Hai yếu tố tiên quyết để kinh tế tăng trưởng bền vững
Để đạt được mức tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần tập trung triển khai mô hình phát triển theo chiều sâu
Một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong "Báo cáo Việt Nam 2035" là phấn đấu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam sẽ phải duy trì tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 7% mỗi năm.
Theo ông Phan Vũ Hoàng - Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, việc tạo một môi trường đầu tư - kinh doanh bình đẳng, an toàn, cởi mở và cải thiện năng suất lao động được đánh giá là hai trong những yếu tố tiên quyết để đạt tốc độ tăng GDP nói trên.
Thưa ông, trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực đáng chú ý để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất và kinh doanh, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế theo chiều sâu. Ông bình luận gì về những động thái này?
Chính phủ Việt Nam nhiệm kỳ mới đã cho thấy quyết tâm rất cao để khắc phục khó khăn, tạo động lực mới cho phát triển. Ngoài những thông điệp ấn tượng như "Chính phủ kiến tạo", "Chính phủ hành động", Chính phủ đã đề xuất những chủ trương và triển khai hành động quyết liệt, ví dụ như việc ban hành Nghị quyết 19/2016/NQ-CP về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh; Nghị quyết 35/2016/NQ-CP và Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 6/6/2017 hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
Các giải pháp đều hướng tới việc "lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh" để giải quyết những vấn đề vướng mắc, cấp bách của các doanh nghiệp.
Kết quả của những nỗ lực này được thể hiện rõ qua công bố xếp hạng môi trường kinh doanh "Doing Business 2018" của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 31/10/2017, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể, tăng 14 bậc từ vị trí 82 năm ngoái lên vị trí 68 trên 190 nền kinh tế năm nay.
Không chỉ cải thiện môi trưởng kinh doanh, để đạt được mức tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần tập trung triển khai mô hình phát triển theo chiều sâu, cụ thể là chú trọng tăng năng suất lao động và cải thiện hiệu quả sử dụng các nguồn lực.
Cần có sự kết hợp của nhiều yếu tố, ví dụ như các cơ chế thông thoáng, minh bạch của Chính phủ để khuyến khích sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, vốn thường có hiệu quả sử dụng nguồn lực cao hơn nhiều các doanh nghiệp Nhà nước, hoặc việc làm chủ và áp dụng công nghệ một cách phù hợp.
Những yêu cầu phát triển này sẽ đòi đỏi sự thay đổi về định hướng chính sách, theo ông, các nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý gì trong bối cảnh hiện nay?
Các nhà đầu tư nước ngoài có thể lưu ý rằng yêu cầu phát triển bền vững theo chiều sâu nói trên của Chính phủ Việt Nam đã trở nên khá cấp thiết. Trong những năm tới, có khả năng cao là chính sách thu hút vốn đầu tư của Chính phủ sẽ thay đổi theo hướng giảm bớt khuyến khích cho những ngành thâm dụng lao động và tăng cường khuyến khích những ngành phù hợp lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, đồng thời thu hút đầu tư vào những ngành nghiên cứu và ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Do đó, khi xác định dự án đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư, nhất là các tập đoàn đa quốc gia, nên xác định rõ vị trí và chức năng của dự án đầu tư vào Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, để tận dụng được những khuyến khích của Chính phủ, tạo ra hiệu quả cao nhất cho khoản đầu tư.
Theo ông, hình thức khuyến khích đầu tư quan trọng nhất của Chính phủ trong thời gian tới là gì?
Hình thức khuyến khích đầu tư quan trọng nhất của Chính phủ là thông qua ưu đãi thuế. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý rằng quy định ưu đãi thuế ở Việt Nam khá phức tạp và yêu cầu nhà đầu tư phải tự xác định ưu đãi.
Việc không nắm vững cơ chế ưu đãi, hoặc mô tả hoạt động không chính xác trên các hồ sơ xin cấp phép, hoặc xác định ưu đãi không chính xác,... có thể dẫn đến rủi ro phải nộp thuế hoặc tiền phạt sau này.
Về thực tế triển khai dự án, quyết tâm và nỗ lực cải cách của Chính phủ Việt Nam vừa qua là rất lớn và đáng ghi nhận. Có thể thấy sự thăng hạng vượt bậc của Việt Nam trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới vừa qua có đóng góp lớn từ việc chỉ số thuận lợi về nộp thuế tăng vọt 81 bậc lên vị trí 86/190 trên bảng xếp hạng.
Tuy nhiên, với tình hình và thực trạng hiện tại của Việt Nam, sẽ vẫn còn nhiều thách thức cho các nhà đầu tư nước ngoài do khung pháp lý (bao gồm pháp luật Thuế) vẫn đang trong quá trình cải cách và thường xuyên phải thay đổi để bắt kịp sự phát triển rất nhanh của nền kinh tế.
Vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài cần có hiểu biết về các quy định tuân thủ và các vấn đề thực tiễn trong hoạt động của dự án đầu tư nước ngoài ở Việt Nam để hoạt động một cách hiệu quả nhất.
Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài cần thường xuyên cập nhật các quy định, và thường xuyên rà soát tình hình tuân thủ quy định thuế và hải quan để tránh việc bị truy thu thuế và tiền phạt không tuân thủ thuế mà lẽ ra có thể tránh được.
Trong bối cảnh nền kinh tế phát triển nhanh và khung pháp lý đang được cải cách rất mạnh mẽ như của Việt Nam, lượng thông tin sẽ rất nhiều và phức tạp nên chưa nhiều doanh nghiệp có đủ nguồn lực để có thể nắm vững tất cả những quy định đó.
Khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài có thể nhờ đến sự hỗ trợ của những đơn vị kiểm toán - tư vấn thuế và tài chính có độ tin cậy cao, có kinh nghiệm hoạt động trên toàn cầu và am hiểu thị trường nội địa như Deloitte, để tuân thủ đúng các yêu cầu, quy định về tài chính - kế toán - thuế, tiến tới tận dụng được tối đa những lợi ích mà các ưu đãi của Chính phủ đem lại.
Với sự hỗ trợ này, doanh nghiệp có thể tập trung vào hoạt động kinh doanh chính của mình mà không phải phân bổ nguồn lực để tìm hiểu, trong khi vẫn đảm bảo tính tuân thủ cao và hưởng những lợi ích về chính sách ưu đãi nhà đầu tư để đạt hiệu quả tối ưu.