09:58 07/11/2014

Giới hạn quân hàm cấp tướng, Bộ trưởng lo “anh em tâm tư”

Nguyễn Lê

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nhận xét, giờ đi đâu cũng gặp tướng

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội - Ảnh: NLĐ.<br>
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội - Ảnh: NLĐ.<br>
Thảo luận về dự án Luật Sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam sáng 6/11, nhiều vị đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể số lượng cấp phó có trần quân hàm cấp tướng ngay trong luật chứ không nên giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), số lượng sỹ quan quân đội có quân hàm cấp tướng hiện nay khoảng 8%, đã là quá lớn. Cơ quan soạn thảo luật có xây dựng trần khống chế tỷ lệ tướng trong quân đội? đặt vấn đề giảm xuống 5% có được không, vị đại biểu này băn khoăn.

Câu hỏi tiếp theo được ông Sơn đặt ra là: “Liệu có phải một thời gian dài vừa qua chúng ta đã phong, thăng vượt quá số lượng “quota” cho phép, giờ có còn nguồn để tiếp tục phong thăng thêm cán bộ nhằm đảm bảo yêu cầu công tác không”?

Việc phong, thăng cấp tướng, nếu có cũng cần hướng theo nguyên tắc để từng bước xây dựng quân đội Việt Nam hiện đại, tinh nhuệ chứ không phải giải quyết vấn đề chế độ, chính sách cho anh em, một số vị đại biểu góp ý.

Nhận xét giờ đi đâu cũng gặp tướng, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nói, đi bộ đội thời chiến tranh, nghe tên một người có chức vụ thiếu tá đã là ghê gớm lắm.

“Trong chiến tranh, quân đội của ta vận hành dưới tay chỉ khoảng 60 tướng. Nay số lượng tướng tăng gấp nhiều lần, có đồng nghĩa với việc sức mạnh quân đội cũng tăng tương ứng ngần ấy?”, ông Thuyển băn khoăn và cho rằng nên cân nhắc để khi bổ nhiệm một ông tướng phải nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.

Liên quan đến phương án thăng trần quân hàm cho Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô và Bộ Tư lệnh Tp.HCM, đại biểu Nguyễn Anh Sơn góp ý, chỉ nên tăng một cấp - lên mức thiếu tướng vì nếu thăng lên đến trung tướng thì chênh so với hàm đại tá của Tư lệnh, Chính ủy của Bộ chỉ huy quân sự các địa phương khác đến 2 bậc, dễ gây tâm lý xao động, băn khoăn trong lực lượng.

Đồng tình với lập luận này, đại biểu Nguyễn Ngọc Bình (Tp.HCM) nói thêm, để Chính ủy Bộ tư lệnh Tp,HCM mang quân hàm trung tướng sẽ tạo áp lực tâm lý trong toàn bộ lực lượng, các địa phương khác mà nếu để phong hàm đồng loạt, ngang nhau hết thì lại “lạm phát” tướng, không khả thi.

Cùng băn khoăn, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ (Bến Tre) - Phó tư lệnh Quân khu 9 phân tích, Bộ Tư lệnh Tp.HCM là đơn vị trực thuộc Quân khu 7. Nếu Chính ủy đơn vị này mà mang quân hàm trung tướng, ngang với Chỉ huy trưởng Quân khu thì không hợp lý. Đại biểu này cũng đề nghị chỉ quy định trần quân hàm cao nhất của lãnh đạo Bộ Tư lệnh Tp.HCM là thiếu tướng.

Thượng tướng Phùng Khắc Đăng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam nêu lên bất cập khi Bộ Tư lệnh Thủ đô là đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, Chính ủy có trần quân hàm trung tướng là bình thường nhưng Bộ Tư lệnh Tp.HCM lại là đơn vị thuộc Quân khu 7, lãnh đạo không thể mang hàm cao hơn cả lãnh đạo quân khu được.

Đồng quan điểm, Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Tp.HCM quân hàm cao nhất cũng chỉ đến thiếu tướng, đại biểu Đăng góp ý: “Nếu quy định không tuân theo quy chế nhất định mà chỉ phong thăng theo tình cảm thì khó nhận được sự ủng hộ, đồng tình của dư luận, thậm chí dễ vấp phải phản ứng của anh em binh sỹ trong Quân khu 7. Thăng cao hơn đến 2 cấp sẽ ảnh hưởng đến tâm lý sỹ quan”.

Gần cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết, việc sửa luật lần này là để khắc phục dư luận xã hội cho là Việt Nam phong tướng quá nhiều.

Theo Bộ trưởng, cả nước có khoảng 480 tướng, và quan điểm của ông là xin giữ trần quân hàm cấp tướng như hiện nay, là quy định đã ổn định nhiều chục năm qua. Tuy nhiên, việc tổ chức trong quân đội cũng phải đặt trong tương quan với ngành công an.
 
Về quy định trần quân hàm trung tướng cho tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô và Bộ Tư lệnh Tp.HCM, theo Bộ trưởng là lựa theo đề xuất quy định thăng cấp bậc hàm lên trung tướng cho Giám đốc Công an Hà Nội, Giám đốc Công an Tp.HCM trong luật Công an nhân dân sửa đổi cũng trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp này.

Bộ Tư lệnh Thủ đô trực thuộc Bộ Quốc phòng, có cả sư đoàn nằm trong Bộ thì việc cấp quân hàm cao nhất là Trung tướng dễ chấp nhận. Nhưng với Bộ Tư lệnh Tp.HCM thì “vướng” vì đơn vị này thuộc Quân khu 7, Bộ trưởng phân trần.

Với phân tích nếu Tư lệnh Tp.HCM hàm trung tướng, Phó tư lệnh Quân khu 7 lại chỉ được hàm thiếu tướng, khi xuống đơn vị kiểm tra mà hàm lại thấp hơn… cấp dưới thì khó làm việc, Bộ trưởng đồng ý chỉ để hàm thiếu tướng với chức danh này.

Trước một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định trần quân hàm trung tướng đối với hệ thống các nhà trường của quân đội, chỉ nên để thiếu tướng, Bộ trưởng Phùng Quanh Thanh muốn Quốc hội cho giữ trần hiện hành đã thực hiện mấy chục năm trung tướng đối với giám đốc, chính uỷ. Quy định như vậy có từ lâu rồi, giờ hạ xuống, anh em rất tâm tư, Bộ trưởng nói.

Về ý kiến không đồng tình với đề nghị phong hàm thiếu tướng cho Chủ nhiệm Khoa Mác - Lê Nin và Chủ nhiệm Khoa Quân chủng, Bộ trưởng trình bày, nếu Quốc hội không cho phép để lại là thiếu tướng thì về thuyết phục anh em rất khó. Người ta sẽ hỏi là thế bây giờ Khoa Mác - Lê Nin không quan trọng à?

Hay Khoa Quân chủng, trước đây có Khoa Phòng không, Khoa Hải quân, Khoa Pháo binh, Khoa Công binh, Khoa Đặc công... bây giờ tất cả nhập thành Khoa Quân chủng.

Sáu binh chủng hợp thành quân chủng, có mỗi chủ nhiệm khoa trước đây là thiếu tướng bây giờ cắt đi rất khó, tâm tư lắm, ông Thanh tiếp tục phân trần.

Theo chương trình kỳ họp, sáng 27/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam.