Giảm giờ làm việc xuống 44 giờ/tuần, doanh nghiệp lo mất thêm tiền tỷ
Đối với một doanh nghiệp quy mô 2.000 lao động sẽ phải trả thêm khoảng 5 tỷ đồng/năm nếu quy định giờ làm việc giảm xuống 44 giờ/tuần được thông qua.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) vừa có ý kiến về Dự thảo Luật Lao động sửa đổi đang tiếp tục được lấy ý kiến của các cơ quan, bộ ngành, hiệp hội, doanh nghiệp có liên quan. Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật này trong tháng 10/2019. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong nội dung dự thảo này có đề nghị giảm giờ làm việc từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần.
Theo đó, VASEP đã gửi công văn tới Cục An toàn Lao động đề nghị Bộ giữ nguyên số làm việc trong Bộ Luật Lao động sửa đổi là 48 giờ/tuần như quy định hiện hành.
Theo VASEP, việc giảm giờ làm thêm giờ trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn sẽ làm gia tăng gánh nặng, gây tác động xấu tời doanh nghiệp và nền kinh tế.
Hiện nay, ngay cả khi Việt Nam quy định về thời giờ làm việc tiêu chuẩn là 48 giờ/tuần thì các doanh nghiệp của nhiều ngành nghề như: dệt may, thủy sản, da giày đã phải bố trí làm thêm giờ hết thời gian được phép 300 giờ/năm theo quy định. Thậm chí, có doanh nghiệp vi phạm quy định về giờ làm thêm để có thể giao hàng đúng hạn, tránh bị phạt hợp đồng hoặc phải giao hàng bằng máy bay.
"Nếu giảm từ 48 giờ/tuần hiện nay xuống 44 giờ/tuần, đương nhiên các doanh nghiệp sẽ phải tăng thêm chi phí cho 4 giờ/tuần từ thời gian làm việc bình thường sang trả lương theo giờ làm thêm tối thiểu 150%; 200%; 300% đơn giá tùy theo ngày làm thêm. Đối với 1 doanh nghiệp quy mô 2.000 lao động sẽ phải trả thêm khoảng 5 tỷ đồng/năm", VASEP tính toán.
Hơn thế nữa, theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), các nước có thu nhập cao có khuynh hướng quy định giờ làm việc tiêu chuẩn thấp hơn so với các nước có thu nhập trung bình và thấp.
Châu Á là nơi có nhiều nước quy định giờ làm việc dài nhát, khi nhiều quốc gia (32%) không có giới hạn cho giờ làm việc tối đa hàng tuần và 29% nước khác ở ngưỡng cao (60 giờ/tuần trở lên). Chỉ có 4% các quốc gia tuân thủ các khuyến nghị của ILO và thiết lập các tiêu chuẩn lao động quốc tế tối đa là 48 giờ hoặc ít hơn cho 1 tuần làm việc.
Đối với Việt Nam khi so sánh với các nước có thu nhập bình quần đầu người và quy định về giờ làm việc trong một số nước ASEAN?
Số giờ làm việc tiêu chuẩn/tuần của một số nước khu vực
Như vậy, trình độ phát triển, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực, trong khi đa số các nước vẫn duy trì thời gian làm việc tiêu chuẩn là 48 giờ/tuần.
Theo VASEP, dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi đang yêu cầu tính lương làm thêm giờ theo lũy tiến, trong khi giờ làm việc lại dự kiến giảm xuống khiến chi phí cho tiền lương, tiền công lao động càng tăng cao, gia tăng thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp Việt Nam và càng khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp sụt giảm nhiều so với các nước khác.
Các doanh nghiệp nước ngoài lo ngại về chi phí lao động của Việt Nam ngày càng tăng cao sau khi quy định về giảm giờ làm việc được ban hành, nhất là trong bối cảnh các mức đóng Bảo hiểm Xã hội của Việt Nam đang đứng ở mức cao trong khu vực và lương tối thiểu vùng ở Việt Nam tăng đều qua các năm.
"Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp nước ngoài có thể rút khỏi Việt Nam và các doanh nghiệp khác đang dự kiến đầu tư vào Việt Nam do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng sẽ chuyển hướng đầu tư sang các quốc gia khác trong khu vực thay vì đầu tư tại Việt Nam", VASEP lo ngại.
Xét các ảnh hưởng và tác động xấu đối với doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, đối với toàn nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như xem xét trên tương quan của các nước khác đang trong hiện trạng phát triển kinh tế tương tự Việt Nam, VASEP đề nghị giữ nguyên số giờ làm việc trong Bộ Luật Lao động sửa đổi là 48 giờ/tuần như quy định hiện hành.