09:52 30/08/2007

Khuyến mại gọi quốc tế để đẩy lùi thẻ lậu

T.H

Công ty Cổ phần Internet Một Kết Nối (OCI) vừa công bố chương trình khuyến mại gọi điện thoại quốc tế qua Internet

Một sản phẩm thẻ điện thoại Internet của OCI.
Một sản phẩm thẻ điện thoại Internet của OCI.
Công ty Cổ phần Internet Một Kết Nối (OCI) vừa công bố chương trình khuyến mại gọi điện thoại quốc tế qua Internet.

Mang tên “Gọi quốc tế miễn phí - Cơ hội cho mọi người”, đại diện OCI nói chương trình là một nỗ lực của doanh nghiệp trong cuộc chiến chống lại thẻ điện thoại Internet lậu, vốn vẫn còn khá phổ biến trên thị trường.

Trong chương trình khuyến mại mới, các khách hàng sử dụng bất kỳ thẻ điện thoại Internet nào của OCI (VietVoice, Ring-Voiz, UsVoiz, SaigonVoice) có mệnh giá từ 198.000 đồng trở lên được kích hoạt sử dụng trong thời gian từ ngày 1/9 đến hết ngày 30/9/2007 sẽ được gọi điện thoại miễn phí hoàn toàn trong 15 ngày đến 35 quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Canada, Úc, Anh, Đức, Pháp, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Kông, Thái Lan, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Hà Lan, Nga, Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan, Ý, Thụy Sĩ, Bỉ, Áo, Phần Lan, Ireland, Tây Ban Nha, Bỉ…

Theo thống kê chính thức mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, thẻ điện thoại Internet lậu đã bị đẩy lùi từ 90% thị phần cách đây một năm xuống dưới 30% vào thời điểm hiện tại. OCI cũng đã vươn từ 0,5% lên dẫn đầu thị trường với 40% thị phần. Thị phần của các nhà cung cấp dịch vụ hợp pháp khác tại Việt Nam cũng đang gia tăng đáng kể.

Với chương trình khuyến mại này, đại diện OCI tin tưởng công ty sẽ giành thêm 5% thị phần từ thẻ lậu từ nay đến cuối năm 2007.

Điện thoại Internet là lĩnh vực thuộc loại hình cung cấp dịch vụ không hạ tầng (SBO – service based operator) theo thỏa thuận gia nhập WTO của Việt Nam và được dự báo là sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Lĩnh vực này sẽ phải mở cửa mạnh mẽ cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài 3 năm sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO.

Tức là đến cuối năm 2009 thì các nhà khai thác nước ngoài được tham gia thành lập doanh nghiệp (có quyền chiếm đến 65% cổ phần) và xin phép cung cấp dịch vụ này tại Việt Nam. Đây là cơ hội tốt, nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với các OSP viễn thông của Việt Nam, trong đó có OCI.