15:18 30/06/2022

Hơn 5.600 chuyến bay trễ giờ khiến hành khách bức xúc, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các hãng chấn chỉnh

Ánh Tuyết

Cao điểm hè "bùng nổ" nhu cầu đi lại, du lịch nhưng tình trạng chậm chuyến cũng gia tăng với hơn 5.600 chuyến bay trễ giờ, chiếm 18,2% tổng số chuyến khai thác. Trước tình hình này, Bộ Giao thông vận tải phát công văn yêu cầu các hãng chấn chỉnh, tránh gây bức xúc cho hành khách...

Thời gian qua, tình trạng hoãn, hủy chuyến của các chuyến bay có xu hướng tăng cao.
Thời gian qua, tình trạng hoãn, hủy chuyến của các chuyến bay có xu hướng tăng cao.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn vừa có văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu chấn chỉnh tình trạng chậm, huỷ chuyến bay.

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, hoạt động vận tải hàng không đang có những tín hiệu đáng mừng về sự hồi phục sau khi đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát.

Từ đầu năm 2022 đến nay, nhu cầu đi lại của người dân nói chung tăng nhanh, giúp sản lượng hành khách và hàng hóa qua các cảng hàng không cũng có sự khởi sắc.

Đối với các chuyến bay khai thác nội địa, lượng hành khách và sản lượng hàng hóa trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.

Theo đó, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt 40,7 triệu khách, tăng 56,8% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,8 triệu khách, tăng 904,6%. Khách nội địa đạt 38,9 triệu khách, tăng 52,6%.

 

"Các hãng hàng không nội địa vận chuyển 20,1 triệu khách, tăng 56,1% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, số lượng khách quốc tế đạt 667.000 khách, tăng 1.033%, khách nội địa đạt 19,5 triệu khách, tăng 51,8%. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành hàng không", Bộ Giao thông vận tải đánh giá.

Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) vừa qua cũng đưa Việt Nam lọt top đầu trong danh sách 25 quốc gia có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới, vượt qua hàng loạt quốc gia như Mexico, Brazil, Nga, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ. 

Trong khi đó, các quốc gia tại Đông Nam Á đứng ở thứ hạng thấp hơn, như Indonesia đứng thứ 8, Malaysia đứng thứ 9, Thái Lan đứng thứ 24.

Tuy nhiên, "bên cạnh việc dần hồi phục hoạt động vận tải hàng không nội địa, tình trạng nhiều chuyến bay bị hủy hoặc chậm chuyến lại có xu hướng tăng gây ra bức xúc cho hành khách, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành hàng không", lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải lưu ý.

Để khắc phục tình trạng nói trên, đặc biệt trong dịp cao điểm hè, Thứ trưởng đề nghị Cục Hàng không Việt Nam tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các hãng hàng không để kịp thời chấn chỉnh, xử lý. Cùng đó, xác định nguyên nhân chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không để đưa ra giải pháp xử lý.

Cục Hàng không Việt Nam cũng có trách nhiệm chỉ đạo các hãng hàng không tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn hàng không, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, điều lệ vận chuyển liên quan đến nghĩa vụ của người vận chuyển trong điều kiện chậm, hủy chuyến.

 

Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trong tháng 6, từ 19/5/2022 - 18/6 có hơn 5.602 chuyến bay của các hãng hàng không trong nước chậm chuyến, chiếm tới 18,2% số chuyến bay thực hiện trong thời điểm này, tăng 9,4 điểm so với tháng 5 và tăng tới 15,9 điểm so với cùng kỳ.

Trong đó, VietJet Air đứng đầu danh sách với 2.885 chuyến chậm giờ khởi hành, chiếm 24% trong tổng số chuyến khai thác. Tiếp đến, Vietnam Airlines chậm 2.230 chuyến với tỷ lệ 20,1%. Vietravel khai thác ít chuyến bay nhất cũng có số chuyến trễ giờ ít nhất, là 14 chuyến, chiếm 2,7% tổng số chuyến bay khai thác.