21:49 25/11/2011

Hậu chất vấn, tản mạn về văn hóa nghị trường

Nguyên Thảo

Theo dõi phiên chất vấn tại Quốc hội sáng 25/11, người viết bài này muốn được gửi lời cảm ơn đến đại biểu Lê Bộ Lĩnh

Thủ tướng đã dành đến hai phần ba quỹ thời gian trả lời chất vấn trực tiếp để trả lời chất vấn đầu tiên. Đó là những giải pháp cụ thể mà Chính phủ sẽ thực hiện trong thời gian tới để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Thủ tướng đã dành đến hai phần ba quỹ thời gian trả lời chất vấn trực tiếp để trả lời chất vấn đầu tiên. Đó là những giải pháp cụ thể mà Chính phủ sẽ thực hiện trong thời gian tới để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Theo dõi phiên chất vấn tại Quốc hội sáng 25/11, người viết bài này muốn được gửi lời cảm ơn đến đại biểu Lê Bộ Lĩnh.

Vì câu hỏi của ông dành cho Thủ tướng đã đề cập đến vấn đề mà không ai có thể trả lời thấu đáo hơn người đứng đầu Chính phủ. Và cũng thật may mắn là ông đã bấm nút đầu tiên, bởi Thủ tướng chỉ có chừng hơn 20 phút để trả lời câu hỏi của 22 vị đại biểu.

Dù vậy, Thủ tướng đã dành đến hai phần ba quỹ thời gian trả lời chất vấn trực tiếp để trả lời chất vấn đầu tiên. Đó là những giải pháp cụ thể mà Chính phủ sẽ thực hiện trong thời gian tới để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Và đó là quan điểm và chủ trương của Chính phủ đối với việc người dân biểu thị lòng yêu nước của mình trước những hành động của các thế lực bên ngoài vi phạm chủ quyền biển đảo của chúng ta.

Đặt trong bối cảnh những thông tin trong quá trình giải quyết các vấn đề biển Đông không phải lúc nào cũng đáp ứng sự quan tâm của cử tri, câu hỏi thứ nhất còn nguyên tính thời sự.

Còn đặt trong dòng chảy sự kiện của kỳ họp này, khi tranh luận về dự án Luật Biểu tình (do chính Thủ tướng đề xuất) từ nghị trường đã tràn vào dư luận và dư âm còn đang rất mạnh mẽ thì vế thứ hai của chất vấn vẫn vô cùng cần thiết.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam có đủ căn cứ về pháp lý và lịch sử khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình.

Ông cũng nói, điều 69 Hiến pháp quy định công dân được quyền biểu tình theo pháp luật nhưng chúng ta chưa có Luật Biểu tình, như vậy chúng ta nên bắt tay nghiên cứu Luật Biểu tình, nói ngắn gọn là phải thực hiện Hiến pháp.

Ngay sau khi phần trả lời của Thủ tướng được đăng tải trên VnEconomy, bạn đọc Việt Hùng ở địa chỉ viethung@buffalotours...  gửi phản hồi: “Thủ tướng đã có bài phát biểu hay và đáp ứng mong mỏi của người dân về chủ quyền lãnh thổ cũng như về quyền được bày tỏ chính kiến (biểu tình) theo pháp luật của công dân”.

Bạn đọc Hùng gửi lời cảm ơn Thủ tướng, còn người viết bài này xin một lần nữa cảm ơn đại biểu Lĩnh, vì câu hỏi giản dị nhưng không đơn giản của ông.

Như vậy, không nhiều thời gian, không đề cập những vấn đề đang được coi là nóng bỏng của nền kinh tế cũng không tranh luận, sức hấp dẫn của chất vấn và trả lời chất vấn vẫn đến từ chính thông điệp rõ ràng và bản lĩnh nghị trường vẫn được thể hiện rõ.

Trong 10 phút khép lại hai ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, tại nghị trường đã có 175 lượt đại biểu Quốc hội trực tiếp đặt câu hỏi chất vấn các bộ trưởng, trong đó có 22 ý kiến đặt câu hỏi chất vấn Thủ tướng Chính phủ.

Không khí chất vấn và trả lời chất vấn rất thẳng thắn, tâm huyết, đầy trách nhiệm và rất nghiêm túc, Chủ tịch nhận xét.

Đến đây, ông cũng nhắc lại đề nghị mở đầu phiên chất vấn đầu tiên, là chất vấn những vấn đề nóng với tinh thần mát mẻ. Điều đó, theo ông thể hiện văn hóa nghị trường, cũng là vấn đề được khá nhiều bạn đọc bàn luận khi theo dõi các phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp.

Không ít bạn đọc tỏ thái độ không đồng tình chút nào với nhận xét của một vị đại biểu chỉ sau khi vị bộ trưởng đầu tiên mới trả lời được vài câu, “nếu cứ trả lời lòng vòng như thế thì ai cũng làm bộ trưởng được”?

Chia sẻ với báo chí, vị bộ trưởng nhận được nhận xét này nói rằng, “Bộ trưởng là do Quốc hội phê chuẩn chứ không phải ai cũng làm được bộ trưởng và cần phải nói đến văn hóa chất vấn”.

Bạn đọc Bách Khoa ở địa chỉ dangquangkhoaktv@yahoo... phản hồi trên VnEconomy, rằng bạn “quá thất vọng” với nhận xét này và đề xuất người điều hành các phiên chất vấn nên góp ý ngay với đại biểu.

Nhưng, dường như người điều hành cũng không quá quan tâm đến việc “chấm điểm” người hỏi và người trả lời. Ít phút phát biểu kết thúc, ông dành để “báo cáo rõ thêm một số vấn đề mà chúng ta đã thu được từ phiên chất vấn”.

Những vấn đề, những con số mà cử tri và đại biểu không chỉ ghi nhận mà còn cần góp sức, theo dõi và giám sát. Đó là quyết tâm của Chính phủ trong việc nghiên cứu để đề ra đề án tái cấu trúc đồng bộ nền kinh tế, là sự khẳng định nguyên tắc điều hành giá theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cụ thể hơn là từ nay cho tới năm 2013, 2014, 2015 giá điện, giá xăng dầu, giá than cung ứng cho điện và giá dịch vụ công chi tiêu sẽ được điều hành theo cơ chế thị trường.

Từ năm 2012 hàng năm giảm tai nạn giao thông từ 5 đến 10%. Ngay trong năm 2012 và những năm tiếp theo giảm mức độ ùn tắc ở hai thành phố lớn và những trục đường quan trọng về ùn tắc giao thông, nhất là những sự cố ùn tắc tới trên 30 phút.

Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc lại khẳng định của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về việc xây dựng đề án liên quan tới việc đổi mới toàn diện, căn bản theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, hội nhập quốc tế.

“Chúng tôi dự kiến Thường vụ Quốc hội sẽ dành thêm một phiên để thảo luận kỹ đề án này, trong phiên họp này sẽ mời các đại biểu Quốc hội chuyên trách, các đại biểu Quốc hội quan tâm tới vấn đề này cùng thảo luận đề án đó để có những giải pháp đồng bộ, toàn diện”, ông nói.

Như vậy đã có thể thấy, Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã không chất vấn chỉ để biết thông tin. Hậu giám sát, trong đó có hậu chất vấn, xưa nay vẫn được coi là một khâu chưa mạnh, từ phiên chất vấn này có thể mạnh hơn?