Hơn 353 nghìn tỷ đồng dư nợ đã được cơ cấu lại
Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán
Đây là số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố tại hội nghị về công tác tín dụng và triển khai thông tư 03.
Cụ thể, các tổ chức tín dụng đã quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tính đến cuối tháng 3/2021 đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 263 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ hơn 353 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cũng miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn hơn 660 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1,27 triệu tỷ đồng. Đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 3 triệu tỷ đồng cho trên 452 nghìn khách hàng.
Đối với chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, đến 31/1/2021 (thời điểm dừng giải ngân theo quy định), Ngân hàng Nhà nước đã giải ngân cho Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng số tiền 42,9 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách Xã hội đã cho vay trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố với dư nợ 41,82 tỷ đồng đối với 245 người sử dụng lao động trên 11.276 người lao động ngừng việc. Hiện dư nợ của chương trình tại Ngân hàng Chính sách Xã hội đến nay là 39,66 tỷ đồng.
Theo đó, đến 31/3/2021, tín dụng nền kinh tế đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng, tăng 2,93% so với cuối năm 2020.
Về kế hoạch sắp tới, để góp phần đạt được mức tăng trưởng GDP năm 2021 là 6% theo mục tiêu Quốc hội giao và mức Chính phủ phấn đấu là 6,5%, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để điều hành tín dụng phù hợp theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.
Đồng thời, kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán. Tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng để kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng
Tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về tín dụng ngành, lĩnh vực, hoạt động mua bán nợ của tổ chức tín dụng, hoạt động bảo lãnh,... phù hợp với thực tế.
Bên cạnh đó, tích cực triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các ngành, lĩnh vực. Kịp thời phối hợp các Bộ, ngành liên quan xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện;
Đặc biệt, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để phục hồi sản xuất kinh doanh. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen. Tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp…