16:03 13/08/2021

Học trực tuyến, 4 quy tắc “vàng” để cải thiện chất lượng

Hoàng An

Trải nghiệm sinh viên trên môi trường trực tuyến không chỉ xoay quanh việc học. Các dịch vụ hỗ trợ như tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ kỹ năng học tập, thư viện, chăm sóc sức khỏe… cũng cần được đưa lên thế giới ảo…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nếu như việc chuyển sang học trực tuyến giữa đại dịch đã dẫn đến câu hỏi làm thế nào để bảo đảm chất lượng một cách nhanh chóng, thì giờ đây các cuộc thảo luận xoáy sâu hơn vào cách xác định nhu cầu thực sự của người học và dùng phản hồi của họ để cải thiện chất lượng.

Xu hướng trên đã được gần 800 chuyên gia, cán bộ quản lý và giảng viên thảo luận tại tọa đàm Bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến giáo dục đại học tại Việt Nam diễn ra mới đây. Dựa trên trải nghiệm của các trường đại học và cơ quan quản lý giáo dục đại học ở Úc và Việt Nam, các chuyên gia đã chia sẻ một số bài học rút ra từ việc triển khai giáo dục trực tuyến, cũng như giáo dục kết hợp trực tuyến và trực tiếp trong thời gian vừa qua.

LẤY NGƯỜI HỌC LÀM TRUNG TÂM

Đại diện Đại học RMIT, Đại học Deakin và Cơ quan Quản lý chất lượng và Tiêu chuẩn giáo dục đại học Úc (TEQSA) đều nhấn mạnh rằng trải nghiệm sinh viên trên môi trường trực tuyến không chỉ xoay quanh việc học. Trên tinh thần đó, giáo dục chất lượng cao phải đem đến trải nghiệm toàn diện cho sinh viên bất kể hình thức dạy và học là gì.

Giáo dục trực tuyến cũng thôi thúc giới học thuật suy nghĩ sáng tạo hơn về cách kiểm tra, đánh giá. Cách đánh giá năng lực từ bài tập, tình huống thực tế (thay vì các kỳ thi truyền thống) đã được áp dụng bởi nhiều trường đại học Úc.

Giáo sư Shona Leitch, lãnh đạo cấp cao phụ trách giáo dục của Đại học RMIT, nhận định: “Chúng ta cần lấy người học làm trung tâm khi cân nhắc mọi vấn đề, từ việc thiết kế nội dung môn học và môi trường học tập trực tuyến, đến cách đề ra kết quả học tập mong muốn, cũng như quá trình giảng dạy và công tác kiểm tra, đánh giá thực tế”.

XÂY DỰNG CƠ CHẾ HỖ TRỢ ONLINE, THƯ VIỆN "ẢO"

Theo các chuyên gia, các cơ chế hỗ trợ người học cũng cần có trên nền tảng ảo. Đơn cử như tại Đại học RMIT, các dịch vụ sinh viên như thư viện, thể thao và giải trí, tư vấn sinh viên, hỗ trợ kỹ năng học tập, chăm sóc sức khỏe và tâm lý, hay tư vấn hướng nghiệp hiện đều có phiên bản trực tuyến. Một số dịch vụ thậm chí còn có thể tiếp cận 24/7.

“Nhà trường cũng khảo sát sinh viên xuyên suốt học kỳ và kiểm tra chất lượng mọi môn học. Từ đó, chúng tôi có thể hiệu chỉnh theo kỳ vọng của sinh viên, đồng thời đảm bảo rằng cán bộ giảng viên có đủ năng lực và hỗ trợ cần thiết để liên tục nâng cao chất lượng”, Giáo sư Leitch cho biết.

Theo chuyên gia bảo đảm chất lượng Tiến sĩ Nguyễn Hữu Cương, giáo dục trực tuyến cũng cần có tài liệu trực tuyến riêng để phục vụ công tác giảng dạy. “Đây là thách thức đối với nhiều cơ sở giáo dục Việt Nam, nhưng nếu muốn tiến xa họ sẽ cần nâng cấp thư viện số để cả giảng viên và sinh viên đều có thể truy cập các nguồn tài liệu trực tuyến chất lượng cao”, Tiến sĩ Cương nhận định.

TRANG BỊ NĂNG LỰC DẠY VÀ HỌC TRỰC TUYẾN

Các chuyên gia nhất trí rằng không nên coi giáo dục trực tuyến là lựa chọn thứ cấp mà là yêu cầu thiết yếu hiện nay, và là yếu tố tồn tại bền vững trong giáo dục hiện đại tương lai. Tư duy như vậy sẽ giúp định hướng cho các kế hoạch hành động nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến.

Theo chuyên gia bảo đảm chất lượng Tiến sĩ Nguyễn Hữu Cương, các cơ sở giáo dục cần ưu tiên trang bị năng lực giảng dạy trực tuyến cho người dạy và kỹ năng học tập trực tuyến cho người học.

Giáo dục trực tuyến cũng thôi thúc giới học thuật suy nghĩ sáng tạo hơn về cách kiểm tra, đánh giá. Cách đánh giá năng lực từ bài tập, tình huống thực tế (thay vì các kỳ thi truyền thống) đã được áp dụng bởi nhiều trường đại học Úc...

XÂY DỰNG KHUNG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG HỌC TRỰC TUYẾN

Với mục tiêu hỗ trợ giáo dục trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các Đề án phát triển đào tạo từ xa; Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Quy chế đào tạo từ xa, Quy định đào tạo ứng với các trình độ Đại học và Tiến sĩ (cho phép đào tạo trực tuyến 30%), tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa, các đề án nghiên cứu khoa học, và các chỉ thị triển khai.

Theo Phó Giáo sư Phạm Văn Tuấn đến từ Đại học Đà Nẵng, những thành tố làm nên chất lượng trong học tập trực tuyến bao gồm chiến lược đào tạo trực tuyến của cơ sở giáo dục, phương pháp giảng dạy và học tập, kỹ thuật kiểm tra đánh giá người học phù hợp với đào tạo trực tuyến; cách phát triển nội dung học tập, chương trình bồi dưỡng phương pháp dạy học trực tuyến cho cán bộ giảng viên, phát triển kỹ năng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ hỗ trợ công nghệ...

“Các cơ sở giáo dục cần xây dựng khung bảo đảm chất lượng học tập trực tuyến bao quát đầy đủ những yếu tố chất lượng đã được xác định, đồng thời đáp ứng các quy định của Nhà nước về giáo dục trực tuyến”, ông Tuấn nhấn mạnh.