Gói vay ngừng việc 7.500 tỷ đồng: Doanh nghiệp nào đã tiếp cận đầu tiên?
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lạng Sơn vừa ký kết hợp đồng tín dụng cho vay trả lương phục hồi sản xuất với Công ty TNHH Vận tải Công nghệ Mai Linh Lạng Sơn theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg...
Sau khi NHNN vừa ban hành Thông tư triển khai gói tái cấp vốn 7.500 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội để người sử dụng lao động được vay vốn trả lương ngừng việc người lao động, đã có doanh nghiệp được vay tiền với lãi suất 0% thời hạn 12 tháng.
Theo đó, Công ty TNHH Vận tải Công nghệ Mai Linh Lạng Sơn được giải ngân 92,6 triệu đồng để trả lương cho 9 lao động, lãi suất cho vay 0%, thời hạn vay là 12 tháng và không cần tài sản đảm bảo.
Ngoài công ty nói trên, tính đến ngày 21/7/2021, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận hồ sơ của 17 đơn vị có nhu cầu vay vốn chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương khôi phục sản xuất. Trong đó, số lao động phải ngừng việc là 213 người, số tiền đề nghị vay vốn là 1.754 triệu đồng.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 10/2021/TT-NHNN ngày 21/7/2021 quy định về tái cấp vốn với Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Tổng số tiền tái cấp vốn tối đa 7.500 tỷ đồng. Lãi suất tái cấp vốn là 0%, lãi suất tái cấp vốn quá hạn là 0%. Thời hạn tái cấp vốn là 364 ngày, tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày Ngân hàng Nhà nước giải ngân tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội.
Thời hạn giải ngân tái cấp vốn từ ngày ký khế ước nhận nợ đầu tiên đến hết ngày 31/3/2022 hoặc đến khi giải ngân hết 7.500 tỷ đồng tùy theo điều kiện nào đến trước. Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm đối với Ngân hàng Chính sách xã hội.
Theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, điều kiện vay gói hỗ trợ này với khách hàng vay trả lương ngừng việc cho người lao động là: Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đến tháng liền kề trước thời điểm ngừng việc, người lao động phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định tại khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết 31/3/2022; không có nợ xấu.
Điều kiện vay với khách hàng phải tạm dừng hoạt động vay trả lương cho người lao động để phục hồi sản xuất là: Phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ 1/5/2021 đns 31/3/2022; Có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh; Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn; Không có nợ xấu.
Riêng với khách hàng hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, điều kiện là phải có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn; có phương án phục hồi sản xuất và không có nợ xấu.
Hiện ngân hàng chính sách nhiều địa phương khác cũng đang cấp tập triển khai gói vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất này. Cụ thể, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An đã tiếp cận hơn 1.000 doanh nghiệp, tuyên truyền về nội dung Nghị quyết 68 và khảo sát nhu cầu vay vốn. Có 18 doanh nghiệp đăng ký vay gần 6 tỷ đồng…
Theo Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, khi khoản vay tái cấp vốn đến hạn, Ngân hàng Chính sách xã hội phải trả hết nợ gốc vay tái cấp vốn cho Ngân hàng Nhà nước từ tiền trả nợ của người sử dụng lao động vay theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.