08:42 23/10/2007

Giải bài toán kiềm chế giá tăng

Nguyên Linh

Nội dung cuộc trò chuyện với Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải về các biện pháp kiềm chế tăng giá tiêu dùng

"Ở Việt Nam, vấn đề quan trọng là sự quá phụ thuộc vào giá cả của nhiều mặt hàng trên thế giới".
"Ở Việt Nam, vấn đề quan trọng là sự quá phụ thuộc vào giá cả của nhiều mặt hàng trên thế giới".
Nội dung cuộc trò chuyện với Phó th tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải về các biện pháp kiềm chế tăng giá tiêu dùng.

Thưa Phó tủ tướng, trong bài toán khắc phục tình trạng tăng giá, giải pháp kiềm chế hiện đang được Chính phủ tập trung chỉ đạo là gì?

Việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao được đối phó bằng nhiều loại giải pháp đồng bộ như giảm lượng tiền trong lưu thông, tăng cung ứng hàng và nhiều biện pháp khác. Trong đó, ở Việt Nam, vấn đề quan trọng là sự quá phụ thuộc vào giá cả của nhiều mặt hàng trên thế giới.

Chẳng hạn như xăng dầu hiện đang biến động hàng ngày, đang ở mức rất cao và mặt hàng này thì ta hiện phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu. Tương tự, giá mặt hàng sắt thép thời gian qua cũng biến động khó lường và ta cũng còn phụ thuộc rất lớn ở đầu vào khi 60-70% lượng phôi vẫn phải nhập khẩu. Hoặc phân đạm cũng trong tình trạng tương tự.

Tóm lại là đang có khá nhiều mặt hàng đầu vào của nền kinh tế vẫn đang phụ thuộc vào nguồn từ bên ngoài và điều đó dẫn tới hệ quả kiểm soát giá cả trong nước là hết sức khó khăn.

Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo mạnh mẽ các giải pháp về thuế, kiểm soát cung cầu, lập các đoàn kiểm tra của các bộ, ngành, các lực lương quản lý thị trường chống đầu cơ, trục lợi và gây “sốt” giá. Nhưng nói chung, trong cơn lốc tăng giá hiện nay, giải pháp hữu hiệu nhất là sự chung sức nỗ lực và cố gắng của cả Nhà nước, các ngành sản xuất, các doanh nghiệp lẫn người dân trong kiềm chế tăng giá thị trường.

Đặc biệt, các ngành sản xuất, doanh nghiệp cần có sự chia sẻ chung để cùng Nhà nước sớm ổn định cán cân kinh tế vĩ mô quan trọng này, vì nếu không hậu quả sẽ là thiệt hại lớn hơn đối với toàn nền kinh tế, tới từng ngành và tới chính các doanh nghiệp. Vì vậy, các ngành sản xuất, các doanh nghiệp cần nghiêm túc thực hiện các chính sách điều hành giá hàng sản xuất mà Chính phủ chỉ đạo điều hành.

Phó thủ tướng nhận định như thế nào về những giải pháp mang tính “hành chính” mà Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất thực hiện thời gian qua?

Trong bối cảnh chịu tác động nhiều từ thị trường thế giới và hội nhập, nếu Chính phủ không thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô thì sự đổ vỡ, thiệt hại rất lớn và tác động ngược trở lại tới các doanh nghiệp. Đối với những nước đã hội nhập từ lâu thì điều này cũng là bình thường, các doanh nghiệp ở các nước này cũng có nhiều đợt “nghĩa cử”, chia sẻ vì lợi ích chung của xã hội như ở nước ta hiện nay.

Vì vậy, Chính phủ kêu gọi doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và người dân chia sẻ để kiểm soát, ổn định các cán cân kinh tế quan trọng này. Đối với doanh nghiệp, thực ra biện pháp này chủ yếu là kiểm soát, giảm giá thành, từ đó giảm giá bán ra của sản phẩm, hàng hóa.

Có ý kiến cho rằng, việc kiềm chế giá bằng biện pháp “hành chính” về lâu dài sẽ có tác dụng không tốt như một cái lò xo bị nén quá lâu?

Đúng như vậy, nhìn chung kiểm soát giá vĩ mô, Chính phủ cần và cũng đã đưa ra những giải pháp “vừa phải”, các yêu cầu, chỉ đạo quản lý về giá mà Chính phủ đưa tới doanh nghiệp thời gian qua cũng đã được cân nhắc, đảm bảo cho doanh nghiệp làm được và “chịu” được.

Trong bối cảnh giá cả tăng, những người làm công ăn lương và người nghèo sẽ chịu nhiều thiệt thòi, vậy Chính phủ có giải pháp nào hỗ trợ cho những đối tượng này?

Tình hình giá cả hiện nay có tác động rất lớn đối với 2 đối tượng này vì giá cả lương thực thực phẩm thời gian qua vừa có sự tăng giá hơn cả trong “rổ hàng hóa”. Chính phủ đã có những giải pháp hỗ trợ đối với nông dân trong sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với giá hàng hóa đầu vào, khắc phục tình hình thiên tai, bão lũ vừa qua.

Chính phủ cũng sẽ có giải pháp kịp thời tới các địa phương, bộ ngành chủ động hỗ trợ về giống, phân bón hỗ trợ những vùng khó khăn tổ chức lại sản xuất lại vụ đông vừa bị mất đi cũng như vụ đông xuân tới đây. Đối với người hưởng lương, Chính phủ sẽ xem xét những biện pháp mang tính ổn định chế độ thu nhập theo lộ trình, trên cơ sở ổn định cán cân thu chi.

Thời gian tới, giải pháp mở rộng hàng rào thuế nhập khẩu để giảm sức ép nguồn cung sẽ được thực hiện như thế nào, thưa Phó thủ tướng?

Chủ trương giảm thuế nhập khẩu thực ra đã thực hiện từ lâu, nhưng sẽ không thực hiện “ồ ạt” mà phải cân nhắc đối với mỗi loại hàng hóa riêng cũng như tính toán tới tác động đến nền kinh tế của từng loại hàng hóa đó theo lộ trình nhất định của các cam kết hội nhập.