09:32 05/05/2014

Khủng hoảng Ukraine và “trật tự thế giới G-Zero”

An Huy

“G-Zero” là một trật tự thế giới trong đó không một quốc gia hay liên minh nào đáp ứng được những thách thức của vai trò lãnh đạo toàn cầu

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) tại hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra ở St. Petersburg, Nga tháng 6/2013 - Ảnh: Reuters.<br>
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) tại hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra ở St. Petersburg, Nga tháng 6/2013 - Ảnh: Reuters.<br>
Theo trang Business Insider, chuyên gia về địa chính trị Ian Bremmer thuộc hãng tư vấn Eurasia Group vừa đưa ra trên trang Twitter cá nhân một bảng tóm tắt đáng chú ý về các động thái của Nga ở Ukraine và cách phản ứng sau đó của quốc tế.

Bảng tóm tắt này cho thấy, vào ngày 19-20/1, khi Nga gia tăng sức ép đối với Kiev, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cùng bày tỏ thái độ quan ngại sâu sắc, còn Trung Quốc không bày tỏ quan điểm gì.

Ngày 28/2, Nga đưa quân vào Crimea. Phản ứng khi đó của Mỹ và EU vẫn là quan ngại sâu sắc và Trung Quốc tiếp tục không bày tỏ quan điểm. Hai ngày sau đó, tức ngày 2/3, khi Nga chiếm Crimea, Mỹ, EU và Trung Quốc cùng quan ngại sâu sắc.

Ngày 19/3, Crimea tổ chức trưng cầu dân ý với kết quả đại bộ phận dân chúng nhất trí gia nhập Nga. Mỹ và EU tiếp tục quan ngại sâu sắc, Trung Quốc thể hiện thái độ quan ngại.

Ngày 13/4, Nga bị cho là cử lực lượng đặc biệt tới Ukraine, các lực lượng ly khai thân Nga chiếm giữ các tòa nhà công quyền ở miền Đông Ukraine, phương Tây cho là Nga tập trung 40.000 quân ở biên giới phía Đông. Tuy vậy, phản ứng của phương Tây lúc này vẫn chỉ dừng ở mức đặc biệt quan ngại. Trung Quốc cũng tiếp tục nói lên sự quan ngại của mình.

Ngày 2/5 vừa qua, đụng độ giữa lực lượng của Kiev với người biểu tình thân Nga ở thành phố cảng Odessa của Ukraine đã khiến 42 người thiệt mạng. Phản ứng của EU là lên tiếng cảnh báo, và buồn sâu sắc trước những gì đang diễn ra; Mỹ theo dõi các diễn biến với sự quan ngại sâu sắc và bày tỏ sự chia buồn. Trung Quốc quan ngại sâu sắc.

Cũng cần phải nói thêm rằng, chuyên gia Bremmer đã không đề cập tới hai đợt trừng phạt mà Mỹ và EU đồng loạt áp lên Nga sau các bước tiến của Moscow ở Ukraine. Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá rằng, việc trừng phạt một số quan chức, doanh nhân và doanh nghiệp Nga thân cận với Tổng thống Vladimir Putin là “nhẹ tay” và sẽ không đủ sức lay chuyển ý chí của người đứng đầu điện Kremlin trong vấn đề Ukraine.

Thậm chí, sau đợt trừng phạt mới nhất của phương Tây hôm 28-29/4 vừa rồi, thị trường chứng khoán và đồng Rúp của Nga còn tăng điểm vì giới đầu tư cho rằng, các lệnh trừng phạt không mạnh như dự kiến.

Trong một bức email gửi Business Insider, chuyên gia Bremmer lý giải về bảng tóm tắt mà ông đưa ra: “Cuộc khủng hoảng Ukraine đang trở thành hiện thân của G-Zero. Cả thế giới cùng “quan ngại”, nhưng hầu như chẳng có ai sẵn sàng có những hành động cần thiết để bảo vệ người Ukraine hay đảm bảo rằng Nga sẽ có điểm dừng”.

“G-Zero” là một trật tự thế giới trong đó không một quốc gia hay một liên minh bền vững các quốc gia nào có thể đáp ứng được những thách thức của vai trò lãnh đạo toàn cầu.

Ở thời điểm hiện tại, các phần tử ly khai thân Nga - được cho là có sự hậu thuẫn của lực lượng đặc biệt của Nga - đang tiếp tục chiếm lĩnh các khu vực ở miền Đông Ukraine và gây mất ổn định ở phía Nam của nước này. Trong khi đó, Mỹ và EU đang có quan điểm thiếu nhất quán về trừng phạt Nga. Nếu như Mỹ tỏ ra ít nhiều kiên quyết hơn thì EU lo việc trừng phạt Nga sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của các nước nội khối.

“Đó là lý do vì sao thế giới sẽ không rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh mới”, chuyên gia Bremmer viết. “Châu Âu không thực sự ủng hộ Mỹ. Trung Quốc không thực sự ủng hộ Nga. Và thậm chí ngay cả Mỹ cũng không sẵn sàng có những bước đi dù chỉ thận trọng để phản ứng trước các động thái leo thang của Nga”.