09:28 21/10/2021

Hỗ trợ chi phí để thu hút người lao động quay trở lại làm việc

Phúc Minh

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất hỗ trợ một phần trực tiếp bằng tiền mặt cho người lao động như: chi phí đi lại, thuê nhà, y tế... để thu hút nhân lực quay trở lại làm việc.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã tác động rất tiêu cực đến thị trường lao động.

NGUY CƠ THIẾU HỤT LAO ĐỘNG CỤC BỘ Ở MỘT SỐ VÙNG

Theo đó, số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua và có xu hướng chuyển dịch cơ cấu việc làm tiêu cực khi tăng việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và giảm việc làm trong khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Đã có sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh, với khoảng 1,3 triệu lao động dịch chuyển từ tháng 7 đến tháng 9.

Trong đó, khoảng 324.000 người trở về từ Hà Nội, 292.000 người về từ TP.HCM và 450.000 người trở về từ các tỉnh, thành khác phía Nam. Các tỉnh có đông lao động trở về là: An Giang 40.000 người, Sóc Trăng 33.000, Kiên Giang 32.000 người, Cà Mau gần 21.000 người, Hậu Giang 9.211 người...

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, quan hệ cung - cầu lao động bị mất cân đối cục bộ, nhất là những tỉnh thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, nơi đã và đang bị tác động rất lớn bởi đại dịch.

Các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố trọng điểm như: TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương có nhu cầu tuyển lao động lớn, trong khi một số tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh thì số lao động không có việc làm nhiều, khả năng tìm việc làm tại tỉnh gặp khó khăn khi cầu lao động không lớn.

Điều này dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lao động cục bộ ở một số vùng, một số ngành, lĩnh vực và là vấn đề lớn đặt ra cho các doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất. Theo đó, có khoảng 17,8% doanh nghiệp bị thiếu lao động, tập trung cao nhất ở Bình Dương (36,9%); Bình Phước (34,4%) và TP.HCM (31,8%). Xét theo nhóm ngành, điện tử thiếu hụt lao động cao nhất với 55,6%, tiếp theo là da giày 51,7%, may 49,2%, sản xuất thiết bị điện 44,5%, dệt 39,5%.

Mới đây, tại hội nghị triển khai Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động hôm 15/10, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh, nếu để  đứt gãy thị trường lao động thì sẽ tốn kém rất nhiều, thời gian khôi phục lại trạng thái bình thường cũng sẽ rất dài. Thực tế vừa qua, hầu hết các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn duy trì trả lương để giữ chân công nhân.

“Những nơi để đứt gãy nguồn cung lao động có thể là do doanh nghiệp né đóng bảo hiểm xã hội hoặc chưa có trách nhiệm với người lao động khi họ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cùng với những bức bối, áp lực trong thời gian dài phải giãn cách, sống khó khăn trong các khu trọ, nên nhiều người quyết định rời thành phố”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

HỖ TRỢ TRỰC TIẾP BẰNG TIỀN MẶT CHO LAO ĐỘNG

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, để phục hồi thị trường lao động trong thời gian tới, các địa phương cần chủ động nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, qua đó có những giải pháp kết nối, bảo đảm nguồn cung lao động phù hợp.

Đối với người lao động trên địa bàn, cần tổ chức nắm các thông tin cơ bản như: Công việc đang làm; số lao động đang thất nghiệp, lý do, thời gian thất nghiệp, công việc và nơi làm việc gần nhất trước khi thất nghiệp; nhu cầu của người lao động về đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lao động, tìm kiếm việc làm mong muốn… Ưu tiên tổ chức nắm bắt thông tin của người lao động trở về địa phương từ tháng 6/2021 trở lại đây.

Đối với người sử dụng lao động, tổ chức nắm thông tin về tình hình tuyển dụng và nhu cầu sử dụng lao động, với các thông tin cơ bản về quy mô hoạt động và nhu cầu về lao động theo từng quy mô, thời gian, khả năng thiếu hụt lao động và các chính sách của doanh nghiệp cho người lao động. Tập trung tổ chức nắm thông tin của những doanh nghiệp có quy mô lao động lớn từ 300 lao động trở lên.

Các địa phương cũng cần phối hợp với nhau trong việc cung ứng và tuyển dụng lao động để tạo sự kết nối, liên thông trong chuỗi cung ứng lao động giữa các địa phương; tạo điều kiện để người lao động quay trở lại làm việc.

Mặt khác, địa phương cần chủ động hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp để xây dựng mô hình sản xuất an toàn, phục hồi sản xuất kinh doanh: Hướng dẫn bảo đảm các tiêu chí an toàn, vệ sinh lao động, thực hiện các quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội; hướng dẫn vay tiền để trả lương; hỗ trợ vay vốn tạo việc làm mới cho tuyển và sử dụng lao động.

Bên cạnh đó, để người lao động yên tâm làm việc, cần có chính sách thu hút, hỗ trợ họ tham gia thị trường lao động, đặc biệt là lao động vào làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất như: hỗ trợ một phần trực tiếp bằng tiền mặt cho lao động chi phí đi lại, thuê nhà, y tế; các nhu yếu phẩm thiết yếu…

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, trong các ngành, lĩnh vực trọng yếu của địa phương để sẵn sàng về y tế cho người lao động khi tham gia thị trường lao động.

Đồng thời, các địa phương bố trí nguồn lực và chỉ đạo các tổ chức dịch vụ việc làm trên địa bàn tổ chức thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động, thông tin người tìm việc; tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, đặc biệt là các phiên giao dịch việc làm trực tuyến để hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động.

Ngoài các giải pháp trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng tính đến phương án huy động lực lượng lao động từ các trường nghề, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, kết nối, phát triển nguồn lao động từ bộ đội, công an xuất ngũ… Khi địa phương thiếu lực lượng lao động có thể huy động lực lượng sinh viên tham gia sản xuất với hình thức vừa học vừa làm, bảo đảm đúng các quy định về pháp luật việc làm.