09:55 11/01/2024

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao: "Kinh tế thế giới 2024 vẫn trong giai đoạn chuyển đổi sâu sắc"

Ánh Tuyết

Dự báo các xu hướng kinh tế toàn cầu nổi bật trong năm 2024, bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cho rằng kinh tế thế giới vẫn trong giai đoạn chuyển đổi sâu sắc, mang tính bước ngoặt. Câu hỏi đặt ra là liệu kinh tế thế giới năm 2024 đã đến “điểm đáy" suy giảm, có cơ hội xoay chuyển cục diện tăng trưởng hay không...

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao gợi mở một số xu hướng đáng chú ý nổi lên về kinh tế toàn cầu năm 2024 - Ảnh: Việt Dũng.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao gợi mở một số xu hướng đáng chú ý nổi lên về kinh tế toàn cầu năm 2024 - Ảnh: Việt Dũng.

Ngày 11/1/2024 tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên (Vietnam Economic Scenarios) lần thứ 16  với chủ đề “Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới”.

TẬN DỤNG KẾT QUẢ KHẢ QUAN ĐỂ TĂNG TỐC NĂM 2024

Phát biểu tại diễn đàn, bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cho rằng diễn đàn năm nay diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng, trong bối cảnh 2024 là năm “tăng tốc” để hoàn thành cao nhất các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, cũng là giai đoạn nền tảng giữa kỳ hướng tới các mục tiêu phát triển đến năm 2030.

Là một sự kiện uy tín, được tổ chức thường niên trong những ngày đầu năm, Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ góp phần đưa ra các dự báo về triển vọng tăng trưởng toàn cầu, khu vực, điều chỉnh chính sách của các nước và tác động đến Việt Nam, đồng thời khuyến nghị các giải pháp mang tính đột phá cho phát triển trong thời gian tới.

Tại diễn đàn, các ban, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế sẽ cùng thảo luận, khuyến nghị, “hiến kế” để Việt Nam tăng tốc năm 2024 - Ảnh: Chu Xuân Khoa.
Tại diễn đàn, các ban, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế sẽ cùng thảo luận, khuyến nghị, “hiến kế” để Việt Nam tăng tốc năm 2024 - Ảnh: Chu Xuân Khoa.

Theo lãnh đạo Bộ Ngoại giao, vào thời điểm này năm ngoái, chúng ta đánh giá triển vọng kinh tế thế giới sẽ tiếp tục khó khăn, nhiều rủi ro, đứng trước nguy cơ suy thoái. Thực tế diễn ra năm 2023 cho thấy các dự báo này là chính xác, thậm chí một số mặt còn khó khăn, phức tạp hơn, nhất là việc gia tăng các điểm nóng xung đột địa chính trị.

 

"Những kết quả có ý nghĩa lịch sử, tầm vóc chiến lược và tác động lâu dài này đã tạo nên môi trường chiến lược, vị thế chiến lược và thời cơ chiến lược mới rất to lớn, thuận lợi cho tăng cường cường an ninh, phát triển và nâng cao vị thế của Việt Nam", bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhận định.

Bối cảnh bất ổn đó càng cho thấy ý nghĩa của những kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà Việt Nam đã đạt được.

Đó là bảo đảm tốt ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội và các cân đối lớn của nền kinh tế; đà phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước và cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực khi tăng trưởng bình quân của ASEAN là khoảng 4,3%.

Bên cạnh đó là phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, sự phối hợp nhịp nhàng và đồng lòng của cả hệ thống chính trị.

Nhấn mạnh một trong những kết quả nổi bật về công tác đối ngoại năm qua, bà Nguyễn Minh Hằng cho biết công tác đối ngoại được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá là điểm sáng ấn tượng trong tổng thể bức tranh chung.

"Cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi chưa từng có hiện nay đã góp phần thu hút hiệu quả các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển. Theo đánh giá, thu hút FDI năm 2023 đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ", bà Hằng điểm lại.

THIẾT LẬP NHỮNG "LUẬT CHƠI" MỚI TOÀN CẦU

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 vừa diễn ra cuối tháng 12 vừa qua đánh giá sâu sắc, đa chiều về tình hình thế giới và khu vực. Cục diện thế giới đang tiếp tục định hình theo hướng đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc.

Bước sang năm 2024, Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, kinh tế toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục nổi lên một số xu hướng đáng chú ý.

Thứ nhất, kinh tế thế giới vẫn trong giai đoạn chuyển đổi sâu sắc, mang tính bước ngoặt. Tính bất định, bất ổn, bất trắc trong năm 2024 sẽ tiếp tục gia tăng với hơn 70 cuộc bầu cử diễn ra tại nhiều quốc gia, dự báo kéo theo nhiều điều chỉnh chính sách kinh tế đáng chú ý.

 
Bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Ảnh: Việt Dũng.
Bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Ảnh: Việt Dũng.

"Câu hỏi đặt ra là liệu kinh tế thế giới năm 2024 đã đến “điểm đáy" suy giảm? Đã có đánh giá cho rằng thế giới sắp bước vào một “siêu chu kỳ” tăng trưởng mới với sự phát triển và ứng dụng ngày càng mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khử carbon, đó là nhận định của Giám đốc bộ phận vĩ mô, Ngân hàng Goldman Sachs"

Báo cáo Triển vọng toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 09/1 dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 sẽ giảm xuống mức 2,4%, đây là năm giảm thứ ba liên tiếp và thấp hơn 0,75% so với mức trung bình của giai đoạn trước. Tốc độ tăng thương mại toàn cầu chỉ bằng một nửa so với trước đại dịch. 

Cùng với đó, WB nhận định toàn cầu vẫn có cơ hội xoay chuyển cục diện tăng trưởng hiện nay thông qua việc triển khai các chính sách đồng bộ nhằm kích hoạt “đầu tư bùng nổ” (investment booms).

"Các nước đang phát triển ước tính cần đầu tư 2,4 nghìn tỷ USD/năm đến năm 2030 để đạt các mục tiêu phát triển bền vững, cần đánh giá sâu thêm tác động đến Việt Nam", bà Hằng lưu ý.

Thứ hai, địa chính trị toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, các điểm nóng xung đột ngày càng gia tăng, đặt ra nhiều hệ luỵ đa chiều đối với kinh tế toàn cầu, nhất là phân mảnh kinh tế ngày càng sâu sắc.

Hội nghị WEF Davos 2024 sẽ diễn ra vài ngày tới đây cũng đặt chủ đề về “Khôi phục lòng tin”, cho thấy tính cấp bách hiện nay của việc duy trì hợp tác, kiểm soát rủi ro trong cạnh tranh nước lớn và thúc đẩy vai trò của đoàn kết quốc tế và chủ nghĩa đa phương.

Thứ ba, liên kết kinh tế quốc tế đang chuyển biến mạnh mẽ gắn với xu thế chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Nhiều nhận định cho rằng các điều chỉnh của liên kết kinh tế hiện nay diễn ra với tốc độ nhanh, nội hàm ngày càng phức tạp, bao gồm nhiều vấn đề sau biên giới quốc gia, đồng thời định hình các “luật chơi mới” tạo ra sức ép bắt buộc phải thực thi, tác động đến khả năng cạnh tranh, thích ứng của các nước đang phát triển. Do đó, cần phân tích xu thế mới tác động đến sự phát triển của kinh tế Việt Nam. 

ĐẨY MẠNH NGOẠI GIAO KINH TẾ

Với bối cảnh quốc tế như trên và yêu cầu phát triển của Việt Nam giai đoạn hiện nay, theo lãnh đạo Bộ Ngoại giao, chủ đề của diễn đàn lần này "Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới" là rất phù hợp, đúng và trúng quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và nhu cầu của doanh nghiệp.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định phương châm chỉ đạo, điều hành của năm 2024 là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”.

"Đây sẽ là kim chỉ nam, định hướng chiến lược cho các bộ, ngành, địa phương trong triển khai công tác năm 2024, trong đó có việc tích cực hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Trên đà thành công của năm 2023, bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong năm 2024, với phương châm “lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, phương hướng đối ngoại và ngoại giao kinh tế của Bộ Ngoại giao và sẽ phối hợp với các bộ, ngành sẽ tập trung vào các trọng tâm.

Một là, tranh thủ tối đa cục diện đối ngoại thuận lợi, đẩy mạnh đa phương hoá, đa dạng hoá, phát huy hiệu quả các khuổn khổ quan hệ vừa được nâng tầm trong năm 2023, nhất là triển khai tốt các thỏa thuận hợp tác đã đạt được, nhằm mở rộng không gian phát triển mới cho đất nước.

Hai là, ngoại giao kinh tế tiếp tục tận dụng tốt mạng lưới các Hiệp định thương mại tự do và các khuôn khổ hợp tác theo các ngành, lĩnh vực; thu hút ODA thế hệ mới, FDI chất lượng cao, góp phần hiện thực hóa 3 khâu đột phá chiến lược huy động nguồn lực quốc tế cho các quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi nền kinh tế.

Ba là, phát huy mạnh mẽ vị thế mới của đất nước, chủ động đề xuất các sáng kiến trong các vấn đề toàn cầu và khu vực; lan tỏa “sức mạnh mềm” của Việt Nam qua ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, thực hiện tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân.

Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu, theo dõi sát tình hình, điều chỉnh chính sách của các nước, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn thông tin thiết thực, kịp thời.