09:08 11/06/2007

Hội nghị G8 còn gác lại nhiều bất đồng

Trung Việt

Hội nghị Thượng đỉnh G8 đã bế mạc với hai thỏa thuận lớn nhưng vẫn còn không ít những bất đồng còn chưa được giải quyết

Một trong hai thỏa thuận lớn nhất đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh G8 lần này là về vấn đề chống thay đổi khí hậu.
Một trong hai thỏa thuận lớn nhất đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh G8 lần này là về vấn đề chống thay đổi khí hậu.
Hội nghị Thượng đỉnh Các nước công nghiệp phát triển (G8) họp tại Đức vừa kết thúc với cam kết tăng viện trợ cho châu Phi lên 60 tỷ USD; thỏa thuận về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Tuy nhiên, các nước G8 vẫn còn nhiều bất đồng về các vấn đề: mục tiêu giảm lượng khí thải; việc Mỹ xây dựng lá chắn phòng phủ tên lửa tại Cộng hòa Czech và Ba Lan; quy chế tương lai của Kosovo...

Ngay trước ngày khai mạc Hội nghị, giới phân tích đã cảnh báo về những bất đồng của G8, trong bối cảnh quan hệ căng thẳng bất thường giữa Nga - Mỹ và Nga – EU; trước thềm hội nghị đã có nhiều cuộc biểu tình lớn phản đối toàn cầu hóa.

Hai thoả thuận làm nên thành công của hội nghị

Trong phiên họp cuối cùng của Hội nghị, hôm 8/6, với sự tham dự của lãnh đạo các nước châu Phi trong đó có Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki, lãnh đạo 8 quốc gia công nghiệp hàng đầu trên thế giới đã cam kết cung cấp 60 tỷ USD giúp các nước châu Phi đấu tranh chống các loại bệnh tật như HIV/ AIDS, sốt rét và lao. Các quan chức tham dự hội nghị cho biết khoảng một nửa số tiền này sẽ do Mỹ cung cấp. Cũng trong ngày cuối cùng của hội nghị, các vị nguyên thủ G8 tuyên bố sẽ thực hiện những lời hứa viện trợ cho các nước nghèo được đưa ra trong hội nghị cấp cao năm 2005. Thủ tướng Đức cam kết là khối G-8 sẽ làm tròn trách vụ của mình.

Nhưng những người vận động cho việc xoá đói nghèo ở châu Phi nói rằng họ cảm thấy thất vọng về hội nghị G8 lần này. Tổ chức Oxfam nói, khoản tiền cam kết viện trợ thực ra chỉ tăng 3 tỷ USD. Theo báo Pháp La Tribune, các nước G8 đã không giữ lời hứa. Hội nghị G8 năm 2005 cam kết từ đó đến năm 2010, mỗi năm sẽ viện trợ 50 tỷ USD cho các nước nghèo châu Phi. Nhưng rồi họ chỉ viện trợ 35,8 tỷ USD năm 2005, và 35,1 tỷ USD năm 2006.

Hội nghị G8 năm nay đạt được thỏa thuận về một vấn đề lớn đang được cộng đồng quốc tế quan tâm là sự nóng lên của khí hậu trái đất. Đây là chủ đề gai góc nhất vì các nước dự hội nghị đã bày tỏ quan điểm rất khác nhau.

Bà Thủ tướng Đức Angela Merkel, đương kim Chủ tịch luân phiên EU, chủ trì hội nghị, đã thực hiện được bước đột phá trong một thỏa thuận giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính 50% vào năm 2050 so với năm 1990. G8 sẽ đàm phán trong khuôn khổ của LHQ nhằm tìm cách thay thế cho Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực vào cuối năm 2009. Các lãnh đạo G8 nhất trí rằng, các nước đang phát triển cũng cần phải cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Thông báo về thỏa thuận thay đổi khí hậu, bà Merkel đã gọi thỏa thuận là một việc “có ý nghĩa và quan trọng để bước về phía trước”. Bà nói: “Chúng tôi đã nhất trí rằng, lượng khí thải CO2 trước tiên phải được ngăn chặn, sau đó đến việc cắt giảm”.

Những vấn đề còn bỏ lửng

Tuy nhiên, mục tiêu cắt giảm 50% khí thải chưa được sự đồng ý của tất cả các nước G8. Mức giảm 50% lượng khí thải vào năm 2050 của bà Merkel đã được các thành viên EU, Canada và Nhật Bản ủng hộ - sẽ được xem xét nghiêm túc. Sáu trong số tám nước tham dự khối G8 đồng ý với mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2050. Hai nước Nga và Mỹ muốn có thêm thời gian để xem xét vấn đề này. Mỹ, nước tạo lượng khí thải lớn nhất thế giới, một mực đòi Trung Quốc và Ấn Độ cũng phải tham gia thỏa thuận này. G8 cũng chưa nhất trí đưa ra mục tiêu cắt giảm khí thải mang tính bắt buộc. Vì thế nhiều ý kiến cho rằng thoả thuận này chỉ mang tính hình thức, mà còn thiếu các chế tài cụ thể.

Một vấn đề căng thẳng chưa thể giải quyết tại Hội nghị G8 lần này là mâu thuẫn Nga - Mỹ xung quanh kế hoạch của Washington xây dựng lá chắn phòng phủ tên lửa tại Cộng hòa Czech và Ba Lan đe dọa an ninh Nga.

Bế mạc hội nghị, các vị nguyên thủ G8 còn ra tuyên bố về một số vấn đề khác, bao gồm: ủng hộ các biện pháp bổ sung trừng phạt Iran nếu nước này không chịu ngừng chương trình làm giàu uranium. Ủng hộ các hành động bổ sung trừng phạt Sudan nếu nước này không ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm chấm dứt xung đột ở Darfur. Khuyến cáo Triều Tiên nên ngừng thử các loại tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và từ bỏ mọi chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, các nước G8 đã không tìm được lập trường chung về quy chế tương lai của Kosovo.