ECB để ngỏ khả năng giảm lãi suất vào tháng 9
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 18/7 giữ nguyên lãi suất ở mức 3,75%. Chủ tịch ECB Christine Lagarde để ngỏ khả năng hạ lãi suất vào tháng 9, đồng thời trấn an mối lo ngại về áp lực lạm phát dai dẳng...
Theo tin từ tờ Financial Times, việc Hội đồng Thống đốc ECB không thay đổi lãi suất trong lần họp này là một quyết định không nằm ngoài dự báo của thị trường. Trước đó, ECB đã khởi động việc cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 6, với mức giảm 0,25 điểm phần trăm từ mức cao kỷ lục 4%.
Quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 7 của ECB được đưa ra trong bối cảnh có nhiều mối lo ngại rằng tình trạng bất định địa chính trị và xu hướng tăng nhanh của tiền lương sẽ tiếp tục đẩy giá cả ở eurozone tăng cao.
“Những gì chúng tôi có thể làm trong cuộc họp tháng 9 là một khả năng để ngỏ và sẽ được quyết định dựa trên các số liệu kinh tế mà chúng tôi có được”, Chủ tịch ECB Christine Lagarde phát biểu tại họp báo sau cuộc họp chính sách tiền tệ ở Frankfurt, Đức.
Bà Lagarde cho biết thêm rằng Hội đồng Thống đốc ECB đã nhất trí không đưa ra hướng dẫn trước về các quyết định lãi suất trong tương lai.
Một số thành viên hội đồng tiết lộ với Financial Times rằng các thành viên có sự nhất trí rõ ràng về việc để ngỏ các lựa chọn lãi suất cho cuộc họp tháng 9. Họ nói rằng lạm phát giá dịch vụ duy trì trên mức 4% là một mối lo có thể khiến đợt giảm lãi suất thứ hai bị trì hoãn cho tới cuối năm nay.
“Hãy đợi đến tháng 9 để xem tình hình thế nào”, một vị nói.
EBC vẫn nói muốn có thêm bằng chứng cho thấy tiếp tục xu hướng giảm để về mục tiêu 2% trước cuối năm 2025. Lạm phát ở khu vực sử dụng đồng euro giảm tốc còn 2,5% trong tháng 6 vừa qua, sau khi lập đỉnh ở mức 10,6% vào năm 2022.
Tuyên bố ngày 18/7 của ECB nói rằng các số liệu kinh tế gần đây “về cơ bản ủng hộ” kịch bản giảm lạm phát như cơ quan này mong muốn, bác bỏ những lo ngại cho rằng lạm phát giá dịch vụ có thể duy trì ở mức cao.
Một rủi ro lạm phát ở eurozone hiện nay là tốc độ tăng trưởng tiền lương hàng năm 5%, do người lao động đòi hỏi mức lương tăng nhanh hơn trước để họ có thể chống chọi với lạm phát cao nhất trong cả một thế hệ. Tuy nhiên, bà Lagarde nói rằng việc tăng lương gần đây “không phải là câu chuyện đáng ngạc nhiên” và tiền lương có thể tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn, trong năm 2025-2026.
Vị Chủ tịch ECB nói eurozone vẫn đang trong tiến trình giảm lạm phát, nhưng ECB vẫn cần giữ lãi suất ở mức cao nhất định thay vì ồ ạt hạ lãi suất. “Chúng tôi sẽ duy trì chính sách ở trạng thái thắt chặt trong thời gian gần thiết để đạt tới mục tiêu lạm phát. Hiện tại, chúng tôi chưa đạt được mục tiêu đó”, bà phát biểu.
Bà Lagarde nói thêm rằng nền kinh tế eurozone có thể đã tăng trưởng với tốc độ chậm hơn trong quý 2 năm nay, sau khi tăng 0,3% trong quý 1. Tăng trưởng kinh tế khu vực vẫn nghiêng nhiều hơn về giảm tốc - bà nhấn mạnh.
Sau cuộc họp của ECB, thị trường đặt cược khả năng 65% ECB hạ lãi suất vào tháng 9, từ mức 73% trước khi diễn ra cuộc họp.
Ông Dirk Schumacher, cựu kinh trưởng của ECB hiện làm việc tại ngân hàng Pháp Natixis, nói rằng việc bà Lagarde không muốn phát đi một tín hiệu rõ ràng về động thái tiếp theo của ECB là “một việc khôn ngoan, xét tới sự bất định và cam kết quá sớm mà ECB đưa ra vào tháng 6”.
Một vài thành viên Hội đồng Thống đốc ECB đã không thoải mái với việc ngân hàng trung ương này đưa ra những tín hiệu quá rõ trước khi cắt giảm lãi suất vào tháng 6. Việc phát tín hiệu sớm như vậy khiến các quan chức ECB hầu như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiến hành giảm lãi suất dù có vài số liệu kinh tế bất lợi.
Hiện nay, giới chức ECB đang lo ngại về bất định chính trị, nhất là kết quả cuộc bầu cử ở Pháp vào đầu tháng 7 này có khả năng dẫn tới sự ra đời của một chính phủ với chính sách chi tiêu mạnh tay, đặt ra rủi ro lạm phát leo thang đối với nền kinh tế lớn thứ hai trong eurozone.
Bà Lagarde nhấn mạnh rằng các nước eurozone cần tuân thủ đúng các nguyên tắc tài khóa mới của EU. Các điều khoản mới này yêu cầu các quốc gia có mức nợ cao như Pháp và Italy phải giảm nợ bằng cách giảm dần ngân sách về mức tương đương 3% tổng sản phẩm trong nước (GDP). “Đây là một bộ quy tắc phải được thực thi và tôn trọng”, bà Lagarde nói.
Nhà kinh tế Martin Wolburg của công ty Generali Investments nói: “Chúng tôi rất lo về ảnh hưởng của chính trị, yếu tố có thể kéo tụt các hoạt động kinh tế và có thể gây lạm phát”.