09:30 30/10/2009

Giao lưu trực tuyến: Để tự hào hàng Việt

VnEconomy

Nội dung chính cuộc giao lưu trực tuyến về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Các vị khách mời tại cuộc giao lưu trực tuyến - Ảnh: Việt Anh.
Các vị khách mời tại cuộc giao lưu trực tuyến - Ảnh: Việt Anh.
Với chủ đề “Để tự hào hàng Việt”, cuộc giao lưu trực tuyến do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (Chinhphu.vn) và Báo điện tử - Thời báo Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) đồng tổ chức đã diễn ra từ 9h đến 11h hôm nay, ngày 30/10/2009.

Cuộc giao lưu trực tuyến nhằm làm rõ nhiều vấn đề bạn đọc quan tâm về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo chủ trương của Bộ Chính trị, với sự tham dự của các vị khách mời:

- Ông Bùi Xuân Khu, Thứ trưởng Bộ Công Thương;

- Ông Võ Văn Quyền, Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương);

- Ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính);

- TS. Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam;

- Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam;

- Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên;

- Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần May 10;

Các khách mời của chương trình: sẽ cùng trao đổi, trực tiếp giải đáp mối quan tâm của độc giả theo các nhóm chủ đề sau:

- Những yếu tố nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trong thị trường nội địa.

- Trách nhiệm của doanh nghiệp, người tiêu dùng với vấn đề hàng Việt Nam chiếm lĩnh thị trường trong nước.

- Hàng Việt Nam, những mặt mạnh và yếu.

- Làm gì để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đi vào thực tiễn cuộc sống.

Sau đây là các nội dung chính của cuộc giao lưu trực tuyến.

Độc giả: Nam Lan - Nghệ An

Xin hỏi các vị khách mời trong chương trình hôm nay, các vị có đang dùng hàng Việt Nam không?

Ông Bùi Xuân Khu: Quần áo của tôi đều là hàng dệt may Việt Nam, giầy Thái Bình, cũng là hàng Việt Nam

Ông Lê Thế Bảo: Tôi thường xuyên dùng hàng Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Tôi cũng dùng hàng Việt Nam.

MC
: Các doanh nhân đều khẳng định việc sử dụng hàng Việt Nam. Vâng, rất nhiều người Việt Nam dùng hàng Việt, từ những vật dụng hàng ngày, tới sản phẩm may mặc, phương tiện đi lại…

Độc giả: Tiến Trung - Hà Nội

“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là cuộc vận động lớn, nhằm góp phần an sinh xã hội. Vậy chúng ta nên hiểu rõ về chủ trương này như thế nào?

Giao lưu trực tuyến: Để tự hào hàng Việt - Ảnh 1

Ông Bùi Xuân Khu:

Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là chủ trương, cuộc vận động lớn của Đảng và Nhà nước. Trước đây, khi đất nước có chiến tranh, chúng ta có cuộc vận động "mỗi người làm việc bằng hai", "tất cả cho tiền tuyến"...

Ở các nước có nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, họ cũng có cuoc vận động ưu tiên dùng hàng nội địa. Cuộc vận động người Việt ưu tiên dung hàng Việt có ý nghĩa sâu sắc, được triển khai lâu dài và bền bỉ để cổ vũ chúng ta yêu chuộng, tôn vinh hàng Việt Nam, đồng thời khích lệ doanh nghiêp sản xuất tốt hơn, chất lượng cao hơn, khả năng cạnh tranh mạnhhơn, thương hiệu được người tiêu dùng mến mộ hơn. Sản xuất hàng hóa cho người Việt Nam dùng và tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu.

Cuộc vận động còn thức tỉnh ý thức trách nhiệm, tự tôn dân tộc, tự lực tự cường của mỗi người Việt chúng ta.

Nếu làm tốt, mỗi người, mỗi gia đình, đơn vị đều quan tâm đến hàng Việt thì cuộc vận đông này đem lại kết quả to lớn cho đất nước, cộng đồng doanh nghiệp và bản thân người tiêu dùng.

Trong thời điểm kinh tế suy thoái và khủng hoảng toàn cầu thì cuộc vận động càng có ý nghĩa lớn hơn. Bộ Công Thương vừa là cơ quan quản lý sản xuất , vừa chỉ đạo thực hiện lưu thông phân phối, xuất nhập khẩu, có vai trò và trách nhiệm rất lớn từ cuộc vận động này..

Chúng tôi mong rằng đồng bào ủng hộ, chung tay cùng ngành Công Thương thực hiện thành công cuộc vận động.

Độc giả: Trần Minh - Hà Nội

Hiện nay có một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng ưa chuộng hàng ngoại nhập cho dù chất lượng của hàng Việt Nam không thua kém. Vậy làm cách nào để thay đổi tâm lý trên?

Giao lưu trực tuyến: Để tự hào hàng Việt - Ảnh 2

Ông Nguyễn Mạnh Cường:

Tôi nghĩ để thay đổi tâm lý người tiêu dùng, phải nhìn từ hai góc độ:

Thứ nhất, từ phía cơ quan truyền thông cũng như các hội, ngành, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ…, cần đưa ý thức dùng hàng Việt vào trong nhà trường để tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc bằng những hành động cụ thể, đóng góp cho sự phát triển đất nước.

Thứ hai, về doanh nghiệp, cũng phải thể hiện vai trò của mình như cam kết nâng cao chất lượng sản phẩm, có chương trình khuyến mại tốt và làm cho người tiêu dùng tin cậy. Bên cạnh đó phải tăng cường có hiệu lực các biện pháp chống hàng giả, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng để nâng cao niềm tin vào hàng Việt Nam. Các doanh nghiệp cần phải chứng minh bằng những việc làm cụ thể trong thời gian tới.

Độc giả: Nguyen Thi Van Anh

Xin ông cho biết những chính sách chủ yếu của Bộ Công Thương thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”?

Ông Bùi Xuân Khu:

Về chính sách như bạn Vân Anh hỏi, tôi xin nói, từ trước tới nay, chúng ta có nhịp độ phát triển công nghiệp gia tăng cao hàng năm với tỷ trọng trong GDP ngày càng lớn, là nhờ các cơ chế, chính sách không chỉ riêng của Bộ Công Thương mà của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội.

Chính phủ đã có nhiều cơ chế chính sách để triển khai cuộc vận động này. Đối với Bộ Công Thương, chúng tôi cũng có những cơ chế, chính sách, như giúp doanh nghiệp sản xuất công nghiệp định hướng chiến lược mặt hàng, quy hoạch, kế hoạch đầu tư, thị trường. Chúng tôi khuyến cáo những sản phẩm, lĩnh vực không nên đầu tư.

Đề người tiêu dùng mua hàng Việt, chúng tôi đưa ra các yêu cầu để doanh nghiệp phấn đấu, như quản lý sản phẩm theo các tiêu chuẩn ISO, SA, sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao, quy trình quản lý chặt chẽ, đầu tư trang thiết bị tiên tiến để chúng ta ngày càng có nhiều hàng Việt Nam chất lượng cao.

Bộ Công Thương kiến nghị ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp đồng thời lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như khó khăn về thuế, hải quan, xuất nhập khẩu, mặt bằng… Bộ Công Thương cũng sẵn sàng cùng doanh nghiệp thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài có trình độ công nghệ, khả năng sản xuất mặt hàng tốt hơn tăng cường hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.

Bộ Công Thương kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp tăng cường xúc tiến thương mại nội địa, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng. Tổ chức đưa hàng Việt tới vùng sâu vùng xa.

Trách nhiệm của Bộ Công Thương, theo tôi, là rất lớn. Các cơ quan đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc, cơ quan thông tin đại chúng, nhân dân, toàn thể hệ thống chính trị đều được vận động, nhưng người tổ chức thực hiện cần sản xuất tốt, phân phối, hậu mãi tốt chính là Bộ Công Thương.
Thời gian tới, nếu các bạn còn có các vướng mắc, đề xuất chúng tôi sẽ tiếp thu, tháo gỡ để bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách.

Độc giả: Nguyễn Khánh Hòa - Tp.HCM

Theo lộ trình hội nhập WTO, nhiều hàng ngoại nhập sẽ tràn vào thị trường Việt Nam, chúng ta có chính sách gì để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước mà không vi phạm các qui định của WTO không?

Giao lưu trực tuyến: Để tự hào hàng Việt - Ảnh 3

Ông Nguyễn Văn Phụng:

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới, nền kinh tế chúng ta có độ mở rất cao, cho nên việc hàng ngoại xâm nhập thị trường trong nước là chuyện bình thường. Trong bối cảnh đó chúng ta thực hiện cuộc vận động như thế nào?

Đứng ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước chúng ta không thể phân biệt đối xử giữa hàng nội và hàng ngoại vì như thế không phù hợp với các cam kết gia nhập WTO. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thể áp dụng các biện pháp về thuế quan, phi thuế quan trong phạm vi cam kết WTO mà vẫn bảo vệ hàng hóa trong nước.

Ví dụ, Luật Thuế giá trị gia tăng đã mở rộng diện chịu thuế đối với hàng nhập khẩu. Đó là một trong những kênh đảm bảo hàng trong nước có điều kiện phát triển. Trong phạm vi cho phép, chúng ta vẫn giữ mức thuế nhập khẩu theo lộ trình cam kết để bảo vệ hàng hóa trong nước. Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp kiểm tra chống nạn hàng giả, hàng nhập lậu.

Điều quan trọng nhất cần nhấn mạnh là Nhà nước có cơ chế chính sách tài chính khuyến khích doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Thực tế, nhiều mặt hàng của Việt Nam đã đứng vững trên thị trường nội địa và cạnh tranh tốt với hàng ngoại.

Ông Bùi Xuân Khu:

Khi Việt Nam gia nhập WTO, Bộ Công Thương chuẩn bị các phương án ứng phó với thời điểm 1/1/ 2009 khi Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ. Trong quá trình đó, chúng tôi thấy không xảy ra những biến động lớn trên thị trường như nhiều người lo lắng trước đó.

Chúng tôi vui mừng nhận thấy hàng Việt Nam có rất nhiều tiến bộ, đã dần dần thay thế hàng ngoại nhập.

Chúng ta có các chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp mà không vi phạm cam kết gia nhập WTO. Bước vào cuộc vận động này, chúng ta càng thêm tin tưởng hàng Việt Nam sẽ ngày càng tốt hơn và trở thành niềm tự hào của người Việt Nam.

Độc giả: Linh Lan - Thái Nguyên

Tôi xin hỏi, "hàng Việt Nam" ở đây có nghĩa như thế nào? Có phải là hàng hóa hoàn toàn được sản xuất tại Việt Nam từ khâu nguyên vật liệu cho đến thành phẩm, hay là hàng hóa nhập khẩu một phần nguyên vật liệu, hoặc những hàng hóa mà toàn bộ linh kiện được nhập từ nước ngoài và chỉ đơn thuần được lắp ráp tại Việt Nam?

Ông Lê Thế Bảo:

Trên thế giới không có nước nào mà chỉ dùng sản phẩm trong nước. Trong quá trình phát triển, chúng ta cần nhiều nguyên phụ liệu, nên phải nhập khẩu để phục vụ sản xuất, giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động.

Tuy nhiên, qua câu hỏi của bạn, tôi xin có 1 kiến nghị với Chính phủ, với Thứ trưởng Bùi Xuân Khu là doanh nghiệp còn nhiều vất vả, vốn liếng có hạn, có những sản phẩm chỉ có 15% nguyên phụ liệu đầu vào là trong nước sản xuất. Vì vậy, Nhà nước nên đầu tư nhiều hơn cho sản xuất nguyên phụ liệu và công nghiệp phụ trợ.

Ông Bùi Xuân Khu:

Có những sản phẩm trong nước sản xuất được 100% như cà phê Trung Nguyên, sữa Vinamilk... Nhưng theo quy định của ASEAN, sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa từ 40% thì được coi là xuất xứ từ Việt Nam. Trong quá tình phát triển công nghiệp, chủ trương của Đảng và Nhà nước là nhanh chóng tăng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Bộ Công Thương đang được Chính phủ giao soạn thảo Nghị định về công nghiệp hỗ trợ, để tiến tới dần dần thay thế linh kiện, phụ tùng nhập khẩu. Chúng ta đang xây dựng lộ trình đó.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền:

Tôi đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Bùi Xuân Khu và ông Lê Thế Bảo. Nhưng có một yếu tố là những gì kết tinh trí tuệ, công sức của người Việt Nam trong sản phẩm thì cũng là sản xuất tại Việt Nam.

Tôi xin trả lời thêm, khi được dự buổi giao lưu trực tuyến này, với tư cách doanh nghiệp, chúng tôi luôn nhận thức việc cung cấp những sản phẩm chất lượng tốt nhất cho người Việt Nam. Doanh nghiệp không được trách người tiêu dùng vì họ có quyền chọn sản phẩm tốt và giá hợp lý nhất, chứ không chỉ giá rẻ nhất. Đấy là trách nhiệm của doanh nghiệp.

Giao lưu trực tuyến: Để tự hào hàng Việt - Ảnh 4

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ:

Tôi đồng ý và xin thêm một số ý kiến:

Thứ nhất, thế nào là hàng Việt, thì tôi nghĩ, phải do người Việt làm chủ, sản xuất ra trong đó tuyệt vời nhất là nguyên vật liệu là 100% trong nước. Nhưng điều đó không khả thi vì có nhiều nguyên vật liệu nhập có giá thành cạnh tranh hơn.

Thứ hai, là chúng ta nên thực hiện theo chuỗi giá trị gia tăng để đánh giá giá trị sản phẩm doanh nghiệp đem về cho người Việt.

Trong chuỗi giá trị toàn cầu theo hình chữ V, các nước phát triển nghiên cứu bản quyền thì ở mắt xích trên của chuỗi còn các nước đang phát triển như chúng ta thì đảm nhận các mắt xích khả như sản xuất, cung cấp nguyên liệu thô và sức lao động. Chúng ta cố gắng từng bước nhích chuyển lên đỉnh chữ V.

Riêng tôi nhìn cuộc vận động này dưới góc độ sâu và rộng hơn, có ý nghĩa lớn và nhiều, bởi vì về mặt nguyên lý của một quốc gia hùng mạnh cần một số tiêu chí. Thứ nhất là khát khao của quốc gia đó, khát khao đó dưới mục tiêu chung là đoàn kết dân tộc, lấy kinh tế làm trung tâm. Theo như chuỗi giá trị toàn cầu và lấy kinh tế làm trung tâm thì 1 quốc gia mạnh chắc chắn phải có nhiều doanh nghiệp mạnh chỉ khi chúng ta chiếm được những phân đoạn tạo giá trị gia tăng cao.

Thứ hai, trong bối cảnh toàn cầu hóa khi phải đối diện nhiều cạnh tranh, nhiều đối thủ lớn thì cần một địa phương vững mạnh, đó là thị trường trong nước. Vì vậy phải nhìn cuộc vận động dưới sự hùng mạnh, tự chủ, niềm kiêu hãnh của quốc gia.

Ông Nguyễn Mạnh Cường:

Nhìn những mô hình của những nước kém phát triển và những nước phát triển, chúng ta không phải quá lạc quan hay bi quan. Có rất nhiều quốc gia lệ thuộc và kém phát triển trong điều kiện hội nhập, nếu chúng ta nghiên cứu kỹ đặc điểm của những nước này, và có thể rút ra 2 đặc điểm chính:

- Chủ yếu xuất khẩu nguyên vật liệu thô và sử dụng sức lao động rẻ mạt;

- Luôn luôn trong trạng thái cung cấp hàng hóa có giá trị gia tăng thấp.

Còn những nước phát triển thậm chí không cần nguyên vật liệu, không cần nhiều nhà máy, mà họ có đội ngũ doanh nhân giỏi, có thể quản trị được tất cả nguồn lực trên toàn thế giới, có mạng lưới công nghệ tài chính đủ mạnh để bao bọc toàn thế giới.

Chúng ta là nước đang phát triển, chương trình của chúng ta không cẩn thận thì chúng ta cũng sẽ rơi vào trạng thái ủng hộ những ngành công nghiệp đi đến bảo hộ thời kỳ bao cấp và cũng rất nguy hiểm.

Chương trình này rất hay là nếu chúng ta ủng hộ được xu thế phát triển để Việt Nam bứt phá ra khỏi sự lệ thuộc và kém phát triển, thì đây là chương trình hội nhập thành công. Liên quan đến chương trình này, có 4 luận điểm đóng góp như sau:

1. Chương trình này nếu chỉ dừng lại ở góc độ truyền thông như thời gian vừa qua còn nhiều lúng túng, nhiều khi gây ra một số phản tác dụng.

2. Nếu để đi vào chiều sâu hơn nữa, thì phải có hỗ trợ cho doanh nghiệp. Cụ thể là: bắt đầu hình thành thương hiệu toàn cầu, như một số thương hiệu quốc gia, café Trung Nguyên và hàng loạt các sản phẩm may mặc. Trên cơ sở đó tạo ra thương hiệu quốc gia bằng những thương hiệu sản phẩm quốc tế. Những thương hiệu này giống như những tập đoàn quốc tế, như Honda, Sony... Phải khuyến khích họ trở thành những tập đoàn kinh tế lớn của khu vực tư nhân. Hiện nay 90% các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới là tư nhân. Với chương trình này, chúng ta có thể xây dựng những thương hiệu toàn cầu, từ đó tạo ra đầu tầu kéo theo những thương hiệu khác. Tình yêu nước phải được cụ thể hóa thành những hành động như vậy.

3. Thay đổi tâm lý người tiêu dùng, như có 2 sản phẩm tương xứng nhau thì chúng ta nên mua hàng Việt Nam.

4. Cần cơ chế bảo hộ bản quyền. Những thương hiệu mạnh dễ bị ăn cắp bản quyền, quyền lợi của doanh nghiệp sẽ mất đi, những sản phẩm có hàm lượng chất xám, trí tuệ cao nếu chúng ta không bảo vệ được thì doanh nghiệp không có động cơ sáng tạo, phát triển nữa. Đó là những bất cập hiện nay.

Độc giả: Nguyễn Văn Minh - Bắc Ninh

Tôi thấy người tiêu dùng chưa được bảo vệ một cách hiệu quả trước những vụ vi phạm như vụ sữa nhiễm melamine, xăng dầu gian lận…. Thế thì việc kêu gọi người tiêu dùng ủng hộ hàng Việt có phải là một chiều?

Ông Võ Văn Quyền:

Đây là vấn đề người tiêu dùng rất quan tâm. Theo chỉ thị của Bộ Chính trị về cuộc vận động này, đã giao cho các cơ quan chức năng trong đó có Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường thể chế,kiểm tra kiểm soát chống hàng giả, gian lận thương mại, hàng nhập lậu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, quy định vệ sinh an toàn thực phẩm... Chẳng hạn, Bộ Công Thương vừa qua rút giấy phép 40 cây xăng gian lận thương mại... Tuy nhiên, những biện pháp như vậy là chưa đủ.

Hiện nay các bộ, ngành đang trình Quốc hội xem xét dự thảo Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Văn Phụng:

Tôi đồng tình. Tuy nhiên, muốn vận động người tiêu dùng sử dụng hàng Việt thì trước tiên phải vận động người sản xuất đảm bảo chất lượng hàng hóa.

Doanh nghiệp nỗ lực, sẽ giúp đưa hàng Việt đi vào đời sống.

Giao lưu trực tuyến: Để tự hào hàng Việt - Ảnh 5

Ông Lê Thế Bảo:

Không sản phẩm nào trên thế giới không bị làm nhái, như sản phẩm của Pháp bị làm giả tới 70%... Ở Việt Nam, cũng khó tránh khỏi vấn nạn đó.

Năm 2008, Thủ tướng có chỉ thị giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các biện pháp chống hàng giả hàng nhái để bảo vệ người tiêu dùng nhưng công tác còn gặp nhiều hạn chế vì:

Thứ nhất, chưa đồng bộ các quy định pháp luật.

Thứ nhát, về tổ chức, hiện nay việc chống hàng giả hàng nhái có 7 cơ quan chồng chéo chức năng nhiệm vụ. Lực lượng vừa mỏng lại vừa chưa phối hợp chặt chẽ với nhau.

Thứ ba, về kinh phí còn nhiều bất cập...

Ông Bùi Xuân Khu:

Đúng là vấn đề hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng còn nhức nhối. Bộ Công Thương đang được giao xây dựng Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng trình Quốc hội xem xét.

Bộ Công Thương mong muốn nhân dân và người tiêu dùng cùng chung tay phát hiện các cơ sở, hành vi gian lận thương mại, làm hàng nhái, hàng giả để xử lý kịp thời.

Độc giả: Trần Minh - Hà Nội

Hiện nay có một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng ưa chuộng hàng ngoại nhập cho dù chất lượng của hàng Việt Nam không thua kém. Vậy làm cách nào để thay đổi tâm lý trên?

Ông Nguyễn Mạnh Cường:

Tôi nghĩ để thay đổi tâm lý người tiêu dùng, phải nhìn từ hai góc độ:

Thứ nhất, từ phía cơ quan truyền thông cũng như các hội, ngành, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ…, cần đưa ý thức dùng hàng Việt vào trong nhà trường để tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc bằng những hành động cụ thể, đóng góp cho sự phát triển đất nước.

Thứ hai, về doanh nghiệp, cũng phải thể hiện vai trò của mình như cam kết nâng cao chất lượng sản phẩm, có chương trình khuyến mại tốt và làm cho người tiêu dùng tin cậy. Bên cạnh đó phải tăng cường có hiệu lực các biện pháp chống hàng giả, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng để nâng cao niềm tin vào hàng Việt Nam. Các doanh nghiệp cần phải chứng minh bằng những việc làm cụ thể trong thời gian tới.

Độc giả: Nguyen Thi Van Anh - Nữ 55 tuổi - Doanh nghiep

Xin ông cho biết những chính sách chủ yếu của Bộ Công Thương thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”?

Ông Bùi Xuân Khu:

Về chính sách như bạn Vân Anh hỏi, tôi xin nói, từ trước tới nay, chúng ta có nhịp độ phát triển công nghiệp gia tăng cao hàng năm với tỷ trọng trong GDP ngày càng lớn, là nhờ các cơ chế, chính sách không chỉ riêng của Bộ Công Thương mà của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội.

Chính phủ đã có nhiều cơ chế chính sách để triển khai cuộc vận động này. Đối với Bộ Công Thương, chúng tôi cũng có những cơ chế, chính sách, như giúp doanh nghiệp sản xuất công nghiệp định hướng chiến lược mặt hàng, quy hoạch, kế hoạch đầu tư, thị trường. Chúng tôi khuyến cáo những sản phẩm, lĩnh vực không nên đầu tư.

Đề người tiêu dùng mua hàng Việt, chúng tôi đưa ra các yêu cầu để doanh nghiệp phấn đấu, như quản lý sản phẩm theo các tiêu chuẩn ISO, SA, sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao, quy trình quản lý chặt chẽ, đầu tư trang thiết bị tiên tiến để chúng ta ngày càng có nhiều hàng Việt Nam chất lượng cao.

Bộ Công Thương kiến nghị ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp đồng thời lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như khó khăn về thuế, hải quan, xuất nhập khẩu, mặt bằng… Bộ Công Thương cũng sẵn sàng cùng doanh nghiệp thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài có trình độ công nghệ, khả năng sản xuất mặt hàng tốt hơn tăng cường hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.

Bộ Công Thương kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp tăng cường xúc tiến thương mại nội địa, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng. Tổ chức đưa hàng Việt tới vùng sâu vùng xa.

Trách nhiệm của Bộ Công Thương, theo tôi, là rất lớn. Các cơ quan đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc, cơ quan thông tin đại chúng, nhân dân, toàn thể hệ thống chính trị đều được vận động, nhưng người tổ chức thực hiện cần sản xuất tốt, phân phối, hậu mãi tốt chính là Bộ Công Thương.

Thời gian tới, nếu các bạn còn có các vướng mắc, đề xuất chúng tôi sẽ tiếp thu, tháo gỡ để bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách.

Độc giả: Nguyen Thi Van Anh - Nữ 55 tuổi - Doanh nghiep

Tôi rất muốn mua quần áo của các công ty Việt Nam, nhưng mẫu mã dành cho phái nữ vừa ít, vừa không hợp xu hướng thời đại. Lời giải này không khó nhưng tôi không hiểu tại sao doanh nghiệp trong nước đáp ứng được?

Giao lưu trực tuyến: Để tự hào hàng Việt - Ảnh 6

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền:

Tôi cảm ơn chị Vân Anh đã đưa ra câu hỏi khó, câu hỏi khó mà trả lời được là rất quý, nhưng khó mà làm được còn quý hơn nhiều. Trước hết chưa có số liệu chính xác nào nói sức mua của nữ giới nhiền hơn hay nam giới nhiều hơn nhưng theo kinh nghiệm thực tiễn thì công ty nào hay doanh nghiệp nào đạt được tiêu chí như của chị nêu thì không những phát triển mạnh mà còn phát triển rất tốt. Vì sức mua của phụ nữ nhiều hơn nam giới, vì phụ nữ thích thay đổi đặc biệt trong lĩnh vực thời trang và trang sức.

Hiện nay về phía May 10, chúng tôi đã có bộ phận chuyên may dành cho trang phục nữ, đây là một công việc làm thế nào có hiệu quả thì chúng tôi cũng phải từng bước, hiện nay chúng tôi cứ 2 hoặc 3 tuần duyệt 1 bộ sưu tập nữ nhưng vì sức mua hạn chế nên chúng tôi học cách của các doanh nghiệp nước ngoài là sản xuất số lượng ít và liên tục thay đổi mẫu mã, đến khi các chị em mua nhiều hơn chúng tôi mới có thể sản xuất thường xuyên.

Vừa rồi tôi có tham dự hội chợ thời trang Las Vegas, Mỹ, đến trung tâm thời trang ở New York thì thấy rằng để có sản phẩm phục vụ cho đối tượng một tháng người ta đưa ra 800 bộ mẫu. 800 bộ đó sau khi đi vào sản xuât thì 80% được sản xuất rất nhanh và được bán ở các cửa hàng của tập đoàn may mặc của họ.

Để có được tốc độ như vậy chị cũng có thể thấy đó là một thách thức đối với doanh nghiệp trong nước, như tôi tin các doanh nghiệp Việt Nam có thể làm được. Chúng tôi đang từng bước xây dựng và sẽ có thông tin cho chị sau. Hiện ở Hà Nam thì chúng tôi xin được khất lại, còn hiện ở Hà Nội chúng tôi đã có những sản phẩm được chị em ủng hộ, và tôi hy vọng các chị sẽ ủng hộ cho hàng May 10 nói riêng và hàng dệt may Việt Nam nói chung.

Ông Bùi Xuân Khu:

Tôi xin nói thêm, các sản phẩm may mặc nữ hiện nay trên thị trường không thiếu, màn còn nhiều hơn của nam giới, nhưng nhu cầu của nữ về kiểu dáng đa dạng và phải hợp thời trang và nhu cầu thay đổi lớn trong khi nhu cầu nam giới đơn giản hơn nên trong sản xuất đồ nam giới dễ hơn cho nữ giới.

Có người hỏi tôi sao không lo thị trường nội địa mà cứ xuất khẩu, tôi xin nói là quốc gia phải có xuất khẩu, quyền lợi quốc gia mới tăng cường. Còn theo phân công lao động các cửa hàng may đo, doanh nghiệp nhỏ không xuất khẩu được thì phục vụ thị trường nội địa.

Hiện nay một số doanh nghiệp ở Tiền Giang, Hải Dương, Hải Phòng toàn may hàng nữ nhưng các sản phẩm dành cho xuất khẩu. Vì vậy, theo tôi May 10 nên hướng tới thị trường nữ trong nước hơn.

Ông Võ Văn Quyền:

Tôi nghĩ ở đây là khâu tổ chức phân phối ở các tỉnh chưa tốt bên cạnh truyền thông quảng bá…

Độc giả: Vũ Văn Đinh - Hà Nội

Xin hỏi các doanh nghiệp Việt đã thử đóng vai trò của người tiêu đùng để xem nhu cầu và ước muốn của họ về sản phẩm là gì chưa? Và nếu đứng ở vai trò khách hàng thì các doanh nghiệp thấy mình thiếu và yếu những gì?

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ:

Các doanh nghiệp muốn tồn tại trong bối cảnh hiện nay, hầu như đều có nghiên cứu thị trường, thậm chí, mời các đơn vị chuyên nghiệp nghiên cứu tâm sinh lý, xã hội học, triết học… để đáp ứng từ giá trị vật chất, lý tính tới mặt cảm xúc. Tôi xin khẳng định, nếu không đứng ở vai trò khách hàng, không hiểu khách hàng thì không thể sản xuất tốt.

Về việc thiếu và yếu, thứ nhất, ngày xưa chúng ta gia công, thiếu tiếp cận công nghệ, đây hoàn toàn là độc quyền của phương tây và các nước phát triển. Hôm nay, sự hội nhập đã cho phép chúng ta tiếp cận những điều này.

Thứ hai, thiếu vốn, bây giờ chúng ta cũng đã có cơ hội để vay vốn.

Thứ ba, nguồn nhân lực của Việt Nam còn yếu kém cho công cuộc cạnh tranh trong thời điểm phải cạnh tranh với quốc tế ngay trên đất nước mình.

Nhưng điều yếu nhất theo tôi, là nền công nghiệp phụ trợ của chúng ta còn kém, chưa đủ tầm.

Câu hỏi bạn đưa ra là một vấn đề lớn buộc chúng ta cùng phải cùng nhau trả lời.

Ông Nguyễn Mạnh Cường:

Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của anh Vũ, tuy nhiên xin bổ sung, cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt chính là câu chuyện phát triển.

Chúng ta rất dễ vướng vào vòng luẩn quẩn của phát triển, đơn giản như một nước nghèo bao giờ thu nhập cũng thấp, khi tiêu dùng gần hết, phần còn lại tiết kiệm, không có đầu tư dẫn tới kém phát triển; thu nhập thấp, lại kéo theo tiêu dùng nhiều, không có tiết kiệm, cứ tiếp tục vòng luẩn quẩn như thế. Các nước nghèo, thanh niên chạy theo thị hiếu tiêu dùng của các nước giàu, tiết kiệm thấp, tiêu dùng rất cao… Một quốc gia không có tiết kiệm, đầu tư thấp, tăng trưởng kém, lại tiếp tục vay nợ… Đây là vấn đang được cảnh báo.

Ông Bùi Xuân Khu:

Tôi cho rằng, đây là câu hỏi hay. Ngược lại các bạn cũng thấy, chúng ta hội nhập nên hàng hóa nước ngoài có mặt tràn ngập. Doanh nghiệp muốn tồn tại phát triển thì phải quan tâm tới người tiêu dùng, tới cách bán hàng.

Tôi nhấn mạnh, chúng ta cần quan tâm hơn tới hậu mãi, thương hiệu phải củng cố, chất lượng, uy tín phải tăng cường. Đây là những điều doanh nghiệp còn yếu trong bối cảnh hội nhập. Các doanh nghiệp phải phấn đấu cật lực, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn là quyết định.

Độc giả: Nguyễn Khánh Hòa - Tp.HCM

Theo lộ trình hội nhập WTO, nhiều hàng ngoại nhập sẽ tràn vào thị trường Việt Nam, chúng ta có chính sách gì để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước mà không vi phạm các qui định của WTO không?

Ông Nguyễn Văn Phụng:

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới, nền kinh tế chúng ta có độ mở rất cao, cho nên việc hàng ngoại xâm nhập thị trường trong nước là chuyện bình thường. Trong bối cảnh đó chúng ta thực hiện cuộc vận động như thế nào?

Đứng ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước chúng ta không thể phân biệt đối xử giữa hàng nội và hàng ngoại vì như thế không phù hợp với các cam kết gia nhập WTO. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thể áp dụng các biện pháp về thuế quan, phi thuế quan trong phạm vi cam kết WTO mà vẫn bảo vệ hàng hóa trong nước. Ví dụ,

Luật thuế giá trị gia tăng đã mở rộng diện chịu thuế đối với hàng nhập khẩu. Đó là một trong những kênh đảm bảo hàng trong nước có điều kiện phát triển. Trong phạm vi cho phép, chúng ta vẫn giữ mức thuế nhập khẩu theo lộ trình cam kết để bảo vệ hàng hóa trong nước. Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp kiểm tra chống nạn hàng giả, hàng nhập lậu.

Điều quan trọng nhất cần nhấn mạnh là Nhà nước có cơ chế chính sách tài chính khuyến khích doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Thực tế, nhiều mặt hàng của Việt Nam đã đứng vững trên thị trường nội địa và cạnh tranh tốt với hàng ngoại.

Ông Bùi Xuân Khu:

Khi Việt Nam gia nhập WTO, Bộ Công Thương chuẩn bị các phương án ứng phó với thời điểm 1/1/ 2009 khi Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ. Trong quá trình đó, chúng tôi thấy không xảy ra những biến động lớn trên thị trường như nhiều người lo lắng trước đó.

Chúng tôi vui mừng nhận thấy hàng Việt Nam có rất nhiều tiến bộ, đã dần dần thay thế hàng ngoại nhập.

Chúng ta có các chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp mà không vi phạm cam kết gia nhập WTO. Bước vào cuộc vận động này, chúng ta càng thêm tin tưởng hàng Việt Nam sẽ ngày càng tốt hơn và trở thành niềm tự hào của người Việt Nam.

Độc giả: Mai Thu - Hà Nam

Thành công của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phụ thuộc vào người tiêu dùng nhiều hơn hay nhà sản xuất nhiều hơn?

Ông Bùi Xuân Khu:

Theo tôi phải cả hai. Ngày trước cũng có một câu hỏi là “Tại sao người Việt Nam mình chưa chuộng dùng hàng Việt Nam?”. Bởi vì mình là sính ngoại. Thậm chí có sản phẩm như hàng may mặc, may ẩu, gắn mác ngoại vào mà người tiêu dùng cứ tưởng là hàng ngoại thật mình cũng mua. Trong khi đó hàng của mình chất lượng không tồi vì hàng dệt may của chúng ta xuất khẩu năm nay khoảng 9,3 tỷ USD. Đến Mỹ, châu Âu, có thể thấy rất nhiều hàng dệt may của Việt Nam.

Về phía doanh nghiệp, không thể bắt người tiêu dùng dùng hàng kém chất lượng, giá cả không phù hợp. Nhà sản xuất phải có trách nhiệm cao hơn. Phải chăm lo đầu tư, chăm lo quản trị, chất lượng, thương hiệu, hậu mãi thì dân mới tin dùng. Khi người tiêu dùng ủng hộ sẽ là động lực cho nhà sản xuất, nhưng nhà sản xuất vẫn phải là người đi đầu.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền:

Nếu doanh nghiệp lấy cốt lõi chất lượng, quan tâm đến người tiêu dùng từ thiết kế đến dịch vụ thì dần dần người tiêu dùng cũng sẽ nhận ra. Trước tiên doanh nghiệp cần phải tự củng cố và chứng minh cho người tiêu dùng biết giá trị thật do mình mang lại. Còn nếu cứ vận động mà mang lại chất lượng giả thì cuộc vận động sẽ thành vô nghĩa.

Từ năm 2000, May 10 đã có sự bảo vệ cho người tiêu dùng, mà bảo vệ người tiêu dùng là bảo vệ chính doanh nghiệp và ngược lại. Từ lúc đó Doanh nghiệp chúng tôi đã có nhãn chống hàng giả và sợi chống hàng giả, để nếu xảy ra tranh chấp, chúng tôi có thể khẳng định ngay sản phẩm đó có phải là May 10 hay không.

Đối với người tiêu dùng cần có nhìn nhận đúng. Hiện nay có hiện tượng cùng sản phẩm chất lượng như nhau nhưng người tiêu dùng Việt Nam vẫn mua sản phẩm có gắn mác ngoại mà không biết rõ nguồn gốc, chất lượng ra sao với giá gấp 5 lần thực tế.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ:

Doanh nghiệp cần phải lưu ý hệ thống phân phối, nếu tất cả hệ thống phân phối do nước ngoài kiểm soát thì “ cái gì nằm trên kệ thì sống, còn rơi khỏi kệ sẽ bị triệt tiêu”. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài hùng mạnh là nhờ có những trung tâm nghiên cứu tâm sinh lý của người tiêu dùng.