Ngân hàng đã“hy sinh” 27 nghìn tỷ đồng
Đến 7/10/2021, mặc dù tín dụng tăng chỉ 7,42% nhưng lũy kế từ 23/1/2020 đến cuối tháng 9/2021, toàn ngành đã giảm lãi 27 nghìn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước cho biết như vậy tại buổi thông tin chiều 12/10...
Chiều ngày 12/10/2021, tại buổi "Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý 3/2021" do Ngân hàng Nhà nước tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng Các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 nhưng tín dụng tăng ngay từ đầu năm. Theo đó, đến ngày 7/10/2021, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,42% so với cuối năm 2020.
Trước đó, theo số liệu của Tổng cục thống kê cho biết, tính đến 20/9, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 7,17%.
Lũy kế từ 23/1/2020 cuối tháng 9/2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng. Riêng 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% thị phần) đã giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến cuối tháng 9/2021 là 11.813 tỷ đồng, đạt 57,31% so với cam kết.
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Cụ Chính sách tiền tệ.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Tuấn Anh cho rằng, tín dụng tăng chậm chủ yếu do cầu tín dụng còn thấp. "Tín dụng tăng chậm do nhu cầu còn thấp. Mặc dù ngân hàng luôn sẵn sàng, chủ động cấp vốn cho doanh nghiệp có nhu cầu nhưng doanh nghiệp muốn vay vẫn phải đáp ứng các điều kiện theo quy định", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Cũng theo vị vụ trưởng này, có một số lĩnh vực tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế; trong đó có các lĩnh vực rủi ro; tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn kiểm soát chặt các lĩnh vực này. Ví dụ, tốc độ tăng trưởng của tín dụng BOT, BT giảm so với cùng kỳ.
Nêu quan điểm về đề xuất dùng ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất, ông Nguyễn Tuấn Anh nhìn nhận, thời điểm này nên có thêm những gói hỗ trợ như gợi ý của Quốc hội để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Theo đó, để xây dựng cơ chế chính sách cần tính toán đến 2 mục tiêu. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là ổn định vĩ mô và kiểm soát được lạm phát. Bởi lẽ, lạm phát là gốc của ổn định vĩ mô, không đạt mục tiêu này thì không những các mục tiêu khác không hoàn thành mà còn tác dụng ngược. Bởi vậy, đối với các gói cấp bù lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đang rốt ráo hoàn thành nhưng vẫn phải làm một cách cẩn trọng.
Cũng tại buổi thông tin, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), cho biết, từ đầu năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt các tổ chức tín dụng chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, tiết giảm chi phí hoạt động để tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, góp phần hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay cuối tháng 8/2021 tiếp tục giảm so với tháng 12/2020.
Theo báo cáo từ các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 9/2021, các ngân hàng đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đạt trên 5,2 triệu tỷ đồng cho 800.000 khách hàng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng.
Về thị trường ngoại tệ, tỷ giá và thị trường tiếp tục diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Về cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, đến cuối tháng 9/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 278.000 khách hàng với dư nợ 238.000 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng từ 23/1/2020 khoảng 531.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng đã tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Cụ thể, đối với chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất (theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ), đến cuối tháng 9/2021, Ngân hàng Nhà nước đã giải ngân tái cấp vốn 462 tỷ đồng đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay theo Nghị quyết 68/NQ-CP số tiền là 461 tỷ đồng cho 918 khách hàng vay vốn để trả lương 130.741 lượt người lao động.
Kế hoạch trong thời gian tới, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lưu ý: “Trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế; đồng thời tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế”.