Kinh tế Indonesia chính thức cán mốc nghìn tỷ USD
Tuy nhiên, Chính phủ nước này vẫn chưa vội “ăn mừng” bởi tiếp tục chưa đạt mục tiêu thu ngân sách
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đã chính thức cán mốc tổng sản phẩm trong nước (GDP) 1 nghìn tỷ USD trong năm 2017.
Tuy nhiên, Chính phủ nước này vẫn chưa vội "ăn mừng" bởi tiếp tục chưa đạt mục tiêu thu ngân sách.
Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu do Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia, bà Sri Mulyani Indrawati, công bố cho thấy GDP nước này đạt mức 1.004 nghìn tỷ USD trong năm ngoái. Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Indonesia năm 2017 có thể thấp hơn mức 5,2% như được dự báo ban đầu.
Là quốc gia đông dân thứ tư thế giới, với hơn 260 triệu người, nhưng Chính phủ Indonesia không thu được số tiền thuế tương xứng với dân số. Thu ngân sách Chính phủ chỉ chiếm 14% GDP trong năm 2016, thấp hơn so với nhiều nước cùng trình độ phát triển.
Thu ngân sách thấp được xem là một trở ngại lớn để Indonesia có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn và được nâng định hạng tín nhiệm. Cả năm 2017, thu ngân sách của Chính phủ Indonesia hụt 5,9 tỷ USD so với mục tiêu đề ra 128 tỷ USD.
Bộ trưởng Indrawati - người đã cam kết cải cách thuế sau khi nhậm chức vào năm 2016 - nói rằng Chính phủ Indonesia cần phải tìm ra điểm cân bằng trong khi theo đuổi mục tiêu thu ngân sách. Bà Indrawati tuyên bố không muốn làm tăng sức ép đối với các công ty Indonesia vốn đã chịu áp lực từ sự biến động mạnh của giá hàng hóa cơ bản.
"Nếu nhìn lại các năm 2014, mục tiêu thu thuế là quá cao và gây ra những hoài nghi về tính đáng tin cậy của ngân sách nhà nước. Công chúng cũng cảm thấy rằng chúng ta đang bóp nghẹt họ", bà Indrawati phát biểu. "Trong tương lai, chúng tôi sẽ cải thiện quy trình thu thuế và sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan".
Thu ngân sách không đạt mục tiêu, Chính phủ Indonesia cũng chi ít hơn mục tiêu, dẫn tới mức thâm hụt ngân sách chỉ vào khoảng 2,6% GDP, so với dự báo thâm hụt 2,9%. Mục tiêu thâm hụt ngân sách của Chính phủ Indonesia là dưới 3%.
Theo một báo cáo gần đây từ Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) có trụ sở ở London (Anh), đến năm 2032, cùng với Hàn Quốc, Indonesia sẽ lọt top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, "đánh bật" hai nền kinh tế thuộc nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) là Italy và Canada.