09:57 30/10/2008

“Không ai nghĩ cuối năm 2008 kinh tế thế giới lại suy giảm”

Bảo Anh

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi về tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay với báo giới, bên lề kỳ họp Quốc hội

"Chống giảm phát đòi hỏi phải có thời gian dài hơn là chống lạm phát."
"Chống giảm phát đòi hỏi phải có thời gian dài hơn là chống lạm phát."
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc vừa có cuộc trao đổi về tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay với báo giới, bên lề kỳ họp Quốc hội.

Thế giới cũng khó dự báo

Nhiều đại biểu cho rằng, để xảy ra những khó khăn của nền kinh tế hiện nay cũng có một phần là do công tác dự báo yếu kém, thưa Bộ trưởng ?

Tôi phải nói rằng, công tác dự báo của chúng ta trong thời gian qua đã cố gắng hết sức. Tuy nhiên, công tác dự báo lại liên quan đến hai yếu tố chính là con người và thông tin, trong khi  thông tin chúng ta chưa đầy đủ, còn con người chúng ta chưa đạt, chưa đào tạo đầy đủ.

Hơn nữa dự báo bây giờ phải gắn liền với dự báo quốc tế. Ngay cả các nhà chiến lược, các nhà hoạch định chính sách quốc tế, các nhà dự báo quốc tế nhiều lúc cũng không dự báo nổi. Chẳng hạn như Alan Greenspan  được coi như nhà “phù thủy” của nền kinh tế Mỹ nhưng ông ta cũng phải khẳng định rằng “tình hình kinh tế thế giới thời gian qua nằm ngoài dự đoán của tôi.”

Như vậy có nghĩa là chuyên gia này đã phải thừa nhận là không lường được tình hình xảy ra đến như vậy. Kết quả là ông phải nhận lỗi trước Quốc hội Mỹ. Điều đó cho thấy, công tác dự báo trong điều kiện kinh tế thế giới đầy biến động là không hề đơn giản.
 
Hơn nữa, vấn đề dự báo không chỉ một cơ quan mà phải có nhiều cơ quan cùng thực hiện. Chẳng hạn, cơ quan quản lý giá phải dự báo về vấn đề giá cả; cơ quan quản lý thương mại phải dự báo về vấn đề thị trường quốc tế, giá cả quốc tế và diễn biến của xu thế giá cả thế giới...tức là ở các cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ quan dự báo cho riêng mình.  

Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chính phủ chỉ dự báo ở tầm vĩ mô có tính chất trung hạn và dài hạn. Còn để điều hành cụ thể thì các bộ trưởng phải có các cơ quan tổng hợp để xử lý tốt các thông tin dự báo. Tốt nhất là mỗi ngành phải có một cơ quan dự báo.

Nhưng rõ ràng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan được chính phủ giao nhiệm vụ như một cơ quan tham mưu cho Chính phủ về công tác dự báo để có thể xây dựng những chỉ tiêu kinh tế - xã hội, thưa Bộ trưởng?

Đúng là Bộ chúng tôi là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về dự báo. Trách nhiệm của chúng tôi là  tham mưu cho Chính phủ để xây dựng những chiến lược trung hạn, dài hạn và từng năm, cho nên những dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có tính chất dài hơi.

Hiện nay, chúng tôi cũng đã có một trung tâm thông tin và dự báo quốc gia và đang tập trung tăng cường vai trò của trung tâm này, đặc biệt là về nguồn nhân lực, xây dựng phương pháp dự báo cũng như mối quan hệ hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực dự báo.

Có ý kiến cho rằng, từ cuối năm ngoái đã xuất hiện dấu hiệu suy giảm về kinh tế nhưng lúc đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn trình phương án tăng trưởng 7% và lạm phát 12% trong năm 2008, khiến các con số dự báo năm nay sai số khá lớn. Liệu đây có phải là sai sót về dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư?

Tôi khẳng định, năm 2007 không hề có dấu hiệu của lạm  phát, tăng trưởng kinh tế vẫn rất tốt, chỉ có một điều là đã bắt đầu có vấn đề về giá cả. Lúc đấy, chúng ta chỉ nghĩ đến việc điều hành tài chính tiền tệ .Tuy nhiên, Bộ chúng tôi cũng đã có cảnh báo và kiến nghị với Chính phủ về khả năng giá cả tăng.

Còn về tăng trưởng kinh tế, không chỉ Việt Nam mà ngay cả thế giới cũng dự báo tăng, không ai nghĩ rằng cuối năm 2008 nền kinh tế thế giới lại suy giảm.

Đã có biện pháp đề phòng thiểu phát

Nhiều chuyên gia cũng đã cảnh báo về khả  giảm phát trong năm 2009... Chính phủ đã có kế hoạch đối phó gì chưa, thưa Bộ trưởng?

Có giảm phát hay không thì chúng ta cần phải xem xét vì giảm phát của Việt Nam mới chỉ xuất hiện 1 tháng. Theo tôi, tình hình giảm phát phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ngoài lạm phát còn có sức sản xuất, sức mua của người dân và nhiều yếu tố khác nữa.

Vì vậy chúng ta chưa nên vội vàng kết luận là năm tới nền kinh tế của Việt Nam sẽ giảm phát hay lạm phát. Chúng ta phải theo dõi tiếp 2 tháng cuối năm rồi mới có kết luận.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng đã có biện pháp đề phòng, ngăn ngừa thiểu phát có thể xảy ra, vì chống giảm phát đòi hỏi phải có thời gian dài hơn là chống lạm phát.
 
Vậy, theo Bộ trưởng khả năng thiểu phát có thể xảy đến trong năm 2009?

Theo tôi thì chưa nói được, còn tùy thuộc vào khu vực và thế giới. Cái chính của giảm giá thời gian vừa rồi là do giá cả thế giới giảm đột ngột, giá dầu thế giới từ 147 USD xuống còn trên 60 USD, đó là con số tác động đến chúng ta.

Vấn đề này chúng ta cũng chưa nên vội vàng đưa ra dự báo hay bình luận gì mà cần phải tiêp tục theo dõi.

Vẫn nên đặt chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể

Bộ trưởng vừa nói rằng, dự báo hiện nay rất khó khăn. Vậy, sắp tới Chính phủ có nên trình Quốc hội mức GDP và CPI không cụ thể không, thưa Bộ trưởng?

Theo tôi, chỉ số GDP và CPI vẫn có thể dự báo được. Do đó, tôi nghĩ rằng, Chính phủ vẫn phải nên trình con số cụ thể để chúng ta có hướng điều hành, còn con số cụ thể thì ngày 1/11 tới, Chính phủ sẽ họp bàn thống nhất.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, phân tích tình hình trong nước và thế giới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội báo cáo bổ sung.

Bộ trưởng nghĩ sao khi ta vẫn đặt chỉ tiêu tăng trưởng là trên 6,5 còn các nước trong khu vực thì chỉ khiêm tốn đặt chỉ tiêu giữ tăng trưởng khỏi bị âm?

Đúng là các nước trong khu vực chỉ đặt mục tiêu giữ cho tăng trưởng không âm. Tuy nhiên, theo tôi thì nền kinh tế của họ có nhiều điểm khác chúng ta.

Thứ nhất, vì thị trường tài chính tiền tệ của ta chưa hội nhập đầy đủ với thế giới trong khi họ đã hội nhập đầy đủ nên sẽ bị tác động lớn hơn chúng ta.

Thêm nữa, một số nước như Singapore, Nhật Bản… lệ thuộc nhiều vào Mỹ và họ chủ yếu xuất khẩu những sản phẩm công nghệ cao, phục vụ cho nhu cầu lâu dài của người dân. Bây giờ thời kinh tế suy giảm, ít người dám sắm những phương tiện đắt tiền, công nghệ cao, do đó những nước này sẽ bị tác động lớn.

Trong khi đó, chúng ta chủ yếu xuất khẩu những mặt hàng tiêu dùng rất thiết yếu như may mặc, nông sản, thực phẩm... nên dù cho nhu cầu tiêu dùng có thể giảm nhưng chỉ ở một chừng mực nào đó.

Mặt khác, để đối phó với sự suy giảm, chúng ta tập trung kích cầu nội địa và chuyển hướng vào một số thị trường đang phát triển, ít chịu ảnh hưởng, tác động của suy giảm kinh tế như Trung quốc, Ấn Độ và một số thị trường Đông Nam Á khác.