08:50 21/06/2007

Khởi kiện doanh nghiệp nước tương “đen”: Người tiêu dùng sẽ được bồi thường?

Minh Quang

Một người dân Tp.HCM đã gửi đơn kiện 17 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất nước tương bị phát hiện có độc tố 3-MCPD

Đây là lần đầu tiên các nhà sản xuất nước tương không đạt tiêu chuẩn bị kiện - Ảnh: TT.
Đây là lần đầu tiên các nhà sản xuất nước tương không đạt tiêu chuẩn bị kiện - Ảnh: TT.
Ngày 20/6, ông Hà Hữu Tường, một cán bộ thi hành án của Cơ quan thi hành án quận 8, Tp.HCM đã gi đơn lên Tòa án Nhân dân Tp.HCM, kiện 17 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất nước tương bị phát hiện có độc tố 3-MCPD (3 monochlor-1,2-propanediol) hàm lượng cao.

Theo ông Tường, các doanh nghiệp đã gian dối khi đưa ra thị trường những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng đối với nước tương. Sự gian dối của những nhà sản xuất nước tương “đen” còn thể hiện ở việc ghi dán nhãn mác sai sự thật những thông tin có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.

Ông Tường, một cử nhân luật, chỉ ra ít nhất hai điều khoản mà các nhà sản xuất nước tương đã vi phạm, đó là Điều 162 về gian dối và quảng cáo sai sự thật và Điều 244 về chế biến và cung cấp những thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ luật Hình sự năm 2000.

“Những nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm và bồi thường cho người tiêu dùng, không thể chấp nhận chỉ xin lỗi công chúng”, ông Tường nói với chúng tôi. Ông cho biết, ông đại diện cho hàng triệu người tiêu dùng khởi kiện các đơn vị sản xuất và yêu cầu bồi thường 30 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được đưa vào quỹ nạn nhân ung thư mà ông Tường đang huy động sự ủng hộ của nhiều người.

Không chỉ kiện các nhà sản xuất nước tương “đen”, trong đơn khởi kiện của mình, ông Tường còn đề nghị cơ quan pháp luật xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, đó là Sở Y tế Tp.HCM. Theo ông, Sở Y tế đã nhiều lần kiểm tra và xét nghiệm trong thời gian dài, biết rõ sự vi phạm nhưng không đình chỉ sản xuất đối với những cơ sở nói trên.

Không những thế, cơ quan này còn giấu thông tin, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cơ sở tiếp tục vi phạm. Kiện nhà sản xuất và yêu cầu bồi thường như trường hợp của các doanh nghiệp sản xuất nước tương là vụ việc chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Lâu nay, người tiêu dùng kiện nhà sản xuất khi phát hiện sản phẩm hay dịch vụ của nhà sản xuất đó ảnh hưởng trực tiếp đến họ và sự thiệt hại là có thể nhìn thấy được.

Ông Tường cho biết vụ kiện không dễ thực hiện vì từ trước đến nay chưa có vụ việc nào như thế xảy ra và được cơ quan pháp luật thụ lý. “Tuy nhiên, tôi muốn người tiêu dùng ngay từ bây giờ bắt đầu làm quen với những vụ kiện như thế, bởi lẽ khi nền kinh tế hội nhập những vụ gây tổn hại đến người tiêu dùng sẽ diễn ra nhiều hơn, vì vậy cần phải làm gì đó để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng”, ông Tường tâm sự.

Lá đơn ông Tường gởi cho Tòa án Nhân dân Tp.HCM ngày 20/6 là lá đơn thứ hai, lá đơn đầu tiên là vào cuối tháng 5 khi sự việc nước tương “đen” mới bắt đầu được dư luận quan tâm.

Ông Nguyễn Thế Hưng, Giám đốc Xí nghiệp nước chấm Nam Dương, cho biết: “Chúng tôi đã khắc phục hậu quả bằng cách thu hồi những sản phẩm không đạt chất lượng và chưa có phản hồi gì về đơn khiếu nại của người tiêu dùng”.

Luật sư Nguyễn Ngọc Bích thuộc Văn phòng IMAG cho biết: “Cơ quan Nhà nước phát hiện và được quyền phạt hành vi vi phạm của doanh nghiệp, còn người tiêu dùng thì không thể”. Ông giải thích rằng điều này được qui định trong luật và những điều luật liên quan ở các nước không riêng gì Việt Nam.

Luật sư Bích nói rằng các cơ sở và doanh nghiệp bị phát hiện sản xuất nước tương có độc tố có nguy cơ gây ung thư với hàm lượng cao bởi cơ quan quản lý Nhà nước chứ không phải bởi người tiêu dùng, vì vậy không thể buộc các nhà sản xuất có trách nhiệm đối với người tiêu dùng. Theo ông, người tiêu dùng không thể kiện nhà sản xuất, trong trường hợp này, càng không thể buộc họ bồi thường trừ khi chính người tiêu dùng phát hiện vi phạm của nhà sản xuất và chứng minh được thiệt hại.

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Hưu Quyền, Văn phòng Luật Nguyễn Hữu Quyền, cho rằng nhà sản xuất phải có trách nhiệm đối với người tiêu dùng, vì nước tương không đảm bảo chất lượng, không chỉ ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng mà còn gây hoang mang, khủng hoảng tâm lý cho họ. Tuy nhiên, ông cho rằng vấn đề là người tiêu dùng phải chứng minh được tổn hại khi sử dụng nước tương, nhất là về mặt bệnh tật dù ông biết rằng việc này không đơn giản.

Nhưng theo ông, việc khởi kiện là cần thiết để tạo tiền lệ bảo vệ người tiêu dùng. Người tiêu dùng nên phối hợp với Hội bảo vệ người tiêu dùng để tạo tiếng nói lớn hơn, buộc nhà sản xuất phải có trách nhiệm hơn.

Hội Bảo vệ người tiêu dùng phía Nam cho biết, Hội này không đặt niềm tin vào vụ khởi kiện của ông Tường. Không những thế, theo cơ quan này, vụ việc phức tạp hơn chuyện liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn liên quan đến cả cơ quan quản lý hành chính Nhà nước về trách nhiệm đối với thông tin và kết quả điều tra.

Cho đến nay, Tòa án Nhân dân Tp.HCM chưa có ý kiến gì về đơn khởi kiện của ông Tường. Vụ khởi kiện nước tương “đen” của ông Tường tập trung vào 17 doanh nghiệp và cơ sở bị phát hiện trong đợt đầu tiên. Nhiều cơ sở và doanh nghiệp tiếp tục được phát hiện sau đó, khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại, quyền lợi của họ không ai bảo vệ, nhất là khi Việt Nam chưa có luật bảo vệ người tiêu dùng.