15:56 07/12/2012

Khủng hoảng báo in hoành hành khắp châu Âu

An Huy

Thậm chí, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng lên tiếc bày tỏ sự tiếc nuối và kêu gọi ngành báo in giữ vững tinh thần

Tờ báo in Frankfurter Rundschau của Đức đệ đơn xin phá sản cách đây ít lâu.<br>
Tờ báo in Frankfurter Rundschau của Đức đệ đơn xin phá sản cách đây ít lâu.<br>
Cuộc khủng hoảng báo in ở Đức đã dẫn tới sự ra đời của một từ phức mới: Zeitungssterben, có nghĩa là “cái chết của báo in”.

Báo Financial Times cho biết, mới đây, bộ phận xuất bản tạp chí G+J của công ty Bertelsmann đã tuyên bố đình bản tờ Financial Times tại Đức (Financial Times Deutschland). Trước đó, một tờ báo in khác Frankfurter Rundschau đệ đơn xin phá sản. Hai đình bản và phá sản này đã gây nên những chấn động mới trong làng báo in vốn dĩ đang rất chật vật của Đức.

Thậm chí, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng lên tiếc bày tỏ sự tiếc nuối và kêu gọi ngành báo in giữ vững tinh thần. “Tôi nghĩ báo in có vai trò rất quan trọng”, người đứng đầu Chính phủ Đức viết trong bài viết đăng hàng tuần trên trang web riêng.

Tuy nhiên, các nhân viên cấp dưới của bà Merkel nhấn mạnh rằng, những gì mà nước Đức đang chứng kiến không còn là chuyện hiếm. Trong khi nước Đức đang mất đi hai tờ nhật báo chất lượng, thì ở Tây Ban Nha, số lượng biên tập viên và phóng viên của các tờ báo đang bị cắt giảm mạnh. Tại Italy, liên tục xuất hiện tin đồn về vụ sáp nhập các tờ báo.

Cuộc khủng hoảng của những tờ báo nhỏ phục vụ các thị trường nhỏ tại châu Âu chưa thể sánh với những “tấn bi kịch” từng xảy ra trong làng báo in Mỹ. Chẳng hạn, vào năm 2008, Tribune Company, công ty xuất bản tờ  Chicago Tribune, đã đệ đơn xin phá sản chỉ một năm sau khi CEO Sam Zell dùng đòn bẩy nợ để mua lại công ty với mức giá 8,2 tỷ USD.

“Nhưng cuộc khủng hoảng báo in đang xảy ra ở tất cả các quốc gia phát triển phương Tây, dù mức độ nặng nhẹ khác nhau ở từng nước”, ông Douglas McCabe thuộc công ty nghiên cứu truyền thông Enders Research có trụ sở ở London nhận định.

Ông McCabe cho rằng, mặc dù đã chịu tác động từ Internet, các nhà xuất bản báo in của Đức nhìn chung vẫn được cách ly khỏi những ảnh hưởng của báo mạng tốt hơn so với tại các quốc gia khác. “Ở Đức, Internet chưa phát triển như ở Anh. Mức độ thâm nhập của các thiết bị di động cũng chưa lớn như ở Anh. Đức vẫn được xem là một thị trường phụ thuộc nhiều vào báo in”.

Vậy mà, theo Hiệp hội Các nhà xuất bản báo in của Đức, tổng lượng phát hành hàng ngày của các tờ báo in ở nước này trong thời gian từ năm 2005-2012 đã giảm 17%, xuống còn 21,1 triệu bản. Trong cùng khoảng thời gian, một số tờ báo in chất lượng của Anh chứng kiến lượng phát hành giảm khoảng 40-50%.

Lượng phát hành giảm kéo theo sự suy giảm của doanh thu quảng cáo. Ngay từ đầu thập niên 2000, các nhà quảng cáo đã chuyển sang báo mạng, và xu hướng này tăng tốc khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra vào năm 2008, tiếp đó là khủng hoảng nợ công trong khối Eurozone. Hiệp hội Quảng cáo Đức cho rằng, doanh thu quảng cáo của các tờ báo in ra hàng ngày trong năm 2011 là 3,6 tỷ Euro, giảm 45% so với cách đây 12 năm.

Và đây là nguyên nhân chính dẫn tới việc Financial Times Deutschland đình bản và Frankfurter Rundschau xin phá sản.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, rốt cục đã đến lúc phải chứng kiến những gì mà các quốc gia láng giềng đã trải qua.

France-Soir, một tờ báo hàng đầu của Pháp, đã đình bản báo in vào tháng 12 năm ngoái. Đến mùa hè năm nay, báo mạng của tờ này cũng ngừng xuất bản sau khi công ty phá sản. Trước đó, vào tháng Giêng, tờ nhật báo tài chính La Tribune cũng dừng bản in và chuyển sang chuyên báo mạng.

Tại Tây Ban Nha, đã có hàng tá các tờ báo in bị đóng cửa kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu cách đây 4 năm. Đến nay, những tờ báo lớn nhất ở nước này cũng bị khủng hoảng gõ cửa. El País, một trong những tờ báo hàng đầu Tây Ban Nha, đang có ý định cắt giảm 1/3 trong tổng số 460 nhân viên.

Tại Italy, suy giảm kinh tế đã làm dấy lên tin đồn về các vụ sáp nhập trong làng báo chí. Trong đó, gây chú ý nhất là tin đồn về khả năng “về chung một nhà” giữa các tờ Corriere della Sera và Gazzetta dello Sport của công ty RCS Mediagroup với tờ la Stampa của gia đình Agnelli.

Một sự thật u ám mà ngành báo in châu Âu đang phải đối mặt là những nỗ lực cắt giảm chi phí hay sáp nhập… có lẽ sẽ không đủ để đảm bảo khả năng tồn tại cho nhiều tờ báo. Ông Claudio Aspesi, một nhà phân tích thuộc hãng nghiên cứu Bernstein Research ở London, dự báo rằng, rồi sẽ có thêm những “nạn nhân” nữa phải ra đi.

“Có thể sẽ chỉ có một vài tờ báo in đủ khả năng phát triển được mô hình kinh doanh bền vững. Đó sẽ là những tờ báo lớn mang tầm quốc tế” như Financial Times hay New York Times. “Những tờ báo khác sẽ phải đi tìm cho mình một ‘mạnh thường quân’ hoặc núp bóng những tờ báo lớn hơn”.

Ở Pháp, Italy và Anh, đã xuất hiện mô hình các “đại gia” thâu tóm các công ty trong lĩnh vực truyền thông, vừa để gây ảnh hưởng vừa để tìm kiếm lợi nhuận. Trong số đó phải kể đến tờ nhật báo tài chính Les Échos về tay hãng đồ hiệu LVMH của tỷ phú Bernard Arnault; tờ Le Monde nổi tiếng của Pháp được cứu bởi một nhóm doanh nhân nghiêng về cánh tả; hay tờ Le Figaro với lượng phát hành hàng ngày lớn nhất ở Pháp 307.000 bản về tay tập đoàn quốc phòng Dassault.

Sau khi đệ đơn xin phá sản, tờ Frankfurter Rundschau vẫn đang hy vọng sẽ có một nhà đầu tư nào đó tới “giải cứu”. Nhưng nỗ lực cầu cứu của tờ Financial Times Deutschland đã bất thành. Theo ông Aspesi, việc sở hữu một tờ báo “không vì những lý do kinh tế” có vẻ như không hấp dẫn giới nhà giàu ở Đức.

“Có vẻ như các tỷ phú Đức tiết kiệm hơn tỷ phú ở các nước khác”, ông Aspesi phát biểu.