19:06 13/10/2021

Khi NIM không còn là “át chủ bài”, nhiều nhà băng thắng lớn mảng dịch vụ

An Nhiên

Ở thời điểm hiện tại, đã có nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý 3 với điểm sáng là mảng thu nhập từ hoạt động dịch vụ...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Việc áp dụng các chính sách ưu đãi lãi suất và giảm lãi suất cho vay chắc chắn đã ảnh hưởng nhất định đến thu nhập từ lãi của ngân hàng, đây là điều mà hầu hết các nhà băng đều đã tính đến, do đó, hoạt động dịch vụ là một trong những ưu tiên hàng đầu của nhóm này trong quý vừa qua và trở thành “cứu cánh” lợi nhuận cho hầu hết các ngân hàng. 

THU NHẬP TỪ DỊCH VỤ LÀ CỨU CÁNH

Cụ thể, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Dân (NCB, mã chứng khoán: NVB) cho biết, tính đến ngày 30/9/2021, tổng tài sản của NCB đạt trên 81 nghìn tỷ đồng; thu nhập lãi thuần tăng 25% so với cùng kỳ năm trước nhờ tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng cũng như tăng cường công tác xử lý, thu hồi nợ… Các hoạt động khác cũng đóng góp tích cực vào lợi nhuận ngân hàng như: thu từ hoạt động dịch vụ, mua bán chứng khoán đầu tư…

Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo NCB, thu nhập từ lãi không còn là động lực bởi việc áp dụng các chính sách ưu đãi lãi suất và giảm lãi suất cho vay có ảnh hưởng nhất định đến thu nhập từ lãi của ngân hàng. Do đó, NCB đã gia tăng thu từ hoạt động dịch vụ, đặc biệt là các sản phẩm dịch vụ số hóa mà ngân hàng đã triển khai từ đầu năm 2020 đến nay.

NCB cũng sẽ tăng vốn thêm 1.500 tỷ đồng trong quý 4 nhằm nâng cao năng lực tài chính và triển khai các kế hoạch trọng điểm như: Đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, nâng cao chất lượng hoạt động, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ...

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Tp.HCM (HDB) cũng vừa thông tin sơ bộ kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 với hoạt động dịch vụ tiếp tục là điểm sáng trong 9 tháng đầu năm, với thu nhập thuần tăng 88,6% so với cùng kỳ. Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng vượt 12.100 tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước. 

Tính đến hết ngày 30/9/2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 346 nghìn tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ tăng 16,1% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ duy trì thấp dưới 1%, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất ở mức 1,4%, đều thấp hơn cùng kỳ năm trước. 

Đáng chú ý, thu thuần từ dịch vụ tại ngân hàng mẹ đạt gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm trước nhờ sự khởi sắc của các mảng bán chéo bảo hiểm (bancassurance) và dịch vụ thanh toán. Chi phí hoạt động được tối ưu hóa với hệ số chi phí/tổng thu nhập hoạt động giảm từ 43,8% tại 30/9/2020 xuống còn 39%. Ngoài ra, ROE đạt 24%, tăng mạnh so với mức 21,1% cùng kỳ năm trước. An toàn vốn, thanh khoản được đảm bảo với CAR (Basel 2) đạt 13%.

Lợi nhuận ngân hàng theo ước tính của SSI Research. Đồ hoạ: K.Linh
Lợi nhuận ngân hàng theo ước tính của SSI Research. Đồ hoạ: K.Linh

Tương tự, tại Ngân hàng TPB, 9 tháng năm 2021, nhà băng này thực hiện 75% kế hoạch lãi trước thuế cả năm, tương đương 4.350 tỷ đồng, cao hơn 43% so với cùng kỳ năm trước. Riêng quý III, nhà băng lãi 1.344 tỷ đồng, tăng 36%. Tổng thu nhập hoạt động 9 tháng đạt 9.868 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng 15%, riêng thu lãi thuần từ dịch vụ tăng 30% đạt 1.052 tỷ đồng.

Đến 30/9, tổng tài sản ở mức 260.328 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm và vượt hơn 4% kế hoạch. Trong quý III, TPBank đã tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng, nâng tổng số vốn điều lệ của ngân hàng lên hơn 11.716 tỷ đồng, thông qua hình thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ.

Bên cạnh đó, tổng huy động đến cuối tháng 9 đạt 230.644 tỷ đồng, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt xấp xỉ 4% kế hoạch cả năm. Hệ số an toàn vốn (CAR) được ghi nhận là 13,43%, cao hơn nhiều so với mức tối thiểu 8% do Ngân hàng Nhà nước quy định. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,02%, giảm so với mức1,1% cuối tháng 6.

Tổng chi phí hoạt động 3 quý tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số chi phí hoạt động trên thu nhập  trong một năm qua đã giảm từ 40% xuống 31,7%. Các chỉ số hiệu quả sử dụng vốn ROA và ROE lần lượt là 2% và 22,6%.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, SeABank (SSB) tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ở nhiều mảng hoạt động, trong đó, thu thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 181%. 

Tổng tài sản hoàn thành 99,7% kế hoạch năm, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020; Cho vay khách hàng hoàn thành 92% kế hoạch năm, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020; Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) hiệu quả ở mức 35,35%; Tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,68%.

Bên cạnh đó, các hoạt động ngân hàng điện tử cũng có tốc độ tăng trưởng nhanh với số lượng người dùng mở ebank mới tăng 130% và số giao dịch trực tuyến tăng 191% so với cùng kỳ 2020. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây đã chấp thuận cho SeABank hoàn thành tăng vốn điều lệ từ 12.088 tỷ đồng lên gần 13.425 tỷ đồng. 

THU NHẬP LÃI THUẦN SẼ TĂNG TỪ QUÝ 4 TRỞ ĐI?

Trước đó, hầu hết các dự báo đều cho rằng, thu nhập lãi thuần của các nhà băng sẽ bị giảm trong quý 3, thay vào đó, thu nhập từ hoạt động dịch vụ, phí sẽ trở thành động lực thúc đẩy lợi nhuận.

Chứng khoán Yuanta cuối tháng 9 đã đưa ra kỳ vọng NIM sẽ giảm trong Q3/2021 do các ngân hàng cắt giảm lãi suất để hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Tuy nhiên, thanh khoản hệ thống toàn ngành cải thiện kể từ đầu tháng 6, cụ thể là lãi suất qua đêm đã giảm -86 điểm cơ bản (bps). Thu nhập phí trong Q3/2021 sẽ tăng và đây sẽ là động lực chính giúp thúc đẩy lợi nhuận trong quý này. 

Tuy nhiên, Yuanta kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ ít nhất là đến cuối năm; vì vậy, NIM sẽ cải thiện nhẹ trong Quý 4/2021 khi nhu cầu tín dụng tăng trở lại. 

Khi NIM không còn là “át chủ bài”, nhiều nhà băng thắng lớn mảng dịch vụ - Ảnh 1

Trong khi đó, FiinPRo ước tính lợi nhuận Q3/2021 của 9 ngân hàng giảm 13,4% so với quý liền trước và đây là quý thứ 2 liên tiếp các ngân hàng ghi nhận lợi nhuận giảm. Gia tăng trích lập dự phòng và cắt giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid là hai nguyên nhân chính cho sự sụt giảm này. Nếu so với cùng kỳ, lợi nhuận các ngân hàng duy trì tăng (+10,8% YoY) nhưng tốc độ đã chậm lại trong 2 quý gần đây.

VCB và CTG được cho là sẽ lội ngược dòng với mức tăng trưởng lợi nhuận lần lượt là 0,9% và 4,9% so với quý liền kề trước đó trong khi đó, VIB được dự kiến có lợi nhuận giảm mạnh (gần 40% QoQ) do các mảng kinh doanh chính (bao gồm cho vay mua nhà, ô tô và bancassurance) bị tác động tiêu cực bởi giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh thành lớn.