13:44 21/07/2021

Kiên quyết rút khỏi quy hoạch những cụm công nghiệp kém hiệu quả

Song Hà

Hiện mới chỉ có 141/730 cụm công nghiệp (khoảng 20%) đi vào hoạt động đã hoàn thiện công trình xử lý môi trường chung. Thời gian tới ngành Công Thương tăng cường kiểm tra, xử lý, giám sát chặt chẽ các cụm công nghiệp gây ô nhiễm môi trường...

Hiện nay có 141/730 cụm công nghiệp đã hoàn thiện công trình xử lý môi trường chung.
Hiện nay có 141/730 cụm công nghiệp đã hoàn thiện công trình xử lý môi trường chung.

Theo báo cáo của Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), đến hết năm 2020, cả nước có 968 cụm công nghiệp với tổng diện tích 30.912 ha đã được thành lập.

Trong đó có 450 cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng (chiếm 46,5%), các cụm công nghiệp còn lại do Trung tâm phát triển cụm công nghiệp, Ban Quản lý cụm công nghiệp cấp huyện, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Công Thương và các đơn vị khác làm chủ đầu tư.

 

Các cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư nhiều ở các vùng Đông Nam Bộ (chiếm 78,5% so với các cụm công nghiệp đã thành lập trong vùng), đồng bằng sông Cửu Long (chiếm 71,7%), đồng bằng sông Hồng (chiếm 49,5%), trung du miền núi Bắc Bộ (48,5%) và thấp ở vùng Duyên hải miền Trung (chiếm 25,8%), Tây Nguyên (17,1%).

Về vấn đề xử lý môi trường cụm công nghiệp, Cục Công Thương địa phương cho biết, hiện nay có 141/730 cụm công nghiệp (khoảng 20%) đi vào hoạt động, đã hoàn thiện công trình xử lý môi trường chung.

Đây đa phần là các cụm công nghiệp thành lập sau Quyết định 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các cụm công nghiệp còn lại, chủ yếu hình thành trước Quyết định 105/2009/QĐ-TTg, chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hiện đang rất cần chỉ đạo, xử lý dứt điểm tình trạng này.

Hơn nữa, mặc dù Sở Công thương là cơ quan đầu mối quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh, tuy nhiên, để triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp, các doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục tại nhiều cơ quan nhà nước khác nhau.

Cụ thể như chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Sở Kế hoạch và Đầu tư; phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tại Sở Xây dựng; phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, thủ tục giao đất tại Sở Tài nguyên và Môi trường ….

Chính những rào cản về thủ tục pháp lý, gây tốn kém thời gian và chi phí khiến doanh nghiệp không mặn mà đầu tư hạ tầng môi trường.

Bên cạnh đó, vai trò cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về cụm công nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh của Sở Công Thương còn mờ nhạt, chưa phát huy hiệu quả.

Tại “Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp” mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, thời gian tới cần tăng cường kiểm tra, xử lý, giám sát chặt chẽ các cụm công nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Với trách nhiệm của ngành, Bộ Công Thương sẽ quyết liệt chỉ đạo UBND cấp tỉnh quản lý chặt chẽ, đúng quy định đối với phát triển cụm công nghiệp từ khâu lập phương án phát triển cụm công nghiệp tích hợp vào quy hoạch tỉnh, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng đến hoạt động của các cụm công nghiệp.

Định kỳ kiểm tra, đánh giá việc chấp hành các quy định, chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại các địa phương. Đồng thời, chỉ đạo xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là rác thải, nước thải tại các cụm công nghiệp.

Xử lý dứt điểm đối với cụm công nghiệp hoạt động nhưng không chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường (đặc biệt là các cụm công nghiệp hình thành trước Quyết định 105/2009/QĐ-TTg).

Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cần quản lý chặt chẽ, hiệu quả việc phát triển cụm công nghiệptheo đúng quy định tại các Nghị định liên quan. Thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư, hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp hiện có, hiệu quả sử dụng đất và tuân thủ quy định của pháp luật bảo vệ môi trường, đất đai, xây dựng,...

Đặc biệt, xử lý dứt điểm (kể cả rút khỏi quy hoạch, thu hồi đất, chuyển đổi chủ đầu tư) những cụm công nghiệp kém hiệu quả, vi phạm pháp luật, không còn phù hợp điều kiện thực tế của địa phương.

Bộ Công Thương cũng đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý, giám sát chặt chẽ các cụm công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.

Đồng thời, chỉ đạo hoàn thành đầu tư công trình xử lý nước thải tập trung các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động trước ngày 1/1/2024 theo quy định tại Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.