18:09 25/04/2011

Hai ứng viên xin rút khỏi danh sách bầu đại biểu Quốc hội

Nguyên Hà

So với khóa 12, trong danh sách bầu đại biểu Quốc hội khóa 13 chỉ có cơ cấu tái cử đạt tỷ lệ cao hơn

Hội nghị hiệp thương lần ba thỏa thuận lập danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội do các cơ quan Trung ương giới thiệu - Ảnh: CTV.
Hội nghị hiệp thương lần ba thỏa thuận lập danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội do các cơ quan Trung ương giới thiệu - Ảnh: CTV.
So với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 12, chỉ có cơ cấu tái cử đạt tỷ lệ cao hơn, các cơ cấu khác là phụ nữ, dân tộc thiểu số, ngoài Đảng, trẻ tuổi có tỷ lệ thấp hơn.

Đây là thông tin được Trưởng ban Công tác đại biểu, Tổng thư ký Hội đồng bầu cử Trung ương, ông Phạm Minh Tuyên báo cáo tại phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 25/4.

Theo báo cáo của Hội đồng Bầu cử, sau hội nghị hiệp thương lần thứ 3, tổng số người được lập danh sách chính thức ở cả Trung ương và địa phương là 832 người, trong đó ở Trung ương là 182 người, ở địa phương là 650 người.

Đến nay, có 2 ứng cử viên ở Hà Nội và Bạc Liêu xin rút khỏi danh sách chính thức, ông Tuyên cho biết. Tuy nhiên, danh tính và lý do xin rút cụ thể không được ông Tuyên đề cập.

Như vậy, tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội trong cả nước còn 830 người, so với tổng số đại biểu được bầu đạt 1,66 (830/500). Ở khóa 12, con số này là 1,76.

Về cơ cấu kết hợp, ứng cử viên là phụ nữ đạt tỷ lệ 31,4%; dân tộc thiểu số 16,1%; ngoài Đảng chiếm 14,20%; dưới 40 tuổi là 22,04% và 22,04% tái cử.

Các cơ cấu (trừ tái cử) đều đạt tỷ lệ thấp hơn so với cuộc bầu cử trước, song ông Tuyên nhấn mạnh “chất lượng ứng cử viên cao hơn”, với 305 người có trình độ trên đại học, chiếm 36,75% (khóa 12 tỷ lệ này đạt 28,65%). Trình độ đại học có 494 người, chiếm 59,52% (khóa 12 là 63,36%); từ cao đẳng trở xuống chỉ có 31 người, tỷ lệ 3,73% (khóa 12 là 70 người, đạt 7,99%).

Riêng về người tự ứng cử, sau hội nghị hiệp thương lần thứ ba đã có 15 người lọt vào danh sách chính thức. Trả lời trực tuyến trên Chinhphu.vn ngày 24/4, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ Quốc Việt Nam, ông Nguyễn Văn Pha cho biết con số này thấp hơn thấp hơn so với khóa 12 (30 người).

Tuy nhiên, tỷ lệ người tự ứng cử được giữ lại cao hơn. Khóa 12 có 238 người tự ứng cử được lập danh sách sơ bộ sau hiệp thương lần 2 và sau lần 3 còn 30 người. Lần này, cả nước chỉ có 83 người tự ứng cử sau hiệp thương lần 2 và sau lần 3 thì còn 15 người.

Cũng theo ông Pha thì chất lượng người tự ứng cử khóa 13, “cao hơn nhiều” so với khóa trước.

Báo cáo của Hội đồng bầu cử cũng cho biết, tính đến ngày 22/4, Tiểu ban chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo đã nhận được 114 đơn, trong đó có 37 đơn liên quan đến đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiếp nhận 32 đơn tố cáo cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Ông Tuyên cũng cho biết, Hội đồng bầu cử đã ban hành 11 nghị quyết cho phép bầu cử sớm một số khu vực bỏ phiếu thuộc các địa bàn miền núi, hải đảo, giao thông đi lại khó khăn và một số đơn vị lực lượng vũ trang ở 11 tỉnh, thành phố và cho phép Xã Pha Mu, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu tổ chức bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân xã vào Chủ nhật ngày 27/11/2011 (lùi hơn 6 tháng so với ngày 22/5/2011) do tái định cư, cần tiếp tục ổn định dân số và tổ chức đơn vị hành chính.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng lưu ý, từ nay đến ngày bầu cử là giai đoạn cực kỳ quan trọng nên tuyệt đối không được chủ quan, không thỏa mãn với những kết quả vừa đạt được. Về một số công việc cần thực hiện trong thời gian tới, Chủ tịch nhấn mạnh cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, kể cả quy mô, liều lượng, đặc biệt nội dung tuyên truyền.

 Bảo đảm an ninh trật tự, tuyệt đối an toàn cho bầu cử và làm tốt công tác kiểm tra, giám sát theo kế hoạch, kiểm tra, giám sát phải rất thiết thực, giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra, không phải giám sát phát hiện xong xin về báo cáo, để chậm giải quyết sự việc, Chủ tịch lưu ý.