Khó thế chấp tài sản sở hữu trí tuệ vay vốn ngân hàng
Doanh nghiệp khó sử dụng tài sản sở hữu trí tuệ để thế chấp vay vốn tại ngân hàng
Qua hệ thống tiếp nhận kiến nghị doanh nghiệp của Cổng thông tin Chính phủ, Câu lạc bộ cựu đại biểu Quốc hội vừa có một số kiến nghị đáng chú ý đối với ngành ngân hàng trong chính sách cho vay.
Theo ý kiến của Câu lạc bộ cựu đại biểu Quốc hội, ngân hàng nên có chính sách bảo lãnh cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp khoa học - công nghệ vay vốn, hoặc được dùng tài sản của doanh nghiệp (gồm cả sản phẩm phát minh, sáng chế đã được đăng ký sở hữu trí tuệ) làm tài sản thế chấp để vay vốn.
Trước kiến nghị này, cụ thể ở việc sử dụng tài sản sở hữu trí tuệ để thế chấp vay vốn, Ngân hàng Nhà nước có giải thích với những khó khăn trên thực tế.
Cụ thể, theo Ngân hàng Nhà nước, chiếu theo Bộ luật Dân sự năm 2015 và Nghị định 163/2006/NĐ-CP, tài sản bảo đảm vay vốn tại ngân hàng có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai; đồng thời quy định quyền tài sản là một loại tài sản và là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.
Vì vậy, các sản phẩm phát minh, sáng chế đã được đăng ký sở hữu trí tuệ có thể được coi là tài sản bảo đảm để vay vốn tại các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thực tiễn hoạt động tại Việt Nam và quốc tế cho thấy, việc thế chấp đối với quyền sở hữu trí tuệ tại hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn còn nhiều hạn chế một phần do khó định giá quyền sở hữu trí tuệ.
Mặt khác, việc thế chấp tài sản này khi vay vốn khó khăn do giá trị của quyền sở hữu trí tuệ thường chỉ được bảo đảm trong chuỗi các hoạt động của doanh nghiệp đó, khó chuyển giao khi phải xử lý tài sản bảo đảm trong vay vốn ngân hàng.
Thêm vào đó, cũng theo Ngân hàng Nhà nước, một số doanh nghiệp chưa chứng minh phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, khả thi sẽ là khó khăn, tạo áp lực rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng khi xem xét cho vay.