07:58 03/06/2013

Hai ngày thảo luận Hiến pháp trên nghị trường

Nguyên Vũ

Một số thành viên trong ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã bộc bạch tâm tư

Hai ngày liên tục với bốn phiên thảo luận toàn thể về dự thảo sửa đổi 
Hiến pháp 1992 được phát thanh, truyền hình trực tiếp cũng sẽ là cơ hội 
để ý dân và trách nhiệm của đại biểu được gần nhau hơn.
Hai ngày liên tục với bốn phiên thảo luận toàn thể về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được phát thanh, truyền hình trực tiếp cũng sẽ là cơ hội để ý dân và trách nhiệm của đại biểu được gần nhau hơn.
Không nghỉ thứ Bảy, Quốc hội dành hai ngày đầu tiên của tuần từ 3- 8/6 để thảo luận tại hội trường về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Trước đó, vào ngày 27/5, các phiên thảo luận tổ hai về nội dung này cũng đã ghi nhận các ý kiến nhiều chiều về các vấn đề đã được nhân dân góp ý.

Một điểm rất đáng chú ý tại các phiên này là chính một số thành viên trong ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã bộc bạch tâm tư khi nhiều ý kiến tâm huyết của chính các thành viên đã không được tiếp thu.

Với các nội dung còn nhiều hơn một phương án thì ý kiến của các vị đại biểu cũng còn rất khác nhau.

Đơn cử, về thành phần kinh tế, dự thảo mới nhất đưa ra tới ba phương án. Trong đó phương án một và hai hiến định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, phương án ba quy định các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.

Tổng hợp góp ý tại tổ cho thấy có 23 ý kiến ở 15 tổ đồng ý phương án một, 52 ý kiến ở 13 tổ nhất trí phương án hai còn 30 ý kiến ở 14 tổ gật đầu với phương án ba.

Với quan điểm tất cả góp ý của nhân dân đều phải đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội, nhiều vị đại biểu cũng đề nghị đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau thì nên đưa ra các phương án để Quốc hội lựa chọn.

Như vậy, hai ngày liên tục với bốn phiên thảo luận toàn thể về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được phát thanh, truyền hình trực tiếp cũng sẽ là cơ hội để ý dân và trách nhiệm của đại biểu được gần nhau hơn.

Bên cạnh sửa Hiến pháp, phần lớn thời gian trong tuần, Quốc hội dành cho công tác xây dựng pháp luật.

Dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội vào sáng thứ ba, trước khi diễn ra phiên thảo luận ở hội trường về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014. Chiều cùng ngày, Chính phủ sẽ trình dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và dự án Luật Việc làm.

Sau đó Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung điều 170 của Luật Doanh nghiệp.

Sáng thứ Năm, một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai sẽ được Quốc hội tiếp tục bàn thảo. Còn buổi chiều, phiên thảo luận tổ sẽ xoay quanh dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Cả ngày thứ Sáu, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012.

Ngày họp cuối trong tuần, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng trước khi diễn ra phiên thảo luận toàn thể về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và dự án Luật Việc làm nằm trong nội dung thảo luận tổ chiều thứ Bảy.