Hàng loạt mục tiêu lớn trong đề án cải cách toàn diện ngành công thương
Tinh gọn bộ máy, giảm bớt đơn vị trực thuộc, không can thiệp sâu vào doanh nghiệp, mở dịch vụ công trực tuyến
Bộ Công Thương vừa phát đi thông tin về đề án tái cơ cấu ngành công thương, nhằm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững, giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Giảm dần khai thác tài nguyên và lao động giản đơn
Theo đề án này, công nghiệp Việt Nam sẽ được cơ cấu lại cho hợp lý theo ngành, lãnh thổ, khai thác các lợi thế sẵn có và chủ động tạo ra lợi thế trong nước, tham gia mạng lưới sản xuất công nghiệp thế giới.
Các ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển là ngành sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, tạo thị trường cho công nghiệp hỗ trợ phát triển, sử dụng công nghệ cao, tạo nhiều việc làm đòi hỏi trình độ cao.
Bộ Công Thương cũng xác định giảm dần các lĩnh vực sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản và lao động giản đơn.
Để đạt được những mục tiêu trên, Bộ Công Thương đã đưa ra lộ trình cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ vào giúp đơn giản hoá thủ tục.
Cụ thể, Bộ sẽ cải cách quy định, thủ tục hành chính theo ba tiêu chí là đơn giản, minh bạch và hiện đại, để hướng tới các mục tiêu tiết kiệm chi phí, tạo sự công bằng và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Với tinh thần đó, các quy định pháp luật sẽ được xây dựng theo hướng tránh can thiệp sâu và không có căn cứ vào các hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp.
Thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã bãi bỏ một loạt các văn bản, điều kiện kinh doanh gây khó cho doanh nghiệp, như Thông tư 37, sửa đổi Thông tư 07, sửa Thông tư 20… cùng việc bãi bỏ 39 thủ tục hành chính.
Năm 2017, Bộ đặt mục tiêu bãi bỏ 15 thủ tục hành chính, đơn giản hoá 108 thủ tục trong tổng số 443 thủ tục thuộc phạm vi Bộ quản lý, tương ứng đơn giản hóa 27,8% tổng số thủ tục hành chính hiện có; triển khai dịch vụ công trực tuyến.
Bộ cũng cho biết sẽ chủ động đối thoại trực tiếp với người dân, doanh nghiệp để giải đáp kịp thời các quy định, đồng thời tiếp nhận và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tạo rào cản kinh doanh cho các doanh nghiệp trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Sắp xếp lại bộ máy
Đáng chú ý là đề án đã đề cập đến việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy Bộ Công Thương.
Hiện trong cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương đang có 35 đơn vị hành chính, sự nghiệp, trong đó có 19 vụ và tương đương, 1 tổng cục, 10 cục.
Song, Bộ Công Thương đã đưa ra dự thảo Nghị định 95 với mục tiêu sắp xếp, thu gọn được 5 đơn vị, tức còn 30 đơn vị so với 35 đơn vị hiện hành.
Hiện Bộ Công Thương cũng đang được giao quản lý 11 viện nghiên cứu, 35 trường đào tạo trực thuộc, không kể các đơn vị sự nghiệp trực thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước thuộc Bộ.
Tuy nhiên, sắp tới Bộ cũng sẽ có kế hoạch sắp xếp lại các đơn vị này.