13:59 09/07/2025

Tìm thời điểm thích hợp để xoá bỏ room tín dụng

Hoàng Lan

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế khuyến nghị nếu Việt Nam xóa bỏ room tín dụng thì phải nâng cao tính tự chủ của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ. Về phía các ngân hàng thương mại, cần tăng cường vốn tự có, hoàn thiện cơ cấu nguồn vốn, nâng cao năng lực quản trị rủi ro thanh khoản và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế Basel III...

Ngân hàng Nhà nước đang tìm thời điểm bỏ room tín dụng
Ngân hàng Nhà nước đang tìm thời điểm bỏ room tín dụng

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), cho biết hiện nhà điều hành chỉ quản lý theo định mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) với khối ngân hàng thương mại trong nước; dỡ bỏ chỉ tiêu tín dụng đối với các ngân hàng nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, công ty tài chính và tổ chức tín dụng phi ngân hàng... 

Theo ông Quang, đây là bước tiến quan trọng trong lộ trình tiến tới xóa bỏ hoàn toàn cơ chế điều hành room tín dụng trong tương lai.

Từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước triển khai điều hành tăng trưởng tín dụng thông qua cơ chế phân bổ chỉ tiêu tín dụng.

“Chính sách này được áp dụng vì lúc đó tín dụng tăng trưởng "nóng", có những ngân hàng tăng trưởng tín dụng bình quân hàng năm khoảng 35%, thậm chí có năm lên đến 54%.

"Tín dụng tăng trưởng vượt khả năng kiểm soát đã dẫn đến rủi ro mất an toàn hệ thống, cạnh tranh lãi suất không lành mạnh, đẩy nhiều tổ chức tín dụng vào nguy cơ mất khả năng thanh toán”, ông Quang nêu bối cảnh ban hành chính sách.

Do đó, chính sách phân bổ room tín dụng được xem là biện pháp tình thế nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an toàn hệ thống tài chính. 

 

“IMF và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế khuyến nghị rằng, nếu Việt Nam muốn bỏ room tín dụng, cần đồng thời nâng cao tính tự chủ trong điều hành chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương, đặc biệt là trong việc ra quyết định về lãi suất.”

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước

Theo ông Quang, những hệ luỵ do tăng trưởng tín dụng nóng thời điểm trước 2012 hiện vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn và còn ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.

Vì vậy, trong quá trình gỡ bỏ cơ chế tín dụng, cần có chính sách phù hợp với đặc thù kinh tế Việt Nam, vừa tăng cường tính tự chủ của tổ chức tín dụng, vừa đảm bảo an toàn hệ thống, kiểm soát lạm phát và bảo vệ an toàn vĩ mô.

Ông Quang cho biết Ngân hàng Nhà nước thường xuyên tổ chức tham vấn với các chuyên gia, tổ chức trong nước và quốc tế, đồng thời từng bước cải tiến chính sách để phù hợp với diễn biến thị trường.

Theo lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ, nếu hiện nay bỏ hoàn toàn room tín dụng thì một số ngân hàng sẽ tăng trưởng tín dụng ồ ạt, dẫn đến áp lực tăng lãi suất và tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chủ trương duy trì mặt bằng lãi suất thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước.

Đề cập đến điều kiện cần và đủ khi bỏ hoàn toàn room tín dụng, ông Quang cho biết IMF và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế cũng khuyến nghị Việt Nam nếu bỏ room tín dụng thì cần đồng thời nâng cao năng lực điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là khả năng kiểm soát và điều hành lãi suất một cách chủ động và linh hoạt.

“Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề này nhằm đảm bảo quá trình cải cách diễn ra một cách thận trọng, ổn định và phù hợp với bối cảnh trong nước cũng như quốc tế”, ông Quang nói.

Ông Lê Thanh Tùng, Thành viên Hội đồng Thành viên của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho rằng định hướng của Chính phủ, việc chuyển từ cơ chế điều hành tín dụng mang tính hành chính sang cơ chế vận hành theo nguyên tắc thị trường là một xu hướng tất yếu.

Theo ông Tùng, thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đang từng bước ban hành các khung pháp lý mang tính đồng bộ, cập nhật và ngày càng tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế. Mục tiêu dài hạn là nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam, hướng tới tuân thủ các tiêu chuẩn của Basel III – một thông lệ quốc tế phổ biến, được các ngân hàng và định chế tài chính trên toàn thế giới áp dụng nhằm nâng cao năng lực quản trị rủi ro và an toàn vốn. Đồng thời, đây cũng là khuôn khổ được các cơ quan quản lý và giám sát tài chính quốc gia sử dụng để thực hiện công tác giám sát thị trường một cách hiệu quả.

Theo ông Tùng, để dỡ bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng thương mại cần tăng cường năng lực tài chính, đặc biệt là nâng cao vốn tự có và vốn chủ sở hữu. Điều này nhằm đảm bảo rằng quy mô vốn chủ sở hữu phù hợp với tổng tín dụng cung ứng ra nền kinh tế, qua đó duy trì sự an toàn và bền vững trong hoạt động ngân hàng.

Cùng đó, các ngân hàng thương mại phải đảm bảo cơ cấu nguồn vốn hợp lý, kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, cũng như tăng cường năng lực quản trị rủi ro thanh khoản nhằm bảo đảm an toàn hoạt động.