06:00 16/07/2022

Khó triển khai hoá đơn điện tử, doanh nghiệp vận tải lại chịu thiệt vì nhiều loại hình vận tải "chui"

Ánh Tuyết

"Điêu đứng" vì đại dịch, doanh nghiệp kinh doanh vận tải vẫn chưa "hồi sức" thì nay chịu nhiều thiệt thòi do nở rộ nhiều loại hình "chui", chưa đăng ký kinh doanh theo quy định. Nhiều đơn vị cũng kêu khó, lúng túng vì quy định bắt buộc áp dụng hoá đơn điện tử của ngành tài chính...

Doanh nghiệp vận tải hiện gặp nhiều khó khăn do phát sinh chi phí khi triển khai hoá đơn điện tử và lo ngại sụt giảm doanh thu vì xuất hiện nhiều loại hình hoạt động "chui".
Doanh nghiệp vận tải hiện gặp nhiều khó khăn do phát sinh chi phí khi triển khai hoá đơn điện tử và lo ngại sụt giảm doanh thu vì xuất hiện nhiều loại hình hoạt động "chui".

Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam vừa có Công văn số 40/CV-HHVT gửi Bộ Tài chính đề nghị tháo gỡ khó khăn khi triển khai thực hiện Thông tư số 78/2021/TT-BTC trên cơ sở khảo sát thực tế tại một số đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe và tổng hợp các kiến nghị từ các hiệp hội cơ sở, các hội viên trực thuộc do hầu hết các đơn vị đều vẫn đang gặp khó khăn về tài chính.

70% ĐƠN VỊ CHƯA TRIỂN KHAI HOÁ ĐƠN ĐIỆN TỬ VÌ ĐANG "CHẬT VẬT" PHỤC HỒI

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết thời gian vừa qua nhận được kiến nghị từ các hiệp hội cơ sở, các hội viên, các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ bằng xe ô tô và các bến xe đề nghị "Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế, ngày 13/6/2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ”.

Cụ thể, theo quy định tại Thông tư số 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, bắt buộc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử kể từ ngày 1/7/2022.

Tuy nhiên, Hiệp hội Vận tải ô tô nêu rõ khó khăn, từ năm 2020 đến nay, ngành vận tải ô tô là một trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại hầu hết các tỉnh và thành phố.

Đặc biệt, trong giai đoạn cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15, 16 và 19 của Thủ tướng Chính phủ, đa số các phương vận tải hành khách phải dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng trong nhiều tháng của năm 2020 và năm 2021.

Do vậy, "sản lượng và doanh thu của các đơn vị kinh doanh vận tải và bến xe sụt giảm mạnh, cụ thể, doanh thu của các bến xe ước đạt 30-40% do lượng phương tiện vào bên giảm mạnh. Doanh thu của kinh doanh vận tải hàng hóa ước đạt khoảng 60-70% và doanh thu của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách chỉ ước đạt khoảng 40-50% so với trước đại dịch năm 2019", Hiệp hội Vận tải ô tô giãi bày.

Ngoài ra, hiệp hội này cho biết từ giữa năm 2021 giá xăng dầu liên tục có chiều hướng tăng cao, thậm chí có thời điểm tăng gần gấp đôi so với năm 2019, cản trở quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh cũng như chuyển đổi số của các đơn vị kinh doanh vận tải và bến xe.

 

"Theo báo cáo chưa đầy đủ tử các hiệp hội cơ sở và hội viên trực thuộc, đến thời điểm tháng 6, chỉ có khoảng 30% các dơn vị kinh doanh vận tải và bến xe cơ sở thuộc hiệp hội thực hiện chuyển đổi số, hiện còn khoảng 70% các đơn vị chưa thực hiện chuyển đổi số do đang gặp khó khăn về tài chính", Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thông tin.

Trước những khó khăn nêu trên, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính xem xét cho phép lùi thời hạn thực hiện hoá đơn điện tử, áp dụng đối với các bến xe và các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ bằng xe ô tô đến hết ngày 30/6/2023 để các đơn vị có thời gian để thực hiện quá trình chuyển đổi số.

Thông tin rõ hơn, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, cho hay sau khi tiếp nhận công văn của hiệp hội, Bộ Tài chính đã chuyển văn bản này về Cục thuế TP. Hà Nội trả lời nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin hồi đáp chính thức.

Ông Quyền cho biết qua khảo sát và phản ánh từ các hội viên, hiện nay tỷ lệ các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vận tải, nhất là trong vận tải hành khách, đã triển khai hoá đơn điện tử còn khá khiêm tốn trong tổng số trên 1.300 doanh nghiệp hội viên (trong đó có gần 700 công ty cổ phần; hơn 400 hợp tác xã; số còn lại là các hội viên bến xe khách, công ty xăng dầu và trạm đăng kiểm ôtô...).

Trong khi đó, điều khó hiểu là khi báo cáo về tình hình triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc, Bộ Tài chính cho biết đến 24h ngày 30/6, trên cả nước có 851.372 tổ chức, doanh nghiệp, chi nhánh, tương ứng đạt 100% tổng số tổ chức, doanh nghiệp, chi nhánh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. Cùng với đó là 65.576 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai cũng đăng ký và chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử.

"Việc bán vé xe điện tử hiện nay chưa thực hiện được do chưa lắp đặt máy bán vé tự động ở các bến xe. Hiện máy bán vé tự động mới đang lắp đặt ở một vài bến xe", Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phàn nàn và cho biết thêm rằng cũng rất ít doanh nghiệp có bộ phận thường trực trực tuyến bán vé trên hệ thống.

Cùng với đó, máy bán vé trên xe khách chỉ "lác đác" triển khai tại 1,2 đơn vị. Đặc biệt, các doanh nghiệp vẫn hoài nghi về khả năng đảm bảo sự thông suốt của đường truyền với số lượng vé "khủng" khi mọi đơn vị đều triển khai đồng loạt.

Đặc biệt, liên quan đến việc triển khai hoá đơn điện tử, các đơn vị đều phản ánh chưa được tập huấn, hướng dẫn.

"Sáng nay, tôi vừa ở trên Thái Nguyên về, các đơn vị đều cho biết vẫn chưa có sự trao đổi, hướng dẫn, tập huấn chi tiết, cụ thể giữa cơ quan thuế với ngành giao thông vận tải và với các doanh nghiệp. Các đơn vị hỏi qua hỏi lại rất nhiều, rất lúng túng trong thực hiện", Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô bộc bạch.

Cùng với đó, cũng chưa rõ tiêu tốn bao nhiêu chi phí áp nếu doanh nghiệp có hàng trăm đầu xe áp dụng.

Một doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách công cộng cũng than phiền kinh phí cho tất cả hệ thống xe có thể lên tới hàng hàng tỷ đồng nếu đầu tư hoàn chỉnh, trong khi doanh nghiệp này vẫn gặp nhiều khó khăn từ khi tái khởi động, hiện vẫn đang loay hoay trả nợ.

GẶP KHÓ VÌ BỊ "CƯỚP KHÁCH", CHỊU BẤT BÌNH ĐẲNG TRONG KINH DOANH

Cập nhật thêm về tình hình kinh doanh các doanh nghiệp vận tải, bến xe hiện nay, ông Nguyễn Văn Quyền, cho hay hiện giá xăng dầu "hạ nhiệt" tại kỳ điều hành gần nhất, phần nào giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải.

Ngoài ra, nhu cầu vận tải khách du lịch, nhu cầu vận tải khách theo hợp đồng tăng lên tương đối giúp doanh nghiệp vận tải "hồi sức". 

Theo thống kê, vận tải hành khách tháng 6 vừa qua khôi phục mạnh mẽ với số lượt hành khách vận chuyển tăng 80,1% và luân chuyển tăng 125,8% do nhu cầu đi lại, du lịch của người dân tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hàng hóa tiếp tục phát triển tích cực với tốc độ tăng 29% về vận chuyển và tăng 36,3% về luân chuyển so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, vận tải đường bộ vận chuyển 1.722,4 triệu khách và 724,3 triệu tấn hàng hoá, khởi sắc nhẹ so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô vẫn không giấu được nỗi lo lắng khi lượng hành khách theo tuyến cố định tại các bến xe rất phân tán, hành khách vào bến xe ngày càng ít ỏi.

 
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.

"Hiện đang phát sinh lượng xe lớn dùng công nghệ kết nối với hành khách thông qua app (ứng dụng) của từng đơn vị. Sau đó, hai bên hẹn tại nhà hoặc những điểm khác nhau để lên xe, chứ không vào bến. 

Cùng với đó là "nở rộ" dịch vụ ghép xe, tiện chuyến được rao mời trên nhiều trang mạng như đón trả tận nơi.

Đáng lo ngại, hình thức này đang đặt nhiều vấn đề tranh cãi trái chiều. Những xe kinh doanh theo hình thức này có đăng kí kinh doanh hay không, có nộp thuế nộp thuế với nhà nước hay không hay đảm bảo các điều kiện kinh doanh như thế nào? Thậm chí, đặt ra dấu hỏi trong việc quản lý Nhà nước liên quan đến trật tự an toàn giao thông".

 

Rõ ràng, "những đơn vị kinh doanh vận tải chính thống theo tuyến cố định phải chấp hành luật định nhưng lượng khách vào bến rất ít", ông Quyền quả quyết. 

Thực trạng này khiến nhiều doanh nghiệp lên tiếng do thiếu công bằng trong kinh doanh, vì vậy, đề nghị Nhà nước phải tăng cường quản lý.

Gần đây, Bộ Giao thông vận tải cũng có văn bản số 6728/BGTVT-VT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiểm tra, xử lý xe vận chuyển hành khách như xe ghép, xe tiện chuyến hoạt động chở khách (có thu tiền của hành khách) nhưng phương tiện chưa được cấp phù hiệu, biển hiệu, chưa đăng ký kinh doanh vận tải hành khách theo quy định.

Do đó, để tăng cường công tác quản lý, thực hiện đúng quy định, đảm bảo ổn định trật tự vận tải, công bằng, công khai, minh bạch, đồng thời tránh thất thu thuế cho ngân sách nhà nước, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trên địa bàn để hướng dẫn và yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, người điều khiển xe ôtô kinh doanh vận tải trên địa bàn thực hiện đúng quy định.

Cùng với đó, bộ này cũng đề nghị lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm sử dụng xe ôtô để kinh doanh vận tải nhưng chưa đăng ký kinh doanh; sử dụng xe ô tô chưa chuyển đổi biển số sang màu vàng, chưa được cấp phù hiệu, biển hiệu theo quy định của pháp luật để kinh doanh vận tải.