09:22 29/09/2011

Hai kịch bản kinh tế và các cân đối lớn của 2012

Nguyên Thảo

Tổng thu ngân sách bằng khoảng 25% GDP, tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng gần 34% GDP, nhập siêu trên dưới 13%

Một con đường mới mở tại thành phố ven biển Đà Nẵng. Năm 2012, tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến sẽ giảm còn khoảng 977 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 33,5% GDP ở mức tăng GDP 6% - Ảnh: Getty.
Một con đường mới mở tại thành phố ven biển Đà Nẵng. Năm 2012, tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến sẽ giảm còn khoảng 977 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 33,5% GDP ở mức tăng GDP 6% - Ảnh: Getty.
Tổng thu ngân sách bằng khoảng 25% GDP, tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng gần 34% GDP, nhập siêu trên dưới 13%... là một số cân đối lớn của nền kinh tế trong năm 2012, đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến theo hai kịch bản tăng trưởng.

Thất nghiệp giảm xuống dưới 4,5%

Ở cân đối đầu tiên: lao động và việc làm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo lực lượng lao động của cả nước năm sau khoảng 52,9 triệu người, trong đó khoảng 51,27 triệu làm việc trong nền kinh tế quốc dân.

Dự kiến năm 2012 tạo việc làm cho 1,6 triệu người, trong đó đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài 90 nghìn người. Tỷ lệ thất nghiệp thành thị giảm xuống dưới 4,5% trên tổng số lao động trong độ tuổi. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp 45,4%, công nghiệp 23,6%, dịch vụ 31%.

Thu ngân sách khoảng 25% GDP

Cân đối thu chi ngân sách được dự kiến theo hai kịch bản tăng trưởng. Ở mức tăng GDP 6,5%, tổng thu là 740,5 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 25% GDP, tăng 10,6% so với 2011.

Tổng chi ngân sách là 903,1 nghìn tỷ đồng, bội chi khoảng 141,6 nghìn tỷ đồng, bằng 4,8% GDP.

Ở mức tăng trưởng GDP 6%, bội chi ngân sách vẫn là 4,8% GDP, với tổng chi 897,6 nghìn tỷ đồng. Tổng thu là 736 nghìn tỷ đồng, vẫn bằng khoảng 25% GDP.

Thu chi ngân sách cũng là cân đối được nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đang là một “nghịch lý”, khi nền kinh tế khó khăn song tỷ lệ động viên vẫn hơn 20% GDP, là mức quá cao so với nhiều nước trên thế giới.

1.000 nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển

Đây là con số dự kiến theo kịch bản 1 (GDP tăng 6,5%), bằng khoảng gần 34% GDP. Trong đó nguồn vốn đầu tư từ ngân sách khoảng 180 nghìn tỷ đồng. Vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước khoảng 56 nghìn tỷ đồng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài dự kiến khoảng 175 nghìn tỷ đồng.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ giảm còn khoảng 977 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 33,5% GDP ở mức tăng GDP 6%. Tuy nhiên số vốn đầu tư từ ngân sách và đầu tư trực tiếp nước ngoài không giảm. Vốn tín dụng sẽ giảm 1.000 tỷ đồng.

Nhập siêu trên 13 tỷ USD

Vẫn theo hai kịch bản là cân đối xuất nhập khẩu. Kịch bản 1 tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 101,7 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2011, nhập siêu khoảng 13,1 tỷ USD, chiếm 12,9% tổng kim ngạch  xuất khẩu.

Theo kịch bản 2 sẽ cho tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 100,8 tỷ USD, tăng 12%, nhập siêu khoảng 13,6 tỷ USD, chiếm khoảng 13,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cán cân tổng thể có thể thặng dư

Nếu theo kịch bản 1 thì cán cân vãng lai dự báo thâm hụt khoảng 4.370 triệu USD do cán cân thương mại vẫn có xu hướng thâm hụt tương đối cao, nhưng được bù lại do thặng dư của cán cân vốn 10.030 triệu USD. Cán cân tổng thể năm 2012 có thể thặng dư khoảng 3.160 triệu USD.

Ở kịch bản 2, cán cân vãng lai dự báo thâm hụt khoảng 3.670 triệu USD do cán cân thương mại vẫn có xu hướng thâm hụt tương đối cao, nhưng được bù lại do thặng dư của cán cân vốn 10.000 triệu USD. Cán cân tổng thể năm 2012 có thể thặng dư khoảng 2.630 triệu USD.

Cơ bản đáp ứng nhu cầu về điện

Với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5% (kịch bản 1), nhu cầu điện năm sau tăng khoảng 13%, nhu cầu điện thương phẩm khoảng 106.7 tỷ kWh, điện sản xuất và mua năm 2012 là 120.4 tỷ kWh (trong đó nhập khẩu khoảng 4 tỷ kWh).

Về nguồn điện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết với dự kiến sẽ đưa vào vận hành thêm 2.800 MW nguồn điện mới và khả năng nguồn điện có đến hết năm 2011 có thể đạt 24.000 MW

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, có thể đáp ứng về cơ bản nhu cầu điện cho năm sau, nếu các dự án nguồn điện thực hiện đúng tiến độ và các biện pháp tiết kiệm điện có hiệu quả.

Có thể chế biến xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo

Cân đối về lương thực, sản lượng lúa được dự kiến đạt 41,8 triệu tấn, được sử dụng cho các nhu cầu trong nước khoảng 27,5 triệu tấn. Bao gồm để giống 0,85 triệu tấn, hao hụt và chăn nuôi 5,2 triệu tấn và nhu cầu ăn của dân cư là 21,5 triệu tấn.

Còn lại khoảng 13,45 triệu tấn lúa (tương đương 6,5 triệu tấn gạo) có thể chế biến xuất khẩu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo.

Nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2012, các cân đối lớn trên đây sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét vào thứ Bảy (1/10), trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp thứ hai, được khai mạc vào ngày 20/10 tới.