13:00 13/05/2024

Kinh tế EU năm 2023 và dự báo 2024

Bùi Thị Hồng Ngọc*

Nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) đã mất đà trong năm 2023 do chi phí sinh hoạt tăng cao, nhu cầu bên ngoài yếu và thắt chặt tiền tệ. Trong khi hoạt động kinh tế dự kiến sẽ phục hồi trong tương lai, Ủy ban châu Âu (European Commission) tiếp tục điều chỉnh mức tăng trưởng GDP của EU xuống. Lạm phát tại EU được ước tính đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm tại Khu vực đồng Euro (Eurozone) vào tháng 10/2023 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm tiếp...

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), không có định nghĩa chính thức về suy thoái, nhưng có sự thừa nhận chung rằng thuật ngữ này liên quan đến thời kỳ tăng trưởng kinh tế chậm. Tuy nhiên, các nhà kinh tế và phân tích thường coi mức tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp là suy thoái.

Trong khi đó, Cục Nghiên cứu Kinh tế quốc gia (National Bureau of Economic Research – NBER) đưa ra một định nghĩa toàn diện hơn, trong đó suy thoái kinh tế kéo theo sự suy giảm đáng kể về tăng trưởng kinh tế, phổ biến ở tất cả hoặc hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế và kéo dài trong vài tháng. 

MỘT SỐ ĐIỂM NỔI BẬT CỦA NỀN KINH TẾ EU NĂM 2023

Theo định nghĩa của NBER, chúng ta dễ dàng hiểu rằng nền kinh tế EU đang phải đấu tranh với suy thoái. Một trong những chỉ số giúp xem xét mức độ hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế là Chỉ số Quản lý mua hàng (PMI). Chỉ số này đo lường hoạt động trong ngành sản xuất và dịch vụ của một nền kinh tế. Chỉ số PMI được sử dụng rộng rãi để đánh giá tình hình kinh tế và dự báo xu hướng tương lai.

Chỉ số PMI tổng hợp (composite PMI) của Eurozone đạt mức 47,6 vào tháng 12/2023. Chỉ số dưới 50 cho thấy sự co lại của nền kinh tế, ngược lại chỉ số trên 50 cho thấy nền kinh tế đang phát triển. Chỉ số PMI sản xuất (manufacturing PMI) cho thấy hoạt động sản xuất vẫn ở mức dưới 50 trong toàn bộ năm 2023 (hình 1).

Một chỉ số khác đo lường sức khỏe của nền kinh tế là hoạt động cho vay của các ngân hàng. Nếu có nhiều khoản vay được giải ngân hơn, điều đó cho thấy người dân tin tưởng vào triển vọng kinh tế của quốc gia/khu vực và do đó tham gia vào nhiều hoạt động kinh doanh hơn. Số lượng các khoản vay giảm cho thấy điều ngược lại.

Tại EU, các khoản cho vay dành cho doanh nghiệp thấp hơn 0,3% vào tháng 10 năm 2023 so với tháng 10 năm 2022. Đây là mức giảm hàng năm đầu tiên kể từ năm 2015. Tương tự,  tỷ lệ vỡ nợ cho vay tăng là một phương tiện khác để theo dõi sự tăng trưởng ở một quốc gia và căng thẳng ở châu Âu. Thật không may, số vụ vỡ nợ cho vay dường như đang gia tăng.

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), GDP thực tế của EU đã giảm dần từ cuối năm 2022 và trì trệ trong quý 3 năm 2023 so với một năm trước đó (hình 2), tệ hơn so với ước tính ban đầu là tăng 0,1%. Đây là hiệu quả kinh tế yếu nhất kể từ các đợt suy thoái vào năm 2020, với GDP giảm 0,4% ở Đức.

MỘT SỐ TÍN HIỆU TÍCH CỰC CỦA NỀN KINH TẾ EU

Theo Eurostat, tỷ lệ lạm phát ở Eurozone  đã tăng lên 2,9% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 12/2023, nhưng vẫn thấp hơn so với mức đồng thuận của khu vực là 3%. Đây là lần lạm phát gia tăng đầu tiên kể từ tháng 4/ 2023, chủ yếu được thúc đẩy bởi các hiệu ứng cơ bản liên quan đến giá năng lượng. Giá năng lượng giảm 6,7% (so với 11,5% trong tháng 11/2023), trong khi lạm phát dịch vụ vẫn ổn định ở mức 4,0%. Hơn nữa, tốc độ tăng giá ở mức vừa phải đối với cả thực phẩm, rượu và thuốc lá (6,1%  so với 6,9%) và hàng công nghiệp phi năng lượng (2,5% so với 2,9%). Tỷ lệ lạm phát cơ bản (core inflation), không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, cũng hạ nhiệt xuống 3,4%, phù hợp với kỳ vọng và đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022. Trên cơ sở hàng tháng, giá tiêu dùng tăng 0,2% trong tháng 12/2023, sau khi giảm 0,6% trong tháng 11/2023.

Lạm phát giảm tốc là một tin tốt đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sau khi cơ quan này đã có chuỗi kỷ lục 10 lần nâng lãi suất liên tiếp để chống lạm phát. Trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ vào tháng 12/2023, ECB quyết định duy trì lãi suất ở mức 4% trên cơ sở lạm phát tiếp tục giảm mạnh và nền kinh tế suy yếu.

Thị trường lao động EU có diễn biến sôi động trong nửa đầu năm 2023, bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Trong quý 2/2023, tỷ lệ việc làm ở EU đạt mức cao kỷ lục và trong tháng 9/2023, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 6% lực lượng lao động, gần mức thấp kỷ lục (hình 4).

Theo Ủy ban châu Âu (EC), thâm hụt công tại EU giảm khi các biện pháp hỗ trợ tài chính bị loại bỏ. Việc loại bỏ dần các biện pháp tạm thời liên quan đến đại dịch, giảm trợ cấp cho đầu tư tư nhân và giảm tác động ngân sách ròng của các biện pháp liên quan đến năng lượng giúp giảm áp lực lên cân bằng tài chính trong bối cảnh nền kinh tế không thuận lợi và chi phí lãi suất cao. Do đó, thâm hụt chung của Chính phủ EU giảm nhẹ  năm 2023 xuống còn 3,2% GDP.

DỰ BÁO NĂM 2024

Một số tổ chức quốc tế đã đánh giá tăng trưởng của Eurozone năm 2022 và dự báo tăng trưởng năm 2023 và 2024 (hình 5).

Tăng trưởng GDP tại EU

Theo OECD, tăng trưởng GDP của EU trong ngắn hạn còn yếu nhưng sẽ cải thiện dần nhờ kiểm soát được lạm pháp, nới lỏng chính sách tiền tệ và tăng thu nhập thực tế. Theo đó, OECD dự báo tăng trưởng GDP của EU dự kiến sẽ đạt 0,6% năm 2023, tăng lên 0,9% vào năm 2024 và 1,5% vào năm 2025.

Fitch Ratings (FR) dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone năm 2023 đạt 0,5%, điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 9/2023. Năm 2024, FR dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone đạt 0,7%.

Kinh tế EU năm 2023 và dự báo 2024 - Ảnh 1

ADB đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Eurozone năm 2023 xuống mức 0,5%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 9/2023. ADB đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 cho khu vực EU, đồng thời dự báo tăng trưởng năm 2024 chỉ đạt mức 0,8% vì những tác động tổng hợp từ suy giảm hoạt động kinh tế ngoài dự kiến trong quý 3/2023 kết hợp cùng những tác động tiêu cực của những xung đột trên thế giới, và tác động trệ của chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đè nặng lên chi tiêu của người tiêu dùng và vốn đầu tư.

Theo IMF, tăng trưởng GDP của Eurozone dự báo đạt 0,7% năm 2023, tăng lên mức 1,2% năm 2024, điều chỉnh giảm lần lượt 0,2 điểm phần trăm và 0,3 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 7/2023 cho năm 2023 và 2024.

Như vậy, các tổ chức quốc tế nhận định sau khi đạt mức 3,4% trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế Eurozone đã chậm lại trong năm 2023 với mức tăng khoảng 0,6% và sẽ chỉ tăng khoảng 1% trong năm 2024.

Chính sách tài khóa

Mặc dù có sự khác biệt rõ rệt giữa các khu vực, lập trường tài chính của Eurozone được dự đoán sẽ vẫn hạn chế trong năm 2024 và 2025, với mức thắt chặt tích lũy lên tới 1¼% GDP. Những hỗ trợ tài chính để giảm bớt tác động của chi phí năng lượng cao dự kiến sẽ bị rút dần trong năm 2024.

Đảm bảo rằng hỗ trợ thu nhập nhắm vào các hộ gia đình dễ bị tổn thương và tránh cuộc chạy đua trợ cấp giữa các quốc gia là điều cần thiết để ngăn chặn sự suy thoái tài chính công và cung cấp chính sách kinh tế vĩ mô thắt chặt. Đồng thời, xung đột tại Ukraine đã dẫn đến sự gia tăng liên tục trong chi tiêu quân sự và chương trình EU thế hệ tiếp theo (Next Generation EU - NGEU) đã kích thích các khoản đầu tư để đảm bảo nguồn cung năng lượng và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh chiếm khoảng 1% GDP Eurozone mỗi năm...

(*) Tác giả là chuyên gia Viện Kinh tế Việt Nam

Nội dung bài viết được đăng tải trên ẩn phẩm đặc biệt Kinh tế 2023-2024:  Việt Nam & Thế giới phát hành ngày 06/03/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Kinh tế EU năm 2023 và dự báo 2024 - Ảnh 2