Indonesia tăng lãi suất lần thứ hai trong 2 tuần để cứu tỷ giá
Nỗ lực mới nhất của các nước mới nổi nhằm ứng phó với ảnh hưởng của đồng USD tăng giá mạnh
Ngân hàng Trung ương Indonesia (Indonesia Bank) ngày 30/5 đã nâng lãi suất lần thứ hai chỉ trong vòng 2 tuần nhằm vực dậy tỷ giá đồng nội tệ Rupiah. Động thái này đánh dấu nỗ lực mới nhất của các nhà hoạch định chính sách tại các thị trường mới nổi ứng phó với ảnh hưởng của đồng USD tăng giá mạnh thời gian gần đây.
Tờ Wall Street Journal cho biết, lãi suất cơ bản đồng Rupiah được nâng 0,25 điểm phần trăm, lên mức 4,75% từ 4,5% trước đó. Đợt tăng lãi suất này không nằm ngoài dự báo của giới quan sát. Trước đó, Bank Indonesia đã nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào hôm 17/5.
"Đây là một bước đi mang tính phòng ngừa", lường trước việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất và ứng phó với "những rủi ro trên thị trường tài chính toàn cầu", Thống đốc Bank Indonesia, ông Perry Warjiyo, tuyên bố.
Vị Thống đốc cũng để ngỏ khả năng có thêm những đợt tăng lãi suất "chừng mực" trong thời gian tới nếu cần thiết.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, tỷ giá đồng Rupiah so với USD tăng 0,1%. Tuần trước, đồng tiền này sụt xuống mức thấp nhất 31 tháng so với USD, mà nguyên nhân là sự tăng giá trên diện rộng của đồng bạc xanh.
Từ đầu năm đến nay, Rupiah đã mất giá 3% so với USD, bất chấp Bank Indonesia đã bơm hàng tỷ USD vào thị trường để hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ. Theo dữ liệu của Thomson Reuters, trong tuần trước, đồng Rupiah mất giá tới 4,5%.
Trong vòng 1 tháng qua, ngân hàng trung ương các nền kinh tế mới nổi đã có hàng loạt động thái nhằm cứu tỷ giá đồng nội tệ khỏi giảm sâu trước một đồng USD đang liên tục tăng giá.
Argentina đã tăng lãi suất chủ chốt lên 40% sau một loạt đợt tăng liên tiếp từ cuối tháng 4. Nước này cũng đã phải xin Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cấp hạn ngạch tính dụng sau khi đã "đốt" hàng tỷ USD trong dự trữ ngoại hối để cứu tỷ giá.
Trong một cuộc họp khẩn cấp vào tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ nâng lãi suất thêm 3 điểm phần trăm, đồng thời quyết định đơn giản hóa chính sách tiền tệ để hỗ trợ tỷ giá đồng Lira.
Philippines thì đã nâng lãi suất hồi đầu tháng 5. Các chuyên gia kinh tế tin rằng Ấn Độ sẽ sớm hành động tương tự để kiềm chế lạm phát.
Đây là một sự thay đổi lớn đối với nhiều ngân hàng trung ương ở châu Á, bởi cho tới gần đây nhiều ngân hàng trung ương tại khu vực này vẫn thoải mái với việc giữ chính sách tiền tệ "án binh bất động" trong môi trường đồng USD yếu.
Những dấu hiệu về đà tăng trưởng kinh tế chậm lại tại các quốc gia và khu vực ngoài Mỹ, đặc biệt là ở Eurozone, đã thúc đồng USD tăng giá mạnh kể từ cuối tháng 4. Đồng USD mạnh lên đặt ra thách thức lớn cho các quốc gia có những khoản nợ lớn bằng USD, đồng thời hạn chế khả năng sinh lời khi các nhà đầu tư mua trái phiếu đồng nội tệ của các quốc gia mới nổi.
Thực tế này đặt các quốc gia có mức nợ nước ngoài cao vào tình thế dễ tổn thương trước những thay đổi đột ngột về tâm lý của giới đầu tư. Khối ngoại nắm 38,4% dư nợ trái phiếu chính phủ Indonesia vào thời điểm cuối tháng 4, một tỷ lệ được cho là cao - theo đánh giá của ANZ.
Cũng theo dữ liệu của ANZ, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 4,5 tỷ USD cổ phiếu và trái phiếu Indonesia trong thời gian từ tháng 2-4 năm nay.
Chỉ số chính của thị trường chứng khoán Indonesia đã giảm 4,4% trong năm nay, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của nước này đã tăng lên mức 7,168% từ mức 6,307% vào cuối tháng 12 năm ngoái.
Theo một số dự báo, Bank Indonesia sẽ không thay đổi lãi suất trong thời gian còn lại của năm nay, bởi nền kinh tế nước này giờ đã vững vàng hơn so với năm 2013 - thời điểm mà kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thay đổi chính sách đã châm ngòi cho một đợt thoái vốn ồ ạt khỏi các thị trường mới nổi.
Tuy vậy, Indonesia ở trong tình trạng "thâm hụt kép": thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này trong quý 1/2018 tương đương khoảng 2,1% tổng sản phẩm trong nước (GDP), còn thâm hụt ngân sách cùng kỳ vào khoảng 0,4% GDP.
Theo ông Prinyanka Kishore, trưởng bộ phận Ấn Độ và Đông Nam Á thuộc công ty nghiên cứu Oxford Economics tại Singapore, nếu các thị trường mới nổi chịu sức ép, thì những quốc gia có thâm hụt kép như vậy sẽ khó tránh khỏi tác động tiêu cực.