09:30 06/04/2011

Sốt ruột “ngóng” thanh lý hợp đồng cho lao động về từ Libya

Lý Hà

Bài toán thanh lý hợp đồng như thế nào để bảo đảm quyền lợi của người lao động về từ Libya vẫn chưa có lời giải.

Người lao động về từ Libya đang phải đối mặt với không ít khó khăn.
Người lao động về từ Libya đang phải đối mặt với không ít khó khăn.
Chuyến tàu biển cuối cùng chở lao động Việt Nam từ Libya đã về nước an toàn, song bài toán thanh lý hợp đồng như thế nào để bảo đảm quyền lợi của người lao động vẫn chưa có lời giải.

Theo ông Nguyễn Vạn Xuân, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Việt Thắng, mặc dù đã được các tổ chức quốc tế, đối tác và Nhà nước hỗ trợ giải cứu lao động về nước an toàn song với 1.644 lao động trở về từ Libya, đơn vị này cũng đã chi tới hơn 1 tỷ đồng khi đón lao động về nước. Tới thời điểm này, doanh nghiệp rất mong hướng dẫn chung của Cục quản lý lao động ngoài nước về phương án thanh lý hợp đồng.

Mới đây, một số lao động từ Libya trở về hơn 1 tháng trước đã tới trụ sở Công ty tại Hoàng Mai (Hà Nội) để hỏi về việc vì sao, họ vẫn chưa được thanh lý hợp đồng. Cho dù được giải thích rất rõ ràng là chưa có hướng dẫn của Cục Quản lý phương án than lý, thế nhưng những lao động này vẫn bức xúc.

Hầu hết lao động từ Libya về nước và doanh nghiệp đưa lao động sang đều đang trong tâm trạng chờ đợi. Thậm chí nhiều lao động không thỏa mãn với câu trả lời của doanh nghiệp, đã có những hành động quá khích. Mới đây tại trụ sở của Công ty Isalco và chi nhánh Công ty Nibelc Ninh Bình tại Hà Nội, lao động đã tập trung đòi giải quyết sớm quyền lợi và đã đập phá cửa kính của công ty.

Mối lo lắng nhất của doanh nghiệp là nếu việc giải quyết hỗ trợ cho lao động không làm nhanh thì sẽ chuyển từ trạng thái tích cực sang tiêu cực khi người lao động đợi lâu bức xúc.

Trong lúc phương án thanh lý hợp đồng vẫn chưa được đưa ra thì mới đây Cục Quản lý lao động ngoài nước đã tổ chức một cuộc họp với 9 doanh nghiệp xây dựng trong nước để cơ quan quản lý giới thiệu nguồn lao động này với các doanh nghiệp đã đưa ra phương án hỗ trợ việc làm cho người lao động.

Tại đây, nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lao động của các doanh nghiệp rất lớn. Tuy nhiên, gần hai tuần trôi qua, họ bắt đầu thấy nản với công tác tuyển dụng này.

Theo lời một doanh nghiệp tuyển dụng, do lao động từ Libya trở về nằm rải rác ở 49 tỉnh thành trên cả nước trong khi các doanh nghiệp tuyển dụng chủ yếu ở Hà Nội, việc tuyển dụng không hề đơn giản bởi thủ tục quá phức tạp, chưa kể các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong nước, không nhiệt tình hợp tác với họ trong việc này.

Đến thời điểm này, một số doanh nghiệp đã tích cực gửi thông báo về doanh nghiệp xuất khẩu lao động, thông báo gửi về tận các xã ở các tỉnh có nhiều lao động trở về từ Libya, nhưng số lượng lao động chấp nhận đi làm còn rất ít.

Ông Phạm Mạnh Bình, Trưởng phòng Hành chính Công ty cổ phần xây dựng Toàn Phát cho biết, Công ty mới tuyển được 10 lao động có tay nghề xây dựng trở về từ Libya làm việc tại công trình xây dựng nhà máy thủy điện ở Sơn La và Hà Giang với mức lương từ 4 đến 5,5 triệu đồng/tháng.

“Đây là mức lương khá cao so với mặt bằng lương xây dựng trong nước. Tuy nhiên lượng lao động đăng ký rất ít”, ông Bình nói. Theo ông Bình, Công ty Toàn Phát cần 500 lao động có nghề xây dựng và 300 lao động phổ thông phục vụ các công trình thủy điện ở Sơn La, Hà Giang và hạ tầng giao thông ở khu đô thị tại Hòa Bình. Hiện tại công ty đã gửi thông báo về các xã của hai tỉnh Nghệ An và Hà Giang để tuyển lao động từ Libya về, nhưng có ít người đăng ký.

Trong khi doanh nghiệp trong nước ngóng trông nguồn tuyển từ lao động Libya trở về thì chính người lao động lại khá thờ ơ. Anh Nguyễn Minh Tiến, quê Vĩnh Phúc, một trong những lao động từ Libya trở về bằng đường không hơn một tháng nay cho biết, đang đợi hoàn tất thanh lý hợp đồng với công ty xuất khẩu lao động rồi mới tính chuyện đi làm trở lại.

Như vậy tới thời điểm này, cả lao động và doanh nghiệp đều đang chờ đợi việc hướng dẫn thanh lý hợp đồng. Đây là vấn đề mà ngành lao động cần phải giải quyết sớm nhất. Bởi có như vậy doanh nghiệp xuất khẩu lao động và người lao động mới an tâm và các giải pháp hỗ trợ khác cho người lao động như việc làm trong nước hay tiếp tục ra nước ngoài mới thực sự được xúc tiến và thành hiện thực.