23:48 23/07/2021

Hàng hóa dồi dào, Hà Nội đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân

Tuệ Mỹ

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các doanh nghiệp phân phối và bán lẻ trên địa bàn Hà Nội đã tăng lượng hàng hóa dự trữ, sẵn sàng đáp ứng cho nhu cầu mua sắm của người dân...

Hà Nội đã chuẩn bị nguồn cung từ các doanh nghiệp phân phối trong nhiều tháng qua, do đó khi có biến động thì Hà Nội vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Hàng hóa đang rất dồi dào, các hệ thống phân phối đều tăng nguồn hàng, tăng cường nguồn nhân lực để phục vụ người tiêu dùng. Người dân cũng rất bình tĩnh, không có tình trạng đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ. Hiện nay, Hà Nội cũng chưa có tình trạng găm hàng, giữ giá đối với những mặt hàng thiết yếu.

DOANH NGHIỆP CHỦ ĐỘNG, TIỂU THƯƠNG BÌNH TĨNH

Ghi nhận tại một số siêu thị, cửa hàng tiện ích, lượng hàng hóa tiêu thụ có dấu hiệu tăng nhẹ. Như tại siêu thị Big C Long Biên, VinMart Khu đô thị Royal City, Aeon Long Biên…, những ngày này lượng người tới mua ổn định, tuy nhiên có nhiều người mua số lượng hàng tăng hơn thường ngày để giảm số lần đi chợ. Dù vậy, hàng hóa được thường xuyên bổ sung lên kệ, số lượng dồi dào, chủng loại phong phú, không hề xuất hiện các kệ hàng trống.

Theo đó, Big C đã tiến hành làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp, đảm bảo nguồn cung, nâng cao trữ lượng hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn để sẵn sàng phục vụ khách hàng. Đối với hàng thực phẩm khô, Big C dự trữ tăng 30 - 50% với thông thường, đặc biệt có thể lên 100% với một số mặt hàng có nhu cầu cao; hàng tươi sống, Big C đã làm việc với các nhà cung cấp về kế hoạch giao hàng hằng ngày với lượng tăng lên 200 - 300% so với thông thường.

Để phục vụ người dân, doanh nghiệp còn kéo dài thời mở cửa bán hàng đến 22 giờ, thậm chí trường hợp cần thiết sẽ kéo dài thêm để phục vụ khách hàng mua sắm, đồng thời tạo điều kiện mua sắm giãn cách.

Về phía Vinmart, ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc miền Bắc hệ thống siêu thị này thông tin: Hiện nay doanh nghiệp có 4 kho hàng, các kho hàng đều vận chuyển hàng hóa xuyên đêm để đưa hàng hóa về các siêu thị lớn. Trong đó, riêng kho ở Bắc Ninh, hàng hóa vận chuyển về tới Hà Nội chỉ mất khoảng 2 tiếng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chủ động, liên tục làm việc với các nhà cung ứng như Masan, Meatdeli để lên kế hoạch sản xuất đảm bảo không để tình trạng trống kệ hàng.

Tại các siêu thị, hàng hóa được thường xuyên bổ sung lên kệ, số lượng dồi dào, chủng loại phong phú, không hề xuất hiện các kệ hàng trống.
Tại các siêu thị, hàng hóa được thường xuyên bổ sung lên kệ, số lượng dồi dào, chủng loại phong phú, không hề xuất hiện các kệ hàng trống.

“Phía doanh nghiệp phân phối cam kết đủ nguồn cung hàng hóa, người dân không nên đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ. Doanh nghiệp cũng đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa đảm bảo 3 tại chỗ gồm: lực lượng tại chỗ, nguồn hàng tại chỗ, phục vụ tại chỗ phục vụ người tiêu dùng Hà Nội với lượng hàng thực phẩm thiết yếu tăng gấp 3 lần ngày thường, trứng và rau xanh tăng gấp 5 lần so với ngày thường,” ông Hà nói.

Ghi nhận chiều nay tại các chợ dân sinh khu vực Nam Trung Yên, Thành Công, Giảng Võ…, hàng hóa vẫn phong phú, nhiều thực phẩm mới tươi ngon. Các tiểu thương tại chợ Nam Trung Yên cho biết không có tình trạng thiếu hàng, bà con vẫn buôn bán như ngày thường, chỉ có giá thịt lợn, thịt bò, cá... tăng nhẹ do chi phí vận chuyển tăng. Cụ thể, gà ta sống 130.000 đồng/kg, vịt 65.000 đồng/kg, ngan 80.000 đồng/kg, thịt lợn từ 140.000 đến 150.000 đồng/tùy loại… Giá các loại rau củ, quả cũng không thay đổi, trong đó, dưa chuột 15.000 đồng/kg, đậu đũa 14.000 đồng/kg, rau muống loại to 10.000 đồng/mớ…

Tối nay, tại siêu thị Co.opmart khu vực quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, ghi nhận thực tế hàng hoá dồi dào, lượng người đi mua sắm ít, đảm bảo giãn cách. Tất cả khách hàng đến siêu thị phải khai báo y tế, đo thân nhiệt và xịt khuẩn tay trước khi vào. Quầy hàng rau xanh, trái cây và thực phẩm tươi sống có khách đến mua nhiều nhưng không có hiện tượng chen lấn, xô đẩy. Rau xanh các loại được bổ sung liên tục. Giá các loại mặt hàng đều không tăng.

NGUỒN CUNG VÀ GIÁ CẢ KHÔNG CÓ BIẾN ĐỘNG

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, hiện nay, nguồn cung nông sản, thực phẩm của Hà Nội tương đối dồi dào. Hà Nội có thể đáp ứng 17.500 tấn/tháng, đáp ứng 92,6% nhu cầu; thịt bò tự cung ứng 896 tấn/tháng, đáp ứng 14,5% nhu cầu thịt lợn. Thịt gia cầm tự cung ứng 12.700 tấn/tháng, trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân Hà Nội là 6.300 tấn/tháng, còn lại xuất đi các tỉnh, thành phố. Rau củ sản xuất được 67.299 tấn/tháng, đáp ứng 64% nhu cầu; trái cây tự cung ứng đáp ứng 35% nhu cầu; trứng gia cầm sản xuất được 117 triệu quả/tháng, đáp ứng 64% nhu cầu... Còn lại Hà Nội đang phối hợp với các tỉnh, thành phố cung cấp bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) cho biết, toàn xã có 220 ha rau an toàn, ngoài ra còn liên kết với vùng sản xuất rau an toàn ở Mộc Châu (tỉnh Sơn La) với diện tích hơn 30 ha. Mỗi ngày, hợp tác xã có thể cung cấp ra thị trường 40 - 50 tấn rau các loại từ rau ăn lá, rau ăn củ, đến các loại rau gia vị. Trong số đó khoảng 70% sản lượng được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị và chợ đầu mối trên địa bàn thành phố Hà Nội, còn lại tiêu thụ tại các tỉnh lân cận.

Hiện nay, nguồn cung nông sản, thực phẩm của Hà Nội tương đối dồi dào.
Hiện nay, nguồn cung nông sản, thực phẩm của Hà Nội tương đối dồi dào.

Tương tự, ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) cho biết, với quy mô hơn 50 ha, hợp tác xã sản xuất rau ăn lá chiếm hơn 70%, hằng ngày cung cấp ra thị trường khoảng 5 tấn rau các loại. Do rau được trồng trong nhà màng, nhà lưới nên sản xuất vẫn ổn định, rau sinh trưởng, phát triển tốt nên nguồn cung rất dồi dào.

Không chỉ các loại rau, các loại thịt gia súc, gia cầm cũng đa dạng, theo ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai), với quy mô chăn nuôi 500 lợn nái và 5.000 lợn thịt, do chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nên lợn được kiểm soát tốt về dịch bệnh, trung bình mỗi ngày hợp tác xã xuất bán khoảng hơn 10 - 15 tấn thịt lợn.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội lợi thế của thành phố là nhiều hệ thống phân phối lớn và nhà cung cấp lớn của các tỉnh thành phố cung cấp hàng hóa về cho Hà Nội. Do đó, qua các hợp đồng, đơn hàng đặt từ trước, các chương trình, kế hoạch của doanh nghiệp cũng như chương trình bình ổn thị trường của thành phố, đến thời điểm này cả về nguồn cung và giá cả không có sự biến động, vẫn đảm bảo cung cấp bình thường cho người dân.

 
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 459 chợ, 28 Trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… sẵn sàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Thành phố cũng sẵn sàng kích hoạt gần 2.000 điểm bán hàng lưu động để các đơn vị phân phối và hộ kinh doanh trong chợ có thể bán hàng lưu động phục vụ nhân dân.