Hà Nội đề xuất 135.000 tỷ đồng làm đường vành đai 4 "huyết mạch"
Hà Nội đề xuất phương án làm đường vành đai 4 theo hướng cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến, thay cho việc đi bằng với kinh phí 135.000 tỷ đồng, tạo động lực để đẩy mạnh liên kết vùng…
Tại hội nghị giữa thành phố Hà Nội với Bộ Giao thông vận tải và các tỉnh liên quan triển khai kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ về tuyến đường Vành đai 4, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh “Tuyến đường vành đai 4 sẽ kết nối đồng bộ, tăng cường năng lực, giải phóng ùn tắc giao thông. Đồng thời, mở rộng không gian phát triển, khai thác các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng Thủ đô”.
HAI PHƯƠNG ÁN LÀM ĐƯỜNG VÀNH ĐAI "HUYẾT MẠCH"
Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011 với chiều dài toàn tuyến khoảng 98km, đi qua 14 huyện của 3 địa phương Hà Nội 56,5km, Hưng Yên 20,3km và Bắc Ninh 21,2km.
Tuy nhiên, suốt gần 10 năm nằm trên giấy, tuyến đường vành đai này chưa được đầu tư. Điều này dẫn tới các cửa ngõ giao thông ra vào thành phố và các nút giao giữa các trục hướng tâm với đường vành đai 3 thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, điển hình là khu vực cửa ngõ phía Nam thành phố.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tin tưởng sẽ sớm triển khai và hoàn thành tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô trong giai đoạn tới. Từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng mở ra không gian phát triển và tạo động lực để đẩy mạnh liên kết vùng trên tất cả các lĩnh vực, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương theo tinh thần Nghị quyết đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố đã đề ra.
Theo tính toán, có hai phương án triển khai đường vàng đai 4. Trong đó, phương án cao tốc đi bằng có tổng vốn đầu tư khoảng 105.000 tỷ đồng, phương án cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến khoảng 135.000 tỷ đồng, với quy mô 04-06 làn xe, gồm 2 cầu lớn vượt sông Hồng.
Các đại biểu thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh bổ sung phương án thành phần đường cao tốc trên cao thay cho việc đi bằng như quy hoạch hiện nay. Theo đó, tuyến đường vành đai 4 có mặt cắt ngang 120 m, trong đó đường bộ cao tốc trên cao (cầu cạn) với mặt cắt ngang 90 m và 30 m là đường sắt.
“Chúng tôi ủng hộ phương án đầu tư đường cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến, với tổng mức đầu tư 135.000 tỷ đồng. Mặc dù cao hơn phương án cao tốc đi bằng 20.000 tỷ đồng, nhưng công năng sử dụng, ý nghĩa lâu dài và hiệu quả đầu tư cao hơn”, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Ngoài ra, kinh phí bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng theo chỉ giới 120m khoảng 25.000 tỷ đồng. Với mức kinh phí này, việc đầu tư bằng vốn đầu tư công là khó khả thi nên cần nghiên cứu theo hướng giải pháp đầu tư hỗn hợp.
Thời gian hoàn thành dự án dự kiến trong 2 nhiệm kỳ. Trong đó, nhiệm kỳ này, phấn đấu hoàn thành các thủ tục đầu tư, cơ chế, giải phóng mặt bằng, huy động nguồn lực và khởi công công trình.
Ông Đỗ Tiến Sỹ, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên cho biết, việc xây dựng tuyến đường vành đai 4 là niềm vui mừng, được tỉnh chờ đợi từ lâu. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không ít lo lắng bởi khối lượng công việc nhiều và khó khăn. Trong tương lai, Hưng Yên có các khu đô thị lớn cận kề với Thủ đô đang thu hút lượng người Hà Nội sinh sống trên địa bàn lớn, nên việc kết nối mở thêm đường hướng tâm đi qua tỉnh là rất cần thiết.
Tỉnh sẽ sớm xây dựng tuyến đường rộng 70 m hướng dọc sông Hồng giao cắt với tuyến đường vành đai 4 và vành đai 3,5 sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi trong đi lại và phát triển kinh tế cho tỉnh.
ĐỀ XUẤT HÀ NỘI LÀM ĐẦU MỐI CHỦ TRÌ DỰ ÁN
Đại diện các địa phương nhất trí đề xuất thành phố Hà Nội làm đầu mối để triển khai thực hiện dự án này. Hà Nội với vai trò là trung tâm, hạt nhân của vùng Thủ đô sẽ chủ trì, phối hợp cùng các địa phương có tuyến đi qua tổ chức nghiên cứu, triển khai đầu tư.
Trong đó, các địa phương trong phạm vi dự án chịu trách nhiệm bố trí vốn ngân sách, tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư trên địa bàn theo thực tiễn của từng địa phương. Tách công tác đền bù giải phóng mặt bằng thành các dự án riêng, tương tự như dự án Sân bay Long Thành.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng lưu ý thêm “nếu không quyết tâm đẩy nhanh, làm sớm, nhất là công tác đền bù giải phóng mặt bằng thì về sau càng khó khăn và giá cả đội lên rất cao”. Vì vậy, tới đây, Hà Nội và các tỉnh cần đẩy nhanh thủ tục để sớm trình Thủ tướng Chính phủ. Bộ cũng đồng tình việc kiến nghị Chính phủ cho phép giải phóng mặt bằng một lần, ngay tức khắc, tránh kéo dài nhiều đợt, ách tắc dự án và chi phí phát sinh tăng cao.
Về quan điểm chung, tổ chức triển khai đầu tư khép kín toàn bộ tuyến đường Vành đai 4, mặt cắt khoảng 120m, trong đó, dự kiến có 30m là đường sắt quốc gia và 90m là đường bộ với cao tốc đi trên cao theo hình thức đầu tư hỗn hợp, gồm đầu tư công và phương thức PPP, loại hợp đồng BOT và đề xuất đưa vào danh mục công trình giao thông trọng điểm Quốc gia để tập trung chỉ đạo.
Đồng thời, tổ chức nghiên cứu cập nhật, bổ sung, điều chỉnh, hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết thành phần đường cao tốc đi trên cao của tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô vào đồ án quy hoạch mạng lưới đường bộ Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Giao thông vận tải đang tổ chức lập.
Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt quốc gia vành đai phía Tây, có hướng đi song song với đường vành đai 4, theo hướng đi trên cao, trong phạm vi lộ giới khoảng B=120m nghiên cứu vị trí tuyến đường sắt trong giải đất rộng khoảng 30 m bên phía Tây đoạn Vành đai 4 phía Tây Hà Nội; một phần phía Đông đoạn Vành đai 4 phía Đông/Hưng Yên. Từ đó, cập nhật vào Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia quy hoạch đường sắt khu đầu mối thành phố Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Giao thông vận tải đang tổ chức lập.
Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô có chiều dài toàn tuyến khoảng 98km, đi qua 14 huyện của 3 địa phương Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh.
Vành đai 4 sẽ là tuyến đường liên vùng phục vụ kết nối giao thông giữa Hà Nội với các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô, giải quyết nhu cầu giao thông cho khu vực đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh của Hà Nội.
Việc đầu tư phát triển tuyến đường này sẽ giải quyết cơ bản các vấn đề, như phân luồng giao thông từ xa theo các hướng. Tăng cường khả năng kết nối giao thông liên vùng giữa Hà Nội với các tỉnh. Tạo điều kiện phát triển đô thị trung tâm hoàn chỉnh và chuỗi đô thị trong khu vực giữa vành đai 3, vành đai 4, chuỗi năm đô thị vệ tinh, kết nối chùm đô thị thành phố Hà Nội và các khu vực đô thị, công nghiệp trong vùng Thủ đô.