18:50 13/12/2012

IMF, WB sắp có phân tích đầu tiên về hệ thống tài chính Việt Nam

An Huy

Giám đốc WB tại Việt Nam cho biết, WB sẽ khuyến khích công bố phân tích này

Trụ sở Ngân hàng Thế giới tại Washington (Mỹ).<br>
Trụ sở Ngân hàng Thế giới tại Washington (Mỹ).<br>
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) dự kiến sẽ hoàn thành phân tích đầu tiên của hai định chế này về hệ thống tài chính Việt Nam vào năm sau. Phân tích này được nhận định sẽ giúp Chính phủ Việt Nam tăng cường các nỗ lực cải thiện “sức khỏe” ngành ngân hàng cũng như niềm tin của các nhà đầu tư.

Theo tin từ Bloomberg, chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) của IMF và WB đánh giá mức độ ổn định của hệ thống tài chính một quốc gia và chỉ ra những điểm yếu có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng. Chương trình này được thực hiện thông qua các biện pháp như các bài kiểm tra về năng lực tài chính (stress test). Bên cạnh đó, chương trình còn rà soát hệ thống pháp lý và cơ cấu tài chính, cũng như hệ thống thanh toán của quốc gia được đánh giá.

Thời gian qua, vấn đề sức khỏe hệ thống ngân hàng của Việt Nam đã trở thành mối quan tâm không chỉ của dư luận trong nước và quốc tế. Theo nhận định của WB cách đây ít hôm được Bloomberg trích dẫn, chất lượng tài sản đi xuống, cùng với sự trì hoãn trong thực thi các biện pháp tái cơ cấu đang đặt ra những rủi ro đối với ngành ngân hàng của Việt Nam.

“Nhiều cá nhân và tổ chức, bao gồm các định chế tài chính quốc tế khác, đã đề nghị cung cấp thêm thông tin đầy đủ về các ngân hàng và doanh nghiệp quốc doanh của Việt Nam. Quyết định của Chính phủ Việt Nam tham gia vào chương trình này đã khuyến khích chúng tôi rất nhiều”, ông Sanjay Kalra, trưởng đại diện IMF tại Việt Nam, phát biểu khi trả lời phỏng vấn Bloomberg.

Việt Nam đã xác định việc tái cơ cấu các doanh nghiệp quốc doanh là một trong ba lĩnh vực trọng tâm trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, WB đánh giá rằng, đến nay, công việc này mới chỉ được được “tiến triển hạn chế”, và  sự kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước là “một chương ngại vật đối với tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn”.

“Các doanh nghiệp quốc doanh là khách vay lớn của các ngân hàng, và chúng tôi vẫn chưa có được những thông tin đầy đủ về những khách hàng này”, ông Kalra nói. Theo vị trưởng đại diện IMF, vệc đánh giá sẽ mở đường cho “những cải cách cụ thể có thể tạo ra một hệ thống tài chính lành mạnh”.

Ông Karla cho biết, một đoàn công tác của IMF và WB đã đến Việt Nam trong quý 4 này và dự kiến sẽ có một đoàn tiếp theo đến vào tháng 1 năm sau. Việc đánh giá theo dự kiến sẽ hoàn thành trong nửa đầu năm 2013, và quyết định có công bố báo cáo đánh giá hay không là của Chính phủ Việt Nam.

Giám đốc WB tại Việt Nam cho biết, WB sẽ khuyến khích công bố phân tích này. “Việc đi theo hướng minh bạch sẽ loại bỏ nhiều dấu hỏi về Việt Nam”, bà Kwakwa nói.