17:11 20/12/2021

Khai mở thị trường thực phẩm khổng lồ của người Hồi giáo: Cách nào?

Chu Khôi

Thị trường thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo trên thế giới được đánh giá lên tới 1.500 tỷ USD. Đây cũng được nhận định là thị trường khá “màu mỡ” cho nông sản Việt Nam. Thế nhưng, năng lực xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam còn khá khiêm tốn, mới chỉ đạt 10,5 tỷ USD…

Hội nghị trực tuyến về thị trường thực phẩm Halal ngày 20/12.
Hội nghị trực tuyến về thị trường thực phẩm Halal ngày 20/12.

Tại Hội nghị “Thị trường thực phẩm Halal khu vực Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương: Tiềm năng và cơ hội”, do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng chủ trì ngày 20/12/2021 , các chuyên gia và nhà quản lý có cùng nhận định, các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc khai thác thị trường thực phẩm Halal.

THỊ TRƯỜNG LỚN, NHƯNG MỚI BẮT ĐẦU KHAI PHÁ

“Thực phẩm Halal” là thức ăn và đồ uống “được phép” theo Luật hồi giáo. Các sản phẩm được dán tem Halal là lựa chọn bắt buộc đối với người Hồi giáo, vì thế các sản phẩm nhập khẩu vào các quốc gia hồi giáo chỉ được lựa chọn khi sản phẩm đó có dấu Halal trên bao bì sản phẩm.

Chứng nhận Halal là một loại chứng chỉ xác nhận rằng sản phẩm nào đó đạt yêu cầu về các thành phần và điều kiện sản xuất đáp ứng yêu cầu của Kinh Qua'ran, luật Shariah và tiêu chuẩn Halal.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhận định, Khu vực Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương là thị trường xuất khẩu tiềm năng đối với sản phẩm Halal, với số dân theo đạo Hồi và sử dụng thực phẩm Halal khoảng 860 triệu người (chiếm 66% tổng số người Hồi giáo trên thế giới). Đây là địa bàn tiêu thụ thực phẩm Halal lớn nhất thế giới với khoảng 470 tỷ USD, trong đó Đông Nam Á là 230 tỷ USD, Nam Á – Nam Thái Bình Dương là 238 tỷ USD.

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, thuỷ sản lớn trên thế giới, nằm ở vị trí địa lý gần những thị trường Halal lớn. Tuy nhiên, thực tế xuất nhập khẩu thực phẩm của các doanh nghiệp ta vào thị trường Halal mới chỉ là bước đầu khai phá.

Mỗi năm, nước ta có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm. Năng lực xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam còn khá khiêm tốn, mới chỉ đạt 10,5 tỷ USD.

 
Ngoài khó khăn về chứng nhận Halal, nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn chưa hiểu rõ khái niệm Halal, thiếu thông tin về thị trường, văn hoá, quy định thương mại, tập quán kinh doanh, tiêu dùng để tham gia sâu vào thị trường Halal, nhất là tại các nước hồi giáo.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết năng lực sản xuất nông lâm thủy sản hàng năm của Việt Nam đạt 140 triệu tấn. Trong đó, sản phẩm trồng trọt 80 triệu tấn, thịt và sữa 6,5 triệu tấn; trứng 16 tỷ quả, thủy sản 8,6 triệu tấn…

Xuất khẩu hàng nông sản trong những năm qua liên tục tăng, đạt kỷ lục 47 tỷ USD năm 2021. Trong đó các mặt hàng nông sản chính chiếm trên 50% kim ngạch xuất khẩu: gạo, rau quả, cà phê, tiêu, điều chè, quế, hồi được đánh giá rất phù hợp với thị trường Halal.

Việt Nam đứng thứ 15 thế giới, thứ hai Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản. Hội nghị hôm nay không chỉ đơn thuần là kết nối thị trường mà kết nối mật thiết những nền văn hóa, đưa thị trường đến gần nhau, kinh doanh không chỉ ở sản phẩm hữu hình mà còn truyền tải bao giá trị vô hình, cảm xúc và văn hóa, niềm tin và đức tin. Tiếp cận thị trường Halai cần đến sự tôn trọng thấu hiểu những giá trị văn hóa tôn giáo tín ngưỡng.

“Cần phải hiểu rằng, mỗi sản phẩm của nền nông nghiệp Việt Nam phải được xem là chiếc cầu nối sự thông hiểu và sự tôn trọng, gắn kết những người sản xuất và kinh doanh ở Việt Nam với những người bạn và đối tác ở thị trường hồi giáo. Đồng thời mở ra giá trị mới, định hướng mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam sản xuất kinh doanh nông sản tử tế và trao đi sức khỏe, nhận lại niềm tin là biểu hiện của sự tôn trọng giá trị riêng của nhau”, Thứ trưởng Tiến nói.

CẦN BỘ TIÊU CHUẨN CHỨNG NHẬN HALAL CHUNG

Đại diện Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) cho biết dân số hồi giáo toàn cầu đã vượt quá 1,6 tỷ người và dự tính sẽ đạt 2,2 tỷ người vào năm 2030.

Nhu cầu các sản phẩm Halal tăng mạnh không chỉ do sự gia tăng về số lượng người Hồi giáo mà còn do xu hướng tiêu dùng mới. Có nhiều người không theo đạo Hồi có xu hướng tăng chi tiêu và sử dụng thực phẩm Halal, do các sản phẩm Halal đáp ứng các tiêu chí về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Đồng thời sản phẩm Halal dự kiến sẽ mở rộng không chỉ đối với thực phẩm thuần túy mà cả dược, mỹ phẩm; và có ảnh hưởng ngày càng lớn tới sự phát triển của ngành dịch vụ du lịch, tài chính, tiếp thị…

 
"Quy mô thị trường thực phẩm Halal thế giới tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 1.400 tỷ USD năm 2020 và dự báo sẽ lên mức 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050".
Đại diện Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO).

Ngành thực phẩm Halal không chỉ liên quan đến quá trình sản xuất mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như nguyên liệu, phân bón, chế biến, cung cấp dịch vụ hậu cần (bảo quản, đóng gói, chuyên chở,...) do thực phẩm Halal không chỉ là sản phẩm là một quy trình từ nguyên liệu thô cho đến quá trình chăn nuôi, chăm sóc, giết mổ, bảo quản, đóng gói, vận chuyển và phân phối đến người tiêu dùng…

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia và nhà quản lý cho rằng, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc khai thác thị trường thực phẩm Halal. Nguyên nhân do khác biệt về văn hóa kinh doanh, thị hiếu tiêu dùng và đặc biệt là giấy chứng nhận Halal. Tiêu chuẩn Halal có xu hướng ngày càng khắt khe hơn, sự đa dạng và phức tạp trong quy định về thẩm tra, cấp chứng nhận Halal của mỗi nước cũng khiến nhiều doanh nghiệp ngần ngại.

Hơn nữa, hiện đang tồn tại rất nhiều hệ thống Halal và nhiều tiêu chuẩn khác nhau cho từng sản phẩm. Chúng ta cũng chưa có sự hợp tác, liên kết quốc tế hiệu quả để chuyển giao công nghệ, huy động vốn và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành thực phẩm Halal.

Để có thể tiếp cận và khai thác thị trường Halal khổng lồ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, bên cạnh việc tập trung vào đối thoại chính sách, hướng dẫn quá trình sản xuất, chế biến, thị trường và chứng nhận Halal cho hàng nông lâm thủy sản, cần đưa ra những ý kiến trao đổi, đóng góp về cơ chế, chính sách, thực tiễn triển khai.

Bên cạnh đó, hiến kế các giải pháp đề tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ nông sản Việt Nam tiếp cận với thị trường thực phẩm Halal; phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tham gia cung ứng cho thị trường Halal ở Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương và thị trường Halal toàn cầu.

Đồng thời, thúc đẩy xây dựng bộ tiêu chuẩn chứng nhận Halal chung của Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương cho hàng nông lâm thủy sản và hoạt động chứng nhận Halal cũng như hợp tác quốc tế, công nhận lẫn nhau cho thị trường Hồi giáo trên thế giới.

“Sau hội nghị này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Ngoại giao sẽ có kế hoạch hành động cụ thể để khơi thông, kết nối, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận thị trường Halal. Đồng thời khuyến nghị các ngành hữu quan chú trọng đến các lĩnh vực dịch vụ, du lịch gắn với tiêu chuẩn Halal của thị trường Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương nhiều tiềm năng”, ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.