09:49 16/09/2013

Kiếm tiền ở Myanmar: Nhanh chân, nhưng chớ vội

Kim Hoa

Với người tiêu dùng Myanmar, có 4 điều sẽ rất khó thay đổi: điện thoại Nokia, nước hoa Pháp, wishky Scotland và xe hơi Toyota

Khu chợ đá nổi tiếng ở Yangon.
Khu chợ đá nổi tiếng ở Yangon.
Theo chân đoàn khảo sát thị trường Myanmar của Công ty Cổ phần Nhựa Tân Phú - một doanh nghiệp ngành nhựa lớn của Việt Nam, chuyên sản xuất bao bì rỗng - chúng tôi đến đất nước chùa vàng vào những ngày cuối tháng 8 ẩm ướt.

Đến mới thấy, Myanmar là một thị trường không khó đặt chân vào, nhưng để trụ lại thì không đơn giản chút nào…

Từ những ngạc nhiên thú vị…

Lần đầu đến Yangon - cố đô của Myanmar, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi một đất nước nông nghiệp chỉ mới "mở cửa" khoảng 2 năm nay nhưng giao thông đã khá quy củ: Đường sá rộng, hoàn toàn không có xe gắn máy, thậm chí xe đạp cũng bị cấm lưu thông; ô tô tay lái thuận và nghịch đều được lưu thông, nên vượt trái hay vượt phải đều không bị cấm.

Nghe nói, chỉ cách đây khoảng nửa năm thôi, khi đi taxi, người ta còn phải giữ cửa kẻo nó có thể "rụng" ra bất cứ lúc nào. Nhưng giờ đây, phương tiện này trông khá "bắt mắt" - mới và sạch sẽ, vì hầu như không có tình trạng va quệt trên đường.

Tất cả taxi ở Yangon hiện đều là "xe chính chủ" - người có xe muốn hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ này thì đăng ký với một tổ chức gọi là City Taxi, rồi hoạt động độc lập. Do vậy, phí dịch vụ này cũng không được quy định thống nhất mà là sự thoả thuận giữa tài xế và khách hàng.

Tuy nhiên, bạn cũng không phải quá lo lắng, vì họ thường không "nói thách" quá cao, mức giá được đề nghị và mức giá hợp lý chỉ chênh nhau khoảng 2-3%. Nếu bạn có một "thổ dân" gọi giúp taxi thì càng yên tâm, không sợ bị "chặt chém".

Với người Myanmar, chỉ ngay sau lần đầu tiếp xúc, bạn sẽ thấy mình không nên vội "trông mặt mà bắt hình dong". Những người đàn ông trông có vẻ bặm trợn hay những phụ nữ nhìn có vẻ khó gần ấy rất tốt bụng.

Nếu bạn đề nghị được giúp đỡ, họ sẵn sàng bỏ dở công việc của mình để hướng dẫn bạn tận tình, thậm chí nếu không rành, họ sẽ tự mình đi tìm hiểu để có thể cung cấp cho bạn câu trả lời chính xác.

Không chỉ ở trung tâm thương mại - dịch vụ là Yangon, mà ngay cả ở các vùng lân cận, những tràng trai, cô gái trẻ có làn da ngăm đen và vẻ mặt khắc khổ tỏ ra khá lịch sự trong giao tiếp.

Cảm giác thật dễ chịu khi nhận một vật từ bàn tay được nâng bởi bàn tay kia của người tiếp xúc! Tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng khá thông dụng ở Myanmar, vì vậy, bạn sẽ không gặp khó khăn khi mua bán, tìm hiểu thị trường, ngay cả trong các chợ truyền thống.

...đến những thực tế khó lường


Thị trường hơn 60 triệu dân; chỉ tự sản xuất được chưa đến 20% sản phẩm, còn hơn 80% hàng hoá phải nhập khẩu; hơn 75% dân số sống bằng nghề nông, Myanmar đang được coi là "mỏ vàng" của châu Á. Tuy nhiên, hành trình trụ lại của các nhà đầu tư và kinh doanh tại đây còn được xem là khá gian truân.

Người Myanmar rất trọng chữ tín và khá “bảo thủ”, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Myanmar Phạm Thanh Dũng cảnh báo với các doanh nghiệp Việt Nam trong buổi tiếp đoàn tại Tòa đại sứ.

Và chia sẻ của người lái taxi trên hành trình gần 400 km từ Yangon đến Thủ đô Naybydaw cũng cho chúng tôi biết điều này, với người tiêu dùng Myanmar, có 4 điều sẽ rất khó thay đổi: điện thoại Nokia, nước hoa Pháp, wishky Scotland và xe hơi Toyota.

Người Myanmar nếu đã thích một sản phẩm nào ngay lần đầu sử dụng thì dù cho nó có lỗi cũng sẽ bỏ qua. Tuy nhiên, nếu lỗi xảy ra đến lần thứ ba thì không những họ sẽ từ bỏ sản phẩm đó mà còn "kêu gọi" bạn bè, người thân của mình không sử dụng nó nữa.

Vì vậy, muốn giữ được đối tác và người tiêu dùng Myanmar, bạn không chỉ phải lấy được thiện cảm của họ ngay trong lần đầu gặp, mà còn phải thận trọng trong suốt quá trình giao dịch với họ.

Thu nhập bình quân đầu người ở Myanmar hiện ở mức rất thấp (khoảng 500 USD); tỷ lệ người có thu nhập cao chỉ khoảng 4-5%, 15-16% có thu nhập trung bình, số còn lại thu nhập khoảng 50-70 USD/tháng.

Những con số này lý giải một thực tế là dù khá nhiều người Myanmar chia sẻ rằng họ “không có niềm tin” với các doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn ở đây, nhưng hàng hóa Trung Quốc vẫn tràn ngập thị trường. Lợi thế phí vận chuyển đường bộ thấp (do giáp biên giới) cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc hạ thấp tối đa giá bán sản phẩm.

Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp của Myanmar là 25%. Hàng hóa đưa vào Myanmar chịu thuế nhập khẩu 5%. Myanmar không áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) nhưng đánh thuế thương mại đối với hàng nhập khẩu với mức tương đương (10%).

Điều mà các doanh nghiệp xuất khẩu cần biết là hiện các doanh nghiệp Myanmar không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động. Nhờ chính sách này, giá thành sản phẩm sản xuất tại Myanmar được hạ đáng kể.

Bà Nguyễn Thị Ly, Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Cổ phần Nhựa Tân Phú cho biết: “Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, nhu cầu - cả hàng hóa thành phẩm và bán thành phẩm - ở Myanmar rất cao, tuy nhiên hàng Việt Nam sẽ không dễ cạnh tranh với hàng Trung Quốc và Thái Lan ở đây.

Hàng Thái Lan tuy nhìn chung giá cả cao nhưng chất lượng lại đáng tin cậy và đặc biệt là chi phí vận chuyển ít do chung biên giới với Myanmar. Hàng Trung Quốc, tuy chất lượng còn thiếu độ tin cậy nhưng bù lại giá lại rất cạnh tranh. Mà thu nhập bình quân của người dân Myanmar hiện đang ở mức thấp nên giá cả là một yếu tố rất quan trọng để các doanh nghiệp Trung Quốc giành lợi thế trên thị trường.

Còn hàng Việt Nam, chất lượng cũng đã được tin cậy, tuy nhiên thời gian vận chuyển dài (khoảng 12 ngày đi bằng đường biển) và chi phí vận chuyển cao (do phải trung chuyển tại Singapore) khiến không theo kịp diễn biến thị trường và giá sản phẩm bị đội lên cao, khó cạnh tranh nổi.

Việc đầu tư nhà máy sản xuất tại Myanmar, tuy được xem là đang được "chủ nhà" kêu gọi và khuyến khích (được miễn thuế 5 năm hoạt động đầu tiên), nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng hạ tầng cũng như vận hành do giá nguyên vật liệu xây dựng cao, nhân công có tay nghề hầu như không có…".

Thông tin liên lạc là vấn đề khá “áp lực” với người nước ngoài tại Myanmar. Nếu khi đến hầu hết các nước ở vùng Đông Á, bạn chỉ cần mua một sim điện thoại với giá từ một đến vài trăm ngàn đồng (tiền Việt Nam) là có thể dễ dàng thực hiện cuộc gọi về Việt Nam thì tại Myanmar, điều này chưa có.

Tại đây, hiện thuê bao di động hoàn toàn là hình thức trả trước với 2 loại sim: loại 2 USD là do chính phủ hỗ trợ người dân, nhưng phải bốc thăm và số người may mắn không nhiều; còn loại ai cũng có thể mua dùng thì có giá đến 300 USD/số điện thoại, và muốn mở 3G phải đóng 50.000 kyats (tương đương 50 USD).

Đã vậy, Internet cũng còn rất “yếu”, vì sân chơi này hiện mới chỉ có một doanh nghiệp là công ty liên doanh giữa Chính phủ Myanmar với một một công ty trong nước.

Myanmar là nước cấp visa ngay tại cửa khẩu cho người nước ngoài. Khách du lịch được cấp phép lưu trú 28 ngày (không gia hạn), doanh nghiệp được lưu trú 70 ngày (được gia hạn), công vụ 28 ngày (được gia hạn). Đại sứ Việt Nam tại Myanmar cung cấp một tin vui: Có thể đến cuối năm nay, công dân Việt Nam và công dân các quốc gia trong khối ASEAN đến Myanmar sẽ không phải xin visa.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam rằng, Myanmar đang thay đổi từng ngày từng giờ, do vậy để có thể kinh doanh tại đây, các doanh nghiệp Việt Nam ngoài việc tìm hiểu kỹ văn hóa, tập quán của người dân địa phương, cần cập nhật thông tin liên tục, từ các chính sách, quy định của nhà nước đến tình hình thị trường.

(Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn)