11:21 23/04/2021

Gỡ chính sách để "lái" nguồn vốn nước ngoài vào năng lượng tái tạo

Mạnh Đức

Đầu tư vào năng lượng tái tạo bùng nổ nhưng cùng với đó là tình trạng phát triển quá nóng, quay trở lại trở thành rào cản cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Doanh nghiệp khi gặp khó không có con đường nào khác ngoài bán dự án

Việt Nam cần tận dụng cơ hội để phát triển năng lượng tái tạo
Việt Nam cần tận dụng cơ hội để phát triển năng lượng tái tạo

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam hoàn toàn có thể "lái" các nguồn vốn đầu tư nước ngoài chảy vào lĩnh vực năng lượng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.

VIỆT NAM CÓ GÌ TRONG "CUỘC CHƠI"?

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), cho rằng cần phải xác định rõ Việt Nam có gì trong "cuộc chơi" năng lượng sạch, năng lượng tái tạo?

"Sự sắp xếp lại cuộc chơi và cạnh tranh trên thế giới, nhiều quốc gia được đặt cùng một vạch xuất phát điểm tạo ra cơ hội cho Việt Nam đi nhanh hơn. Bên cạnh đó, cơ hội về đột phá trong phát triển nhờ vào cơ cấu dân số vàng và dân số trẻ, có khả năng thích nghi tốt với công nghệ hiện đại, có thể đóng góp tốt cho tăng trưởng xanh", PGS.TS Tuấn nhìn nhận.

Ngoài ra, nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng mang lại cơ hội tăng đầu tư cho tăng trưởng xanh. Việc gia tăng tầng lớp trung lưu cũng giúp thúc đẩy tiêu dùng xanh, tiêu dùng có trách nhiệm, dần hình thành lối sống xanh.

"Lái" nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào năng lượng tái tạo - Ảnh 1.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

Nhưng thách thức cũng không phải là nhỏ. Theo PGS.TS Tuấn, việc thiếu thông tin đầy đủ về các công nghệ hiện đại và thiếu sự hợp tác để chuyển giao công nghệ này là rào cản để phát triển thị trường năng lượng tái tạo. Năng lực của cấp địa phương trong quy trình lên kế hoạch và cấp phép các dự án năng lượng tái tạo còn nhiều hạn chế.

Nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo còn thiếu thông tin và tiếp cận với chuyên gia để đánh giá tính khả thi và tiềm năng của dự án năng lượng tái tạo; năng lực của cơ quan tài chính trong việc đánh giá dự án năng lượng tái tạo; không tiếp cận được cơ chế tài chính phù hợp.

Để lái được nguồn vốn đầu tư nước ngoài chảy vào lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, ông Đinh Thế Phúc - Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp), cho rằng doanh nghiệp cần nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh nhằm nâng cao khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng. Khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, trọng tâm là năng lượng tái tạo.

Đặc biệt, cần tăng cường thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài, bao gồm: Vốn viện trợ phát triển chính thức ưu đãi, viện trợ phát triển chính thức không ưu đãi, vay thương mại nước ngoài… Ngoài ra, định hướng chính sách năng lượng tái tạo đúng đắn cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh bền vững.

THÁO GỠ TỪ CHÍNH SÁCH

Theo TS. Nguyễn Ngọc Hưng, Phòng Kinh tế năng lượng, Viện Năng lượng Việt Nam (Bộ Công Thương), cần thể chế hóa các quy định pháp luật thông qua việc xây dựng Luật Năng lượng tái tạo nhằm huy động hiệu quả các nguồn lực phát triển nguồn năng lượng này; xây dựng các cơ chế hỗ trợ hiệu quả cho năng lượng tái tạo và đảm bảo việc vận hành hiệu quả.

Bà Nguỵ Thị Khanh, Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh, cho rằng trong "cuộc chơi" chuyển dịch năng lượng tái tạo, chúng ta không làm chủ được về công nghệ, vốn thì phải huy động.

"Điều duy nhất chúng ta có là công cụ chính sách để thu hút dòng vốn, hỗ trợ dòng vốn cho doanh nghiệp trong nước lớn mạnh như các doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoài đã từng được ta hỗ trợ trước đây. Nếu không dùng thế mạnh đó thật tốt, sẽ thấy nhiều rào cản, dù những lợi ích đã hiển hiện ngay trước mắt".

"Lái" nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào năng lượng tái tạo - Ảnh 2.

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Hơn nữa, chuyển dịch năng lượng không lấy mất việc làm của năng lượng truyền thống, mà còn tạo cơ hội để tận dụng nguồn dân số trẻ, dân số vàng hiện nay. "Việc phát triển các loại hình năng lượng tái tạo trong dài hạn đảm bảo đem lại nhiều cơ hội việc làm không thấp hơn so với sản xuất điện truyền thống trong cả hai nhóm xây lắp và vận hành", bà Khanh nhận định.

Chia sẻ quan điểm cần hành động quyết liệt hơn, PGS.TS Tuấn, nhấn mạnh muốn nắm bắt kịp thời những tín hiệu rất nhanh, rất rõ ràng của thị trường năng lượng tái tạo, ta phải chơi những cuộc chơi lớn. Trước đây có thể đánh du kích nhưng bây giờ không thể nữa. Phải dám chơi tử tế, dám đi xa. Tư duy vươn ra biển, hội nhập sâu rộng, tư duy chơi lớn. Nếu doanh nghiệp chúng ta nhỏ mà biết liên kết tốt thì sẽ tạo ra mạng lưới để cùng nhau đi xa.

Từ góc độ của doanh nghiệp, ông Đào Du Dương, Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo Long Solar Energy, cho rằng, Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành tháng 2/2020 và các chính sách đi kèm đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp năng lượng tái tạo phát triển bùng nổ nhưng cùng với đó là tình trạng phát triển quá nóng, quay trở lại trở thành rào cản đối với doanh nghiệp và các cơ quan quản lý.


Hiện các ngân hàng Nhà nước đã không cho vay lĩnh vực năng lượng tái tạo, ngân hàng thương mại thì lãi suất kém hấp dẫn, ít hỗ trợ cho doanh nghiệp. Hơn nữa, thị trường phát triển quá nóng dẫn tới mức giá biến động lớn trước các đợt chốt giá, đẩy doanh nghiệp vào thế hiệu quả giảm nhưng phải gánh lãi suất cao

Doanh nghiệp khi gặp khó khăn thì buộc phải tìm lối thoát, không có con đường nào khác ngoài bán dự án, thoái vốn cho các doanh nghiệp nước ngoài có nguồn vốn rẻ, dài hơi hơn. Do vậy, ông Dương kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương nên có chính sách khuyến khích dài hơi hơn để doanh nghiệp có đủ thời gian để phát triển bền vững.

Đồng quan điểm, bà Khanh khuyến nghị cần có sự đồng bộ, nhất quán về chính sách hơn nữa để có thể phát triển bền vững, cần một khuôn khổ pháp luật, trong đó có luật về năng lượng tái tạo làm cơ sở pháp lý. Việt Nam cũng cần cải cách về thị trường thông qua gia tăng cạnh tranh trong phát điện, đấu giá.

"Tất cả điều này đòi hỏi sự cải tổ, cải cách rất lớn. Chỉ khi chúng ta thúc đẩy được thị trường cạnh tranh ở các cấp độ với sự tham gia của các bên khác nhau một cách công bằng, minh bạch thì mới có thể phát triển ngành năng lượng nhanh nhất", bà Khanh khẳng định.