09:41 16/04/2011

Hỗ trợ lao động về từ Libya: “Cần tính toán thêm”

Vũ Quỳnh

Hỗ trợ, giải quyết quyền lợi cho lao động từ Libya về nước vẫn phải tính toán thêm

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội
Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội
Sự cố khủng hoảng chính trị ở Libya khiến hơn 10.000 lao động Việt Nam phải về nước trước hạn. Tuy nhiên, đã hơn một tháng nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa thể đưa ra phương án chung hỗ trợ, giải quyết quyền lợi cho những đối tượng lao động này.

Trao đổi với báo chí  sáng 15/4, ông Nguyễn  Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định, hiện cơ quan quản lý vẫn chưa thống nhất và đưa ra được phương án cụ thể để hỗ trợ cho lao động từ Libya về nước.

Ông Hòa nói:

- Về vấn đề này, chúng ta cần nhìn dưới góc độ chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Sự cố này là bất khả kháng và Nhà nước cũng đã bỏ công sức, tiền của đưa người lao động về nước, lấy an toàn cho người lao động làm trọng.

Ngoài ra, nhà nước cũng đã kịp thời hỗ trợ mỗi lao động 1 triệu đồng và đang chỉ đạo, tạo điều kiện để tạo việc làm mới cho người lao động. Còn phương án thanh lý hợp đồng và hỗ trợ cụ thể như thế nào nữa thì chúng tôi cần phải tính toán thêm.

Vậy những phương án cụ thể nào đã được tính đến, thưa ông?

Chúng tôi đang giao cho Cục Quản lý lao động ngoài nước nghiên cứu đề xuất hỗ trợ các đối tượng đó. Việc lớn là tạo việc làm trong nước cho họ. Hiện nay Bộ đã chỉ đạo sở lao động - thương binh và xã hội các địa phương tổ chức tạo điều kiện việc làm cho người lao động.
 
Giải pháp nữa là tiếp tục đưa những lao động này sang làm việc ở một thị trường ngoài nước khác. Malaysia là một trong những thị trường được nhắm tới cho những lao động này.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đang xem xét hỗ trợ cho lao động có hoàn cảnh khó khăn, những lao động đi thời gian ngắn quá (sang làm việc dưới 6 tháng), chưa bù đắp được chi phí, khó có khả năng trả nợ. Tuy nhiên, hỗ trợ bao nhiêu thì các cơ quan vẫn còn phải ngồi lại bàn bạc với nhau.

Theo chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chậm nhất sau 2 tuần các doanh nghiệp sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng cho người lao động. Tuy nhiên hiện nay lao động thì “ngóng”, còn doanh nghiệp lại nói chưa có hướng dẫn cụ thể nên chưa thanh lý được. Nguyên nhân của sự chậm trễ này nằm ở đâu?

Không có quy định trong trường hợp này 2 tuần là phải thanh lý hợp đồng. Nhưng tinh thần chung là phải khẩn trương thanh lý. Thế nhưng, trong việc này doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn cả về thủ tục lẫn tài chính. Bản thân doanh nghiệp cũng muốn được hỗ trợ thiệt hại sau sự cố này. Mà hỗ trợ ấy tất nhiên sẽ nằm trong thanh lý, cho nên họ vẫn muốn chờ.

Trong khi đó, vấn đề này không phải chỉ  mình Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quyết định mà liên quan tới nhiều  bộ, ngành khác. Vì vậy, người lao động cũng phải bình tĩnh và tập trung chuẩn bị cuộc sống mới.

Đối với doanh nghiệp, Nhà nước có phương án hỗ trợ không thưa ông? Nhiều doanh nghiệp cho rằng, họ cũng có đóng Quỹ việc làm ngoài nước và  trong tình huống này, họ cũng phải nhận được hỗ trợ từ Quỹ?

Trong tất cả các quy định hiện có, chưa có quy định nào đưa ra giải pháp xử lý cụ thể trong những tình huống bất khả kháng. Thực tế, không ai lường trước được tình huống như thế này. Ngay cả những tổ chức bảo hiểm, họ có thể có chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm thất nghiệp nhưng không thể đưa ra loại hình bảo hiểm cho chiến tranh.

Vì thế, đối với doanh nghiệp, Nhà nước sẽ hỗ trợ gì và hỗ trợ như thế nào thì còn phải tính. Có thể là cho doanh nghiệp vay vốn để thanh lý hợp đồng với lãi suất ưu đãi, cũng có thể chỉ là khuyến khích,  tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục đưa lao động của mình sang thị trường khác…

Thực tế, nhiều lao động vẫn thích và có nguyện vọng tiếp tục đi  làm việc ở nước ngoài. Lý do là thu nhập của lao động đi xuất khẩu cao hơn so với làm việc ở một doanh nghiệp trong nước.