12:41 30/07/2007

Khớp lệnh liên tục, nhà đầu tư thận trọng

Lan Ngọc

Phiên đầu tiên khớp lệnh liên tục trên sàn Tp.HCM, nhà đầu tư thận trọng. Thị trường nối tiếp một phiên giảm mạnh

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục một phiên giảm mạnh.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục một phiên giảm mạnh.
Phiên đầu tiên khớp lệnh liên tục trên sàn Tp.HCM, nhà đầu tư thận trọng. Thị trường nối tiếp một phiên giảm mạnh.

>>“Sự cố tại Chứng khoán Thăng Long chỉ trong 30 giây”

Hôm nay (30/7), sau hai tháng thử nghiệm, sàn Tp.HCM chính thức thực hiện khớp lệnh liên tục. Nhiều nhà đầu tư đã tìm hiểu kỹ về hình thức này, đã tham gia thử nghiệm trong thời gian qua nhưng vẫn tỏ ra thận trọng trong thực tế.

Đó là một trong những yếu tố chi phối lớn nhất tâm lý nhà đầu tư phiên giao dịch ngày 30/7. Chỉ có 260,813 tỷ đồng giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn Tp.HCM phiên này, mức thấp nhất kể từ đầu năm.

Trong đợt đầu tiên (khớp lệnh định kỳ), chỉ có 86,266 tỷ đồng được đưa vào giao dịch với khối lượng vẻn vẹn 1,021 triệu đơn vị; VN-Index giảm tới 11,88 điểm, còn 928,48 điểm. Diễn biến này dự báo cho kết quả đợt tiếp theo (khớp lệnh liên tục), không mấy khả quan.

Đợt hai, chỉ số VN-Index tiếp tục giảm còn 926,7 điểm (giảm 13,66 điểm), khối lượng giao dịch nhích lên 2 triệu đơn vị và giá trị đạt 168,586 tỷ đồng.

Và trong đợt ba, VN-Index kết thúc phiên ở mức 925,44 điểm, giảm 14,92 điểm; khối lượng giao dịch đạt 2.948.620 đơn vị với giá trị 260,813 tỷ đồng.

Như vậy, sàn Tp.HCM tiếp tục có thêm một phiên giảm mạnh. Ngoài sự thận trọng của nhà đầu tư trước hình thức giao dịch mới, nguyên nhân còn có thể từ đà sụt giảm chung của thị trường thời điểm này, cũng như ảnh hưởng tâm lý sau “ngày đen tối” của thị trường chứng khoán thế giới cuối tuần qua…

Ghi nhận tại một số sàn Hà Nội cho thấy lượng nhà đầu tư có mặt trực tiếp hôm nay đông hơn thường lệ (thêm sự có mặt của nhiều công chức). Họ giao dịch ít, thăm dò, tìm hiểu nhiều để có thể chủ động hơn trong các phiên tiếp theo.

Trước khi thực hiện khớp lệnh liên tục, một số nghi ngại đã đề cập đến khả năng thông suốt của thị trường, nhất là từ sự phối hợp của các công ty chứng khoán thành viên. Ngoài sự cố tại sàn Chứng khoán Thăng Long, một số trường hợp gặp lỗi hiển thị phải “mượn” bảng giao dịch trực tuyến của công ty khác, hầu hết các thành viên đều đã bắt nhịp được hình thức mới.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), cho biết do chủ động được công nghệ và đã có hai tháng liên tục thử nghiệm, nên sự phối hợp tại công ty diễn ra khá thuận lợi.

Trở lại phiên giao dịch hôm nay, giá cổ phiếu trên hầu hết vẫn chưa thể cải thiện. Chỉ có 12 mã xanh, số ít trụ được ở giá tham chiếu, còn lại đồng loạt giảm mạnh. Trong 12 mã trên, ngoài HBC hôm nay kịch trần, sự trở lại của FPT được chú ý ở mức tăng 3.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng mức tăng mạnh nhất thuộc về SFI, kịch trần với +8.000 đồng/cổ phiếu; kế đến là VNM với +5.000 đồng/cổ phiếu.

Trong nhóm giảm giá, có 23 mã giảm sàn, trong đó BMC tiếp tục là đầu tàu ngược với -16.000 đồng/cổ phiếu. Các mã như TCT, NKD, TDH, BMP, SAM, TAC… cùng giảm mạnh từ 6.000 – 12.000 đồng/cổ phiếu.

Cùng hướng với VN-Index, chỉ số HASTC-Index trên sàn Hà Nội hôm nay tiếp tục giảm mạnh còn 255,2 điểm (giảm 3,64 điểm). Nhưng giá trị giao dịch trên sàn này đã nhích lên trên 123 tỷ đồng. Tâm điểm trên sàn vẫn là S99 với điều chỉnh -35.200 đồng/cổ phiếu và biên độ thay đổi giá nhiều cổ phiếu đã mở rộng hơn.