16:01 04/09/2018

Hà Nội tính "quản" xe đạp điện như xe máy

Lan Ca

"Xe đạp điện đang bộc lộ những hạn chế nhất định khi lưu thông và trở thành ẩn họa gây tai nạn trong khu vực đô thị"

Những năm gần đây, xe đạp điện trở thành phương tiện phổ biến của học sinh phổ thông cho đến người lớn tuổi ở các thành phố.
Những năm gần đây, xe đạp điện trở thành phương tiện phổ biến của học sinh phổ thông cho đến người lớn tuổi ở các thành phố.

Xe đạp điện, phương tiện được đánh giá là thân thiện với môi trường, vận hành tiện lợi lại đang bộc lộ những hạn chế nhất định khi lưu thông và trở thành ẩn họa gây tai nạn trong khu vực đô thị. Do đó cần thiết quản lý xe đạp điện như đối với phương tiện cơ giới.

Đây là nội dung đáng chú ý trong loạt đề xuất mà UBND Tp.Hà Nội vừa gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật để phù hợp hơn với tình hình thực tế và làm cơ sở thực hiện Đề án "Tăng cương quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030".

Quản chặt xe đạp điện

UBND Tp.Hà Nội cho biết, những năm gần đây, xe đạp điện trở thành phương tiện phổ biến của học sinh phổ thông cho đến người lớn tuổi ở các thành phố. Đặc biệt, thời gian qua, xe đạp điện trở thành phương tiện ưa thích của giới trẻ Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung là do không cần bằng lái, không tốn tiền mua xăng mà vẫn có thể chạy với tốc độ tương đương xe máy.

Xe đạp điện cũng được thiết kế tương tự mẫu mã như dòng xe máy tay ga cao cấp thu hút được thị trường sử dụng. Tuy nhiên, phương tiện được đánh giá là thân thiện với môi trường, vận hành tiện lợi lại đang bộc lộ những hạn chế nhất định khi lưu thông và trở thành ẩn họa gây tai nạn trong khu vực đô thị.

Trên địa bàn Hà Nội hiện có trên 7.000 xe đạp điện, xu hướng sử dụng ngày càng tăng cao, đặc biệt nhóm đối tượng học sinh. Đây là loại hình phương tiện mới. Tuy nhiên, xe đạp điện được sử dụng với công dụng tương tự như xe máy điện hoặc xe máy (vận tốc có thể đạt được đến 50 km/h).

Theo Hà Nội, việc quản lý xe đạp điện như đối với phương tiện cơ giới là cần thiết. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, "xe đạp điện" chưa được quy định là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nên chưa đủ cơ sở để thực hiện "quản lý xe đạp điện tương tự như xe máy".

Do vậy, Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét giao Bộ Giao thông Vận tải bổ sung "xe đạp điện" là đối tượng thuộc nhóm "phương tiện giao thông cơ giới đường bộ" trong bộ Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.

Thu phí vùng có nguy cơ ùn tắc, phụ thu ô nhiễm môi trường

Ngoài vấn đề trên, UBND Tp. Hà Nội còn đề xuất lập Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào".

Đây là biện pháp kinh tế trong Đề án được thông qua tại Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 4/7/2017 của Hội đồng nhân dân Thành phố.

Hà Nội cho rằng, hoạt động của các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hiện chiếm tỷ lệ lớn trong các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí, với tốc độ và số lượng phương tiện như hiện nay, phương tiện giao thông đường bộ sẽ là nhân tố tác động lớn đến môi trường không khí ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống của người dân trên địa bàn Thành phố.

Vì vậy, việc áp dụng quy định nhằm giảm ùn tắc giao thông và hạn chế mức độ tập trung khí thải gây ô nhiễm môi trường là cần thiết.

Và nguyên tắc xác định mức phí là mức thu phí cơ bản bù đắp một phần chi phí phục vụ đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại khu vực phân vùng hạn chế phương tiện giao thông.

Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc hiện nay, theo UBND Tp.Hà Nội, là tại danh mục phí, lệ phí ban hành kém theo Luật phí và lệ phí năm 2015 không có tên khoản "Phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường". Vì vậy, để triển khai nhiệm vụ trên cần đề xuất bổ sung khoản phí này vào danh mục kèm theo Luật phí và lệ phí năm 2015.

Vì vậy, UBND Tp.Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét và trình Ủy ban thường vụ Quốc Hội bổ sung "Phí phương tiên cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường" vào danh mục kèm theo của Luật phí và lệ phí năm 2015 để Thành phố Hà Nội làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện.

Cũng trong văn bản của mình, Hà Nội còn đề xuất quy định mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành của phương tiện xe cơ giới đường bộ thông qua đăng kiểm phương tiện.

Lý do bởi, sự gia tăng của phương tiện giao thông đã ở mức báo động nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì trong tương lai tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ trở nên nghiêm trọng.

Dự báo với tốc độ tăng trưởng như hiện nay của ôtô và xe máy thì đến năm 2020 sẽ có 843.042 ôtô; 6.099.273 xe mô tô, gắn máy. Đến năm 2030 số ôtô là 1.954.738; xe mô tô, gắn máy là 7.506.430.

Tình hình ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn biến phức tạp, nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí có xu hướng tăng. Hoạt động của các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hiện chiếm tỷ lệ lớn trong các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí.

Vì thế, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao các Bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện thu "Phí bảo vệ môi trường đối với khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ" và Quy định về "Mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành của phương tiện cơ giới đường bộ thông qua đăng kiểm phương tiện" làm cơ sở cho các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai thực hiện.

Ngoài những đề xuất trên, Thành phố này cũng đề xuất Chính phủ xem xét, giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu trình Chính phủ ban hành "Quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để đưa vào quản lý đối với xe chở người 4 bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh".