17:25 25/06/2008

“Kinh tế đang chuyển biến tích cực”

Mạnh Chung

“Những số liệu sáng sủa trong tháng 6 này cho thấy kinh tế Việt Nam đang chuyển biến tích cực”

“Theo ý kiến tư vấn của nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế, Việt Nam nên duy trì ổn định giá một số mặt hàng đế hết năm. Cần xem xét bình ổn giá ở từng mặt hàng cụ thể, tránh điều chỉnh ồ ạt.”
“Theo ý kiến tư vấn của nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế, Việt Nam nên duy trì ổn định giá một số mặt hàng đế hết năm. Cần xem xét bình ổn giá ở từng mặt hàng cụ thể, tránh điều chỉnh ồ ạt.”
“Những số liệu sáng sủa trong tháng 6 này cho thấy kinh tế Việt Nam đang chuyển biến tích cực”.

Nhận định như vậy trong cuộc trao đổi với VnEconomy, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh đưa ra một loạt dẫn chứng.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 6 chỉ còn khoảng 2,14%, thấp hơn nhiều so với chỉ số của tháng 5 là 3,91%. Nhập siêu trong khi quý 1/2008 lên tới 8,3 tỷ USD thì đến quý 2 chỉ còn 6,4 tỷ USD, riêng tháng 6 nhập siêu giảm mạnh còn 1,3 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức 2,85 tỷ USD trong tháng 5. Xuất khẩu trong tháng 6 đạt khoảng 6,3 tỷ USD, vượt kỷ lục 5,15 tỷ USD của tháng 5, nâng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 29,7 tỷ USD, tăng 31,8% so với cùng kỳ năm ngoái...

Chỉ số lạm phát, nhập siêu trong tháng 6 đã có những tín hiệu vui. Theo ông, đâu là nguyên nhân?


Tháng 6, lạm phát đã dịu xuống. Tôi cho rằng kết quả đó là tác động từ những nguyên nhân sau.

Thứ nhất, giải pháp tiền tệ của Chính phủ đã phát huy tác dụng, thể hiện rõ nhất là tổng phương tiện thanh toán đã giảm nhiều so với trước đây, trong khi lạm phát có liên quan rất nhiều đến phương tiện thanh toán.

Thứ hai, vụ đông xuân năm nay ở cả các tỉnh phía Bắc và phía Nam đều được mùa lớn. Năng xuất lúa tăng hơn so với năm 2007. Trong khi cơ cấu lạm phát có tới 42,8% là nhóm lương thực, thực phẩm. Vì được mùa lương thực nên đã làm giảm áp lực, lo lắng về tình trạng thiếu gạo và trấn an tâm lý người dân, không đẩy giá lương thực - thực phẩm tăng cao.

Thứ ba, việc Chính phủ cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo cũng là một chính sách có tác động tích cực cho thị trường, nhất là yếu tố tâm lý người dân. Trước đây, do lo ngại thiếu lương thực nên Chính phủ chỉ dự kiến xuất khẩu gạo đến tháng 9/2008 là 3,5 triệu tấn, sau đó có xem xét cụ thể để tăng thêm. Nhưng vụ đông xuân vừa rồi lại được mùa nên không chờ đến tháng 9/2008 mà Chính phủ tuyên bố ngay từ tháng 6 tăng xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm lên 4,5 triệu tấn.

Thứ tư, tốc độ xây dựng cơ bản trong quý 2 đã chậm, chủ yếu do trượt giá, nên nhu cầu tiêu thụ nguyên vật liệu xây dựng không còn sôi nổi như năm ngoái. Điều này khiến giá cả thị trường bớt nóng hơn so với giá thế giới, khiến thị trường tạm bình ổn.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân không kém phần quan trọng là tâm lý người dân đã bình ổn hơn.

Chính những yếu tố tích cực trên đã khiến chỉ số lạm phát lùi dần.

Vậy việc cắt giảm đầu tư công có tác động gì không, thưa ông?


Ngày 22/6 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức 11 đoàn kiểm tra đầu tư công, nhằm rà soát lại đầu tư, vay nợ tín dụng,…

Cùng với báo cáo các địa phương đã gửi về, cộng thêm kiểm tra thực tế, Bộ sẽ kiểm tra việc chấp hành thực hiện việc rà soát, những gì tốt và chưa tốt để có những nhận xét, kiến nghị và điều chỉnh kịp thời.

Theo ý kiến của Thủ tướng, các công trình sử dụng vốn huy động trái phiếu phải giảm 20% trong tổng số vốn 37.000 tỷ đồng đưa ra từ đầu năm, và những dự án xây dựng cơ bản không hiệu quả sẽ ngừng, giãn, đình hoãn… Hiện theo báo cáo của các địa phương mới gửi về bộ, có khoảng 1.600 dự án sẽ ngừng, đình hoãn với trên 5.000 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, sau ngày 30/6, các đoàn sẽ báo cáo cụ thể việc cắt giảm này. Kết quả này cũng có tác động phần nào làm đến giảm lạm phát.

Nhưng thưa ông, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc cắt giảm đầu tư công mới chỉ ở mức 5.000 tỷ đồng thì vẫn còn ít…


Cắt giảm đầu tư chỉ là một hướng trong nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ. Nhưng quan trọng là việc cắt giảm phải xem xét dự án đó có hiệu quả hay không.

Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay, nên cắt giảm các dự án không hiệu quả mà phải đi vay với lãi suất ngân hàng cao, nhưng những dự án lớn, có hiệu quả thiết thực thì vẫn tiếp tục khởi công xây dựng.

Chúng ta không nên cứng nhắc trong việc cắt giảm.

Một số biện pháp mang tính hành chính nhằm kiềm chế lạm phát của Chính phủ thời gian qua chỉ là nhất thời? Theo ông, thời gian tới, chúng ta có nên “cởi” bớt một số biện pháp để tránh làm biến dạng nền kinh tế thị trường?


Tôi nghĩ, trong cơ chế thị trường chúng ta nên áp dụng các biện pháp thị trường là chủ yếu, phù hơp với cam kết quốc tế.

Thực chẩt các rào cản kỹ thuật chính là các thủ tục hành chính mà quốc tế cho phép. Chính việc thực hiện rào cản sẽ bảo đảm cho xuất nhập khẩu và hay hơn nhiều là đưa ra các biện pháp cấm đoán.

Tuy vậy, trong bối cảnh cấp thiết phải có các biện pháp hành chính nhưng có giới hạn, có lộ trình và quan trọng là phải minh bạch. Đây sẽ là xu hướng chung của các nước thị trường để bảo vệ mình. Điều quan trọng phải nghiên cứu, phân tích kỹ từng thị trường để có những giải pháp thích hợp, để các doanh nghiệp có thể dự tính được trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Chẳng hạn, nếu nói cấm nhập siêu sẽ rất chung chung, không đi vào cuộc sống mà nên đi vào phân tích cụ thể. Như thị trường nào ta đang nhập siêu nhiều nhất, đang nhập siêu mặt hàng gì, mặt hàng đó có cần thiết có cần thiết cho đời sống không?...

10 mặt hàng được Chính phủ bình ổn giữ giá đến hết tháng 6, nhưng nhiều người dân, doanh nghiệp vẫn “thấp thỏm lo tăng giá” sau tháng 6. Theo ông, điều này có làm nảy sinh tâm lý tích trữ đầu cơ hàng hoá?

Chính phủ đã có 8 nhóm giải pháp cơ bản, và mục tiêu cơ bản là nhất thiết không để xảy ra tình trạng lạm dụng các biến động về nguồn hàng, giá cả trên thị trường để đầu cơ, nâng giá, nhất là đối với các loại vật tư quan trọng như: xăng, dầu, điện, xi măng, sắt, thép, phân bón, thuốc trừ sâu và hàng tiêu dùng thiết yếu như: lương thực, thuốc chữa bệnh... sau tháng 6/2008.

Tuy nhiên, theo tôi, chính sách một số mặt hàng cũng nên thay đổi. Tất nhiên, không phải là mặt hàng nào sau tháng 6 chúng ta cũng sẽ "thả".

Theo ý kiến tư vấn của nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế, Việt Nam nên duy trì ổn định giá một số mặt hàng đế hết năm. Cần xem xét bình ổn giá ở từng mặt hàng cụ thể, tránh điều chỉnh ồ ạt.

Những mặt hàng Nhà nước quản lý giá, nếu có tăng thì cũng phải có lộ trình, để doanh nghiệp có phương án kinh doanh cụ thể để đảm bảo sản xuất kinh doanh, như mặt hàng than, điện chẳng hạn.

Ông có nhận định gì về thị trường kinh tế 6 tháng cuối năm 2008?


Tôi cho rằng, chúng ta cần phải tiếp tục theo dõi những chính sách của Chính phủ, thực hiện chính sách công khai minh bạch để tạo lòng tin cho người dân.

Ví dụ như vừa rồi, Chính phủ có công bố dự trữ ngoại hối là 20,7 tỷ USD để người dân yên tâm giảm tích trữ ngoại tệ, không tích trữ…

Một trong những vấn đề quan trọng là đẩy mạnh giải ngân vốn FDI để cải thiện cán cân vãng lai tốt hơn. Vì riêng trong 6 tháng đầu năm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký tiếp tục tăng mạnh, thu hút 31,6 tỷ USD, trong đó vốn đăng ký mới là 31 tỷ USD, vốn bổ sung 600 triệu USD, mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều có tốc độ tăng trưởng khá.

Điều lạc quan là số vốn FDI đăng ký trong 6 tháng qua rất cao, điều đó chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam, vẫn muốn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Điều này cũng chứng tỏ, việc thực hiện 8 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã bắt đầu có hiệu quả tích cực.