một báo cáo lạm phát quan trọng của Mỹ sẽ được công bố trong tuần này.
Lúc hơn 11h trưa theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở mức 2.406,3 USD/oz, tăng 4,5 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Sáu tuần trước tại thị trường Mỹ, tương đương tăng 0,19% - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương gần 73,9 triệu đồng/lượng, tăng gần 200.000 đồng/lượng so với cuối tuần.
Trong tuần vừa rồi, giá vàng đã lập kỷ lục vào giữa tuần ở mức trên 2.482 USD/oz, nhưng sau đó giảm mạnh trong hai phiên ngày thứ Năm và thứ Sáu. Cả tuần, giá vàng giảm 0,4%, chủ yếu do đồng USD hồi phục và hoạt động chốt lời của nhà đầu tư.
Chỉ số Dollar Index đã tăng gần 0,3% cả tuần. Sáng nay, đồng USD giảm giá nhẹ. Lúc hơn 11h theo giờ Việt Nam, Dollar Index hạ gần 0,1% so với đóng cửa phiên Mỹ tuần trước, giao dịch ở mức 104,3 điểm.
Một số nhà phân tích tỏ ra lo ngại vì giá vàng giảm tuần vừa rồi ngay cả khi thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm. Nhà phân tích cấp cao Alex Kuptsikevich của công ty FxPro nói rằng việc giá vàng giảm cùng với thị trường chứng khoán là một tín hiệu không tốt đối với vàng.
“Tụt giảm sau khi lập đỉnh mới là xu hướng điển hình của giá vàng trong những tháng gần đây. Diễn biến tương tự đã được ghi nhận vào các tháng 5, 4, 3 của năm nay và tháng 12/2023. Tiếp sau những đỉnh giá là những đợt giảm sâu kéo dài trong khoảng 2 tuần. Sau đó, giá vàng ổn định và tăng trở lại. Tuy nhiên, các thị trường giá lên không kéo dài mãi mãi, và nhà đầu tư nên xác định những dấu hiệu về sự đảo ngược của xu hướng giá lên”, ông Kuptsikevich nói.
“Tuần tới có thể quyết định xung lực của giá vàng trong những tháng sắp tới. Nếu giá vàng giảm hơn 3% trong tuần tới, những gì đã xảy ra vào năm 2020 và 2022 có thể lặp lại. Đó là những đợt điều chỉnh kéo dài với thời gian lên tới hơn 6 tháng. Đáng ngại nhất là khả năng lặp lại mô hình của năm 2011, khi giá vàng giảm 20% trong đợt bán tháo kéo dài hơn 4 tuần sau khi giá lập đỉnh ở 1.921 USD/oz. Suốt 9 năm sau đó, đỉnh giá này không được lặp lại, và từ đỉnh đến đáy, giá của mỗi ounce vàng đã giảm tới một nửa trong giai đoạn giảm giá kéo dài hơn 4 năm”, nhà phân tích này nhận định với trang Kitco News.
Ngoài triển vọng kỹ thuật, nhà đầu tư trên thị trường vàng cũng sẽ dành sự quan tâm đặc biệt cho các số liệu kinh tế Mỹ trong tuần này, nhất là báo cáo lạm phát chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng. Theo dự kiến, báo cáo PCE tháng 6 sẽ được Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu.
Một báo cáo lạm phát nóng hơn dự báo có thể làm suy giảm khả năng Fed giảm lãi suất vào tháng 9, từ đó gây áp lực giảm giá lên vàng. Ngược lại, giá vàng sẽ hưởng lợi nếu báo cáo cho thấy xu hướng giảm lạm phát duy trì.
Chiến lược gia cấp cao James Stanley của trang Forex.com cho rằng xu hướng tăng của giá vàng chỉ đứt gãy nếu nhà đầu tư nghi ngờ về việc Fed sắp giảm lãi suất. Khả năng này là thấp, nhưng vẫn là một khả năng - ông Stanley nhận định.
“Điều mấu chốt bây giờ là giá vàng có giữ được mốc 2.400 USD/oz hay không. Nếu mốc giá này duy trì, xu hướng giá lên mạnh mẽ của giá vàng sẽ duy trì. Tôi vẫn lạc quan về giá vàng vì các yếu tố hỗ trợ nền tảng vẫnđang mạnh”, ông Stanley nói, cho rằng một thời kỳ giá xuống của giá vàng sẽ chỉ có thể bắt đầu khi giá vàng vỡ mốc hỗ trợ quan trọng 2.300 USD/oz.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng gần 92% Fed hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 9, giảm từ mức gần 93% vào cuối tuần vừa rồi.