Kiến nghị có chính sách riêng về nhà ở cho công nhân, quy định tiêu chuẩn tối thiểu về phòng trọ
Tham gia phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, công tác phòng chống dịch và ngân sách nhà nước chiều 8/11, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) chỉ ra nhiều bất cập trong vấn đề nhà ở của công nhân lao động trong bối cảnh đại dịch và đưa ra một số kiến nghị...
Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường, đại dịch Covid-19, đặc biệt là đợt bùng phát dịch thứ 4 đã trực tiếp tấn công vào lực lượng công nhân lao động và các khu công nghiệp gây hậu quả hết sức nặng nề. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp ngừng hoạt động, nhiều triệu lao động mất việc làm phải ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không lương.
CÓ CHÍNH SÁCH RIÊNG VỀ NHÀ Ở CHO CÔNG NHÂN ĐỂ THU HÚT ĐẦU TƯ
Đại biểu cho rằng dịch bệnh đã phát lộ đầy đủ hơn vấn đề vốn là bức xúc của công nhân lao động - đó là nhà ở.
“Số đông công nhân lao động di cư đang phải ở trong khu nhà trọ chật hẹp, ẩm thấp, san sát nhau, nguy cơ lây nhiễm bệnh tật, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự rất cao”, đại biểu đoàn Hà Nội chỉ ra.
Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về nhà ở xã hội, trong đó tách riêng chính sách về nhà ở cho công nhân để thu hút đầu tư xây dựng và tạo cơ chế để công đoàn là chủ thể tham gia xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân.
Ngoài ra, đại biểu cũng kiế nghị có chính sách và gói hỗ trợ thúc đẩy đầu tư xây dựng, cải tạo nhà ở cho công nhân lao động thuê, mua. Cùng với đó, ban hành quy định về tiêu chuẩn tối thiểu phòng trọ, giúp công nhân an cư lạc nghiệp cũng là góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, hiện đại.
Ngoài vấn đề nhà ở, đại biểu Nguyễn Phi Thường cũng quan tâm tới vấn đề lương tối thiểu cho công nhân lao động. Theo đại biểu, phần lớn công nhân lao động hết thu nhập không thể duy trì cuộc sống sau khi doanh nghiệp ngừng hoạt động một vài tháng.
“Điều này cho thấy thu nhập của công nhân còn rất thấp, không có tích lũy hoặc tích lũy không đáng kể. Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp thúc đẩy vấn đề tiền lương tối thiểu, đã 2 năm liên tục, ta chưa thể tăng lương tối thiểu vì dịch bệnh”, đại biểu đoàn Hà Nội kiến nghị.
Song song với đó, đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển việc làm bền vững, tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Về các gói hỗ trợ, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng các gói hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp có những nội dung chưa khả thi, khó thực hiện, việc triển khai có lúc chưa kịp thời. Do đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện, đảm bảo tất cả gói hỗ trợ đều đến được với người lao động, hỗ trợ họ khắc phục khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.
Cùng với việc hỗ trợ, đại biểu cũng quan tâm tới “vấn đề sống còn” để khôi phục sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động – đó là đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động.
“Những năm qua, công tác này được quan tâm nhưng hiệu quả chưa cao, kỹ năng nghề của lao động Việt Nam còn ở mức rất thấp. Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm hơn cả chính sách, nguồn lực, đặc biệt là khâu tổ chức thực hiện, cần đưa công đoàn là một chủ thể tham gia vào quá trình nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động với các chính sách, nguồn lực cụ thể”, đại biểu đoàn Hà Nội kiến nghị.
CẦN CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ ĐỂ HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG, DOANH NGHIỆP
Cũng quan tâm về vấn đề hỗ trợ người lao động, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng để phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, cần đặc biệt quan tâm tới công nhân lao động, tạo động lực cho người lao động quay trở lại làm việc. Theo đại biểu, đây là thời điểm người lao động là động lực tăng trưởng, bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là đóng góp vào động lực tăng trưởng của đất nước.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc. Cụ thể, cần đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động và kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn và tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống.
Cùng với đó, đại biểu kiến nghị triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cũng như một số các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn về bảo vệ sức khỏe phù hợp, giúp tạo tâm lý yên tâm quay trở lại làm việc cho người lao động.
“Đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp lâu dài về nguồn lực để bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản nhằm tránh rủi ro và bảo đảm cơ hội công bằng cho toàn dân. Chính phủ có thể phải cân nhắc đến việc bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường để giải quyết các tình huống bất thường”, đại biểu đoàn Hà Nam nêu ý kiến.
Còn theo đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên), để tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động, cần đánh giá thực trạng nguyên nhân và có chính sách để tận dụng lực lượng lao động, huy động lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ nhằm phát huy tối đa sức mạnh của nguồn lực trong kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị Quốc hội và Chính phủ tiếp tục có những giải pháp, chính sách đặc biệt, đặc thù để hỗ trợ người lao động và hỗ trợ doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hiện nay. Song song với đó phải tăng cường công tác kiểm tra việc triển khai các giải pháp, các gói hỗ trợ để bảo đảm đúng đối tượng, đúng tiến độ.